05:22 06/05/2015

Thực hiện chính sách dân tộc đặc thù ở TP Hồ Chí Minh

Các chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đồng bào các dân tộc vươn lên, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cũng như xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Các chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp đồng bào các dân tộc vươn lên, có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, cũng như xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Theo ông Ngô Văn Triển, Trưởng ban Dân Tộc TP Hồ Chí Minh: Những năm qua, thành phố đã chú trọng phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo cho nhân dân và thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống đồng bào dân tộc có sự thay đổi đáng kể, số hộ giàu và khá tăng lên, số hộ nghèo giảm. Đồng bào dân tộc ở TP Hồ Chí Minh hiện không còn hộ nghèo theo tiêu chí dưới 12 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, thực hiện nâng chuẩn nghèo theo tiêu chí mới của thành phố, thì vẫn còn khoảng 3.850 hộ nghèo và 1.482 hộ cận nghèo.

Khám bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số TP. HCM.


Riêng năm 2014, hơn 10.700 đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, người già neo đơn, công nhân, sinh viên khó khăn tại 24 quận, huyện đã được chăm lo giúp đỡ, với tổng số hơn 4,9 tỷ đồng. Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng nhiều chính sách trợ vốn, dạy nghề, giới thiệu việc làm, miễn, giảm học phí... Thành phố còn quan tâm hỗ trợ hoạt động của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thông qua một số chủ trương, giải pháp, các dự án khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… trong chương trình quy hoạch, phát triển thành phố đến năm 2020, nhằm tạo phương kế làm ăn bền vững cho đồng bào.

Tặng quà cho hộ gia đình dân tộc thiểu số nghèo ở TP. HCM.


Thành phố còn có chính sách ưu tiên với học sinh dân tộc thiểu số, miễn học phí đối với học sinh dân tộc Chăm, Khmer từ mầm non đến THCS, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục đại học. Riêng năm học 2013 - 2014, có hơn 700 em học sinh dân tộc Chăm, Khmer được miễn học phí, với số tiền trên 534 triệu đồng. Thành phố còn vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân tham gia các hoạt động hỗ trợ giáo dục cho người dân tộc thiểu số, trao 16.095 suất học bổng với số tiền 15,887 tỷ đồng, 606 xe đạp, hàng triệu cuốn vở, đồ dùng phục vụ giảng dạy, học tập…

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Những năm qua, thành phố đã tạo điều kiện và xây dựng các chính sách bảo tồn văn hóa, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lễ hội truyền thống cũng như các loại hình văn hóa - nghệ thuật tiêu biểu, giải quyết kịp thời các nhu cầu chính đáng về sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc. Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi đối với người đứng đầu và người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trong các dịp lễ, Tết của các dân tộc, góp phần tạo sự gần gũi, gắn bó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người đứng đầu, người tiêu biểu và người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số phát huy được sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Trong Chương trình công tác dân tộc giai đoạn 2015 - 2020, thành phố xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện chính sách dân tộc đặc thù của thành phố, góp phần nâng cao đời sống các đồng bào dân tộc, thực hiện hiệu quả chương trình “giảm hộ nghèo, tăng hộ khá”, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của đồng bào thiểu số.

Lê Hiền