05:14 18/05/2012

Thực hiện “4 tại chỗ” để phòng chống lụt bão năm 2012

Tại Hội nghị tập huấn công tác phòng chống lũ quét, phòng chống lụt bão các tỉnh khu vực miền núi miền Trung và Tây Nguyên do Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức hôm qua, đại diện Ban chỉ đạo nhấn mạnh, công tác “4 tại chỗ” vẫn là ưu tiên hàng đầu để ứng phó với mùa mưa bão.

Tại Hội nghị tập huấn công tác phòng chống lũ quét, phòng chống lụt bão các tỉnh khu vực miền núi miền Trung và Tây Nguyên do Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương tổ chức hôm qua tại Hà Nội, đại diện Ban chỉ đạo nhấn mạnh, công tác “4 tại chỗ” vẫn là ưu tiên hàng đầu để ứng phó với mùa mưa bão năm nay.

 

Lát kè mái đập cửa nhận nước Nhà máy thủy điện Hàm Thuận. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

 

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, năm 2012 sẽ có khoảng 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, cao hơn so với trung bình nhiều năm và nhiều hơn so với năm 2011. Trong đó, sẽ có khoảng từ 3 đến 4 cơn bão có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Trung bộ. Cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển và cường độ phức tạp.

 

Miền Trung là khu vực thường xảy ra thiên tai nhiều nhất và đa dạng gồm cả bão, lũ quét và lụt. Theo ông Vũ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (PCLB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần chuẩn bị nhiều phương án đối phó, tuy nhiên, điểm nhấn vẫn là làm tốt công tác “4 tại chỗ”. Theo nhận định của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, Quảng Trị là địa phương làm tốt công tác “4 tại chỗ” nên được chọn làm mô hình điểm của cả nước.


Theo ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và PCLB của tỉnh Quảng Trị, chỉ huy tại chỗ là một nội dung quan trọng của phương án “4 tại chỗ”. Theo đó, cần có sự chủ động trong công tác chỉ huy, ứng cứu và triển khai các phương án phòng, chống khi lụt, bão xảy ra. Căn cứ vào đặc điểm địa hình, diễn biến lũ hàng năm trên các lưu vực sông, tỉnh Quảng Trị chia ra 5 vùng trọng tâm. Đó là, vùng trực tiếp bão, vùng ngập sâu thuộc các lưu vực sông, vùng lũ quét, vùng sụt lún, sạt lở đất và vùng ngập cục bộ. Các xã thuộc các vùng trên đều phải lập phương án PCLB cụ thể, chi tiết về số lượng hộ dân, người cần di dời từ vùng thấp lên vùng cao, từ nhà thấp lên nhà cao (trường học cao tầng, trụ sở cao tầng, ...) khi lũ xảy ra; từ nhà tạm, yếu đến nhà kiên cố khi bão vào; phải nắm chắc số lượng nhà kiên cố (trụ sở UBND, trạm y tế, trường học, ...); khả năng tập kết và có phương án di dời bắt buộc để đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong công tác di dời dân.


Về phương án hậu cần tại chỗ, cấp thôn bản, các đại lý luôn sẵn sàng dự trữ hàng hóa nhu yếu phẩm cần thiết. “Nghe tin có bão hoặc lụt, trưởng thôn hoặc cán bộ xã về các đại lý bán hàng “đặt hàng” dự trữ. Có nơi chính quyền địa phương ký hợp đồng với các đại lý để cung cấp hàng hóa”, ông Lê Đa Sơn cho biết. Còn ở cấp tỉnh, Sở Công Thương lo việc dự trữ lương thực, thực phẩm. Hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành Chỉ thị chỉ đạo cụ thể Sở Công Thương, Sở y tế... chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động cung ứng kịp thời các mặt hàng dự trữ như gạo, mỳ ăn liền, dầu... và thuốc chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo dân không bị đói trong bão lũ và phòng chống được các dịch bệnh phát sinh và vệ sinh môi trường trong mùa lụt, bão.


Về lực lượng tại chỗ, cấp thôn bản, thành lập lực lượng xung kích từ 15 - 20 người, ở cấp xã đều có trung đội dân quân tự vệ cơ động với số lượng 30 - 35 người. Ngoài ra các xã ở vùng ngập sâu, trọng điểm thiên tai đều thành lập thêm các lực lượng xung kích cấp xã, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ, đội cứu hộ cứu nạn để phối hợp với lực lượng, chính quyền thôn xã triển khai các phương án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai ở địa phương.


Về phương tiện tại chỗ, các vùng trọng điểm thiên tai, chính quyền cấp thôn, xã đã vận động nhân dân làm thuyền nan cho từng hộ gia đình, đến nay đã có trên 50% số hộ ở vùng ngập lụt sâu có thuyền nan để chủ động phương tiện sơ tán khi lũ xảy ra. Đối với các xã vùng trũng thuộc huyện Hải Lăng, tỷ lệ này đạt 85%. Bên cạnh việc trang bị áo phao, phao tròn cho lực lượng cứu hộ, nhân dân còn tận dụng can nhựa để dự phòng làm phao cứu sinh. Ngoài ra, chính quyền cấp thôn, xã tuyên truyền, huy động nhân dân tận dụng cây tre, gỗ sẵn có và chỉ đạo các hợp tác xã chuẩn bị sẵn cọc, phên tre, bao tải, đất để hộ đê...


Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Trung ương cho biết sắp tới, sẽ tổ chức nhiều hội nghị tham vấn, chương trình thực địa để có những báo cáo sát thực và nhân rộng mô hình PCBL của Quảng Trị ra các địa phương khác.


Mạnh Minh