11:06 07/11/2014

Thúc đẩy sức mua cuối năm

Theo thông lệ, sức mua thường tăng mạnh dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay sự suy yếu sức mua có thể chi phối thị trường, do vậy nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ không đạt chỉ tiêu về tăng trưởng và lợi nhuận.

Theo thông lệ, sức mua thường tăng mạnh dịp cuối năm. Tuy nhiên, năm nay sự suy yếu sức mua có thể chi phối thị trường, do vậy nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ không đạt chỉ tiêu về tăng trưởng và lợi nhuận.

Giá cao kìm hãm sức mua

Theo báo cáo tổng kết mới được Bộ Công Thương công bố, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội trong tháng 10 vừa qua đạt gần 251.200 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước, nếu tính cả 10 tháng đầu năm thì tăng 11% so với cùng kì 2013. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn mức tăng 12,6% của năm ngoái. Bộ Công Thương đánh giá nguyên nhân chủ yếu là do sức mua yếu. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ 10 tháng đầu năm nay chỉ tăng 6,4%.

Mặc dù nhiều mặt hàng đã áp dụng chương trình khuyến mãi nhưng sức mua vẫn không khá hơn. Ảnh: Nam Hoàng


Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đánh giá, sức mua yếu bởi các nguyên nhân sau: Thứ nhất là, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng ngày càng suy giảm. Do không tăng lương công nhân viên chức và lương hưu nên nhiều người phải làm thêm giờ mới đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Thứ hai là, giá cả hiện nay rất “bảo thủ”. “Đáng lẽ, giá xăng giảm 8 lần trong 3 tháng qua thì giá vận tải phải xuống. Nhưng không! Giá vận tải không xuống, giá vận chuyển hàng hóa tiêu dùng cũng không xuống. Ba tháng nay rồi giá các hàng hóa, đặc biệt là hàng tiêu dùng không giảm tý nào”, ông Phú nói.

Sức mua yếu sẽ khiến hàng hóa tồn kho lớn, DN không thể mở rộng đầu tư. Tổng cầu thị trường kém, dẫn đến nguy cơ kinh tế rơi vào tình trạng thiểu phát. Nếu quá chú ý tới tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến lạm phát. Song nếu quá tập trung vào kiềm chế lạm phát, nền kinh tế sẽ trì trệ, tổng cầu giảm, DN không có thị trường tiêu thụ.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long

Nguyên nhân thứ ba, theo ông Phú, nằm ở hệ thống phân phối. Cà chua tại Đà Lạt chỉ 1.000 đồng/kg, nhưng miền Bắc vẫn tới 12.000 đồng/kg. Thanh long ở Ninh Thuận thu hoạch nhiều, tiêu thụ khó khăn nên phải cho bò ăn, nhưng ở siêu thị Hà Nội vẫn là 32.000 - 50.000 đồng/kg… Lẽ ra, nhiều siêu thị có thể thuê xe tải chở hàng ra Hà Nội bán với giá 7.000 đồng/kg là có lãi, nhưng không ai làm. Điều này khiến giá cao giữ mãi không giảm, sức mua không tăng lên được.

Mặt khác, theo các chuyên gia, để đánh giá về sức mua cũng cần nhìn vào con số lạm phát. Theo đó, lạm phát thấp là có vấn đề. Tháng 10 vừa qua, CPI chỉ tăng 0,11%. Cả năm tăng 4,47% chứng tỏ tổng cầu giảm. Tồn kho một số nhóm hàng hóa vẫn tăng 13% so với cùng kỳ.

Dự báo về thị trường cuối năm, ông Phú cho rằng sức mua có thể sẽ tăng nhưng không tăng bằng năm ngoái. “Đợt lễ Tết năm ngoái tăng 10% thì năm nay khả năng sẽ chỉ tăng khoảng 5% thôi. Tiền trong dân không nhiều, giá lại cao quá nên người dân phải thắt chặt chi tiêu. Lương công chức hiện nay chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu sống”, ông Phú cho biết.

Nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng

Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, có 2 nhóm sức mua: Sức mua của những người sản xuất và sức mua của người tiêu dùng bình thường. Ứng với hai nhóm này sẽ có hai nhóm giải pháp tương đối khác nhau.

“Trên thực tế, lượng tiêu thụ ô tô nhập khẩu hay một số mặt hàng khác từ Trung Quốc vẫn tăng rất nhanh. Điều đó cho thấy, nhu cầu mua vẫn có, chỉ có điều là hàng Việt Nam không đủ sức cạnh tranh hoặc không phù hợp với nhu cầu của người dân lắm” .

TS Nguyễn Minh Phong

Theo đó, đối với nhóm sản xuất, sức mua liên quan tới quy hoạch, chính sách, lãi suất và điều kiện cho vay. Đặc biệt là liên quan tới triển vọng thị trường. Xuất phát từ những khó khăn hiện tại khiến doanh nghiệp (DN) không muốn đầu tư vào sản xuất. “Hiện nay, những mặt hàng thông thường thì đang ứ, mà những mặt hàng mới thì Việt Nam lại chưa đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Cho nên, tốt nhất trong những năm tới, đối với nhóm mặt hàng xuất khẩu (trên 20 mặt hàng xuất khẩu hơn 1 tỷ USD), phải có những giải pháp để tăng lượng xuất khẩu lên. Khi lượng xuất khẩu tăng lên sẽ tạo thêm thu nhập cho DN, tạo ra triển vọng thị trường và các DN sẽ được hưởng lợi’, ông Phong cho hay.


Còn đối với nhóm người tiêu dùng thì sức mua gắn với thu nhập của người dân cũng như chất lượng mặt hàng và giá cả sản phẩm. Do đó, biện pháp quan trọng là các DN hạ giá và nâng cao chất lượng, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm phải thích hợp với thị trường. Hơn nữa, tín dụng tiêu dùng cần có sự cải tiến để tăng sức mua. (Ở nước ngoài, các ngân hàng sẽ cho vay tiêu dùng bằng tiền hay hàng hóa. Người vay tín dụng tiêu dùng không phải thế chấp bất cứ một loại tài sản nào mà chỉ cần chứng minh được thu nhập và sẽ phải trả một phần gốc và lãi hàng tháng).

Cũng theo TS Nguyễn Minh Phong, đối với thị trường trong nước, các DN phải điều chỉnh chất lượng, cơ cấu và giá cả sản phẩm cho phù hợp. Đối với thị trường nước ngoài, DN cần phải vượt qua được hàng rào kỹ thuật, cạnh tranh để xuất khẩu nhiều hơn, từ đó lan tỏa ra thị trường trong nước. Về phía người dân thì gần như bị động vì nếu họ không có thu nhập thì họ chẳng thể chi tiêu nhiều hơn.

Đồng quan điểm, theo ông Vũ Vinh Phú, các nhà sản xuất cần đầu tư về chiều sâu, đưa những công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, phải tổ chức lại hệ thống phân phối, quy hoạch vùng sản xuất cho rõ ràng, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn, quản lý hàng lậu.

“Một biện pháp nữa là phải giải quyết vấn đề lãi vay ngân hàng, giúp DN tiếp cận vốn vay rẻ. Chênh lệch giữa giá vay và giá gửi chỉ 3% là ngân hàng có lãi rồi, chứ chênh lệch đến 8% thì lãi vay sẽ “chui” vào giá hàng hóa. Theo tôi đây là vấn đề vĩ mô, Nhà nước chịu trách nhiệm 70%, còn 30% là DN, người sản xuất và cả người tiêu dùng. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì sang năm, chúng ta lại vẫn nói chuyện này thôi”, ông Phú chia sẻ.

Thu Hồng - Hoàng Dương