09:07 05/09/2014

Thực hành dân chủ là sức mạnh của mọi thắng lợi

Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, dù chỉ có hơn 1.000 từ, song nội dung về dân chủ, về sức mạnh của thực hành dân chủ đối với thắng lợi của cách mạng đã được Người nhắc nhiều lần. Có thể coi Di chúc là bản tổng kết quan điểm dân chủ của Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng...

Trong Di chúc của Hồ Chí Minh, dù chỉ có hơn 1.000 từ, song nội dung về dân chủ, về sức mạnh của thực hành dân chủ đối với thắng lợi của cách mạng đã được Người nhắc nhiều lần. Có thể coi Di chúc là bản tổng kết quan điểm dân chủ của Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, tựu trung ở một số điểm sau đây:

 

1. Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn để giành thắng lợi


Kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp với giá trị truyền thống của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, đã rất coi trọng xây dựng một chế độ dân chủ và chỉ rõ vai trò, ý nghĩa của việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu và động lực của phát triển xã hội; dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn để giành thắng lợi.


Tư tưởng về dân chủ của Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở nhận thức về sức mạnh vô địch của nhân dân. Người viết: Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Người đã sớm nhận thức được sức mạnh của quần chúng nhân dân, coi trọng dân, “lấy dân làm gốc” và Bác đã nhắc nhở cán bộ, Đảng viên: “dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Người đã đưa ra một quan điểm toàn diện về dân chủ.

 

2. Xây dựng các điều kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ


Theo Hồ Chí Minh, người dân chỉ thực sự trở thành người làm chủ khi họ được giáo dục, khi họ nhận thức được rõ ràng đâu là quyền lợi họ được hưởng, đâu là nghĩa vụ họ phải thực hiện. Để thực hiện được điều này, một mặt, bản thân người dân phải có ý chí vươn lên, mặt khác, các tổ chức đoàn thể phải giúp đỡ họ, động viên khuyến khích họ. "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu" và nếu nhân dân không được giáo dục để thoát khỏi nạn dốt thì mãi mãi họ không thể thực hiện được vai trò làm chủ.


Người dân chỉ có thể thực hiện được quyền làm chủ khi có một cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của họ. Đảng phải lãnh đạo xây dựng được một Nhà nước của dân, do dân, vì dân; với hệ thống luật pháp, lấy việc bảo vệ quyền lợi của dân làm mục tiêu hàng đầu, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.


Do vậy, Hồ Chí Minh cho rằng, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân gắn liền với việc nhà nước phải làm tất cả để đem lại một cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của việc thực hành dân chủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, bởi vì có như vậy mới đem lại hạnh phúc, ấm no, tự do, bình đẳng cho nhân dân. Đó cũng chính là mục tiêu phấn đấu của chủ nghĩa xã hội.


Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc thực hành dân chủ trước hết trong Đảng để thúc đẩy dân chủ trong xã hội phát triển, để thực hiện cho được quyền làm chủ của người dân, bởi Đảng chỉ có thể mạnh và thực hiện được vai trò cầm quyền của mình khi xây dựng được khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phát huy sức mạnh của tất cả các đảng viên; Đảng là tấm gương sáng để nhân dân, xã hội noi theo. Thực hành dân chủ trong Đảng căn cốt để thực hành dân chủ trong nhân dân, trong xã hội.

 

3. Ý nghĩa tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh đối với công cuộc đổi mới hiện nay


Quán triệt tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng, Nhà nước ta đã đưa nội dung dân chủ trở thành một trong những nguyên tắc hiến định trong 4 bản Hiến pháp kể từ khi Nhà nước dân chủ ra đời đến nay. Các bản Hiến pháp trên đều ghi rõ: Ở nước ta, tất cả các quyền lực trong nước đều thuộc về nhân dân. Hiến pháp 1992 (sửa đổi năm 2013) đã dành cho vấn đề quyền con người vị trí đúng tầm của thời đại.


Trong suốt quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã đề ra những nguyên tắc vận hành, thể chế hóa mục tiêu, đưa ra những phương châm hành động nhằm hiện thực hóa dân chủ vào cuộc sống ngày càng sâu, rộng và đầy đủ hơn. Đó là cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ với phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra để thực hiện mục tiêu: Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Nhờ vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân chủ đã có bước phát triển mới và đạt được những thành tựu nhất định trong đời sống xã hội; các thể chế của nền dân chủ đang từng bước được mở rộng và hoàn thiện. Dân chủ được coi vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển xã hội; là điều kiện để nhân dân sáng tạo, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước.


Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, vấn đề dân chủ cả về nhận thức và trong thực hành đang là một trong những nội dung cấp bách cần phải tập trung nghiên cứu và đề ra các giải pháp khắc phục nhằm tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, trong Đảng, để tạo ra sức mạnh thúc đẩy sự nghiệp đổi mới tiến lên.


PGS,TS Đỗ Thị Thạch (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)