05:22 21/05/2015

Thúc đẩy phát triển công nghệ sau thu hoạch

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản Việt Nam như rau quả, lúa gạo… tiếp tục đối mặt với thực trạng dư thừa, khó khăn đầu ra. Trong rất nhiều nguyên nhân, phải nhắc tới một phần do yếu kém về công nghệ sau thu hoạch.

Từ đầu năm đến nay, nhiều loại nông sản Việt Nam như rau quả, lúa gạo… tiếp tục đối mặt với thực trạng dư thừa, khó khăn đầu ra. Trong rất nhiều nguyên nhân, phải nhắc tới một phần do yếu kém về công nghệ sau thu hoạch.

Giảm lợi nhuận

Kết thúc năm 2014 tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt gần 31 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2013, trong đó có 10 sản phẩm đạt giá trị hơn 1 tỷ USD và xuất khẩu đến 160 nước và vùng lãnh thổ. Đạt con số ấn tượng trên, nhưng hiện vẫn hết sức khó khăn khi nhận biết hay tìm mua mặt hàng nông sản Việt trên thị trường các nước, nhất là những nước phát triển, do việc xuất khẩu còn hạn chế. “Chẳng hạn như mặt hàng gạo, hầu hết người tiêu dùng chỉ biết đến gạo Thái Lan. Hay với trái thanh long, khi xuất sang Canada, do chưa được bảo quản tốt nên nhiều trái bị hư nên nhà nhập khẩu cũng rất kén. Nếu cải thiện vấn đề bảo quản sau thu hoạch, việc khai thác thị trường sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho nhà nông”, đại diện một doanh nghiệp nước ngoài chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông sản cho hay.

Công nghệ sau thu hoạch kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị nông sản Việt.


So với các nước trong khu vực, tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất thấp, không đồng đều giữa các ngành và chỉ tập trung ở ngành mũi nhọn. Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong nông sản ở mức cao, xấp xỉ 14% đối với lúa gạo, từ 20 - 25% các ngành khác như chăn nuôi, cây ăn quả, đánh bắt thủy hải sản... Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, nếu kéo giảm tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch trong chuỗi sản xuất lúa gạo xuống mức 5 - 6% sẽ làm tăng tương ứng giá trị 6%.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho rằng nếu làm tốt công nghệ sau thu hoạch các sản phẩm cứ tưởng không có giá trị như cám gạo thì cũng có giá trị tăng cao hơn từ 100 - 300% khi được chế biến thành thức ăn chăn nuôi, xà phòng, mỹ phẩm… ; còn rơm có thể dùng sản xuất Ethanol, từ đó sản xuất ra các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, làm vật liệu xây dựng hoặc ép thành viên…

“Trong khi đó quy trình sản xuất chế phẩm cũng khá đơn giản, gồm những công đoạn chính như tạo thể keo các dẫn xuất xenlulo hay nhựa thực vật, tạo vi nhũ tương bằng phương pháp nhũ hóa áp suất cao cùng chất nhũ hóa là ammoniac và các axit béo. Cuối cùng, trộn các đồng thể của 2 công đoạn trên với nhau và bổ sung các chất phụ gia như chất dẻo hóa, chất chống bọt… Chúng ta cần nghiên cứu cần học hỏi kinh nghiệm của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… nhằm ứng dụng những công nghệ và thiết bị mới, qua đó, chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ trấu, rơm rạ, cám gạo…”, ông Huệ nói thêm.

Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung

Sau gần 2 năm thử nghiệm trên nhiều loại trái cây như bưởi, cam, chuối… công nghệ phủ màng cho trái cây của Trung tâm Nghiên cứu và kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm (Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch) đã bắt đầu cho kết quả vượt trội. Theo PGS -TS Nguyễn Duy Lâm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm, công nghệ này được ứng dụng khá phổ biến ở các nước phát triển nhưng ở Việt Nam chưa được sử dụng nhiều. Trái cây sau khi thu hoạch, sơ chế sẽ được phủ lên bề mặt một lớp chế phẩm chiết xuất từ các loại sáp để bảo quản và làm đẹp cho sản phẩm.

“Ở nhiệt độ bình thường, chế phẩm giúp kéo dài "tuổi thọ" thêm khoảng 8 ngày cho xoài, 40 - 50 ngày cho cam, quýt; 15 ngày cho chuối và gần 100 ngày đối với bưởi. Chế phẩm tạo màng được làm từ các nguyên liệu thiên nhiên như sáp ong, sáp carnauba, nhựa cánh kiến đỏ, axit béo… nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn cho người sử dụng”, TS Lâm khẳng định.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, hiện các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều dự án nâng cao chất lượng lúa gạo, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề hiện đại hóa công nghệ sau thu hoạch. Theo đó, từ nay cho đến năm 2020, các tỉnh sẽ trang bị thêm từ 20.000 - 25.000 máy gặt đập liên hợp và máy sấy lúa, bảo đảm cơ giới hóa các khâu gặt, sấy cho ít nhất 80% diện tích đất lúa. Mục tiêu đến năm 2017 sẽ xây dựng thêm 70 hệ thống sấy hiện đại gắn kết với các trung tâm chế biến gạo xuất khẩu bảo đảm nâng công suất sấy lên hơn 4 triệu tấn lúa/năm, góp phần bảo đảm 80% lượng lúa hè thu, thu đông hàng năm sẽ được sấy khô. Ngoài ra, sức chứa của hệ thống kho lương thực tại khu vực cũng được nâng lên gấp 3 lần sức chứa hiện nay và hầu hết được hoạt động theo cơ chế cơ giới hóa và tự động hóa nhằm nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản.

Về lâu dài, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị Việt Nam cần có đầu mối dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ sau thu hoạch, cũng như liên kết doanh nghiệp với các bộ ngành liên quan và địa phương có tiềm năng. Nhưng trước mắt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên áp dụng công nghệ thông tin để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung cho tất cả mọi người có thể tham khảo khi cần về tất cả lĩnh vực, kể cả các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp hay danh sách những công trình để DN biết và khi cần có thể tiếp xúc với các nhà khoa học.

Lê Nghĩa - QH