10:06 06/10/2014

Thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ

Tại sao các chương trình ưu đãi vay vốn còn chưa đến được tay các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; định hướng để các doanh nghiệp chăn nuôi có thể cạnh tranh tốt hơn... là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1...

Tại sao các chương trình ưu đãi vay vốn còn chưa đến được tay các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; định hướng để các doanh nghiệp chăn nuôi có thể cạnh tranh tốt hơn, cũng như những lo lắng của các doanh nghiệp thép trong nước trước nguy cơ phá sản khi thép của Nga tràn vào, là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời trong Chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan truyền thông khác.

 

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, việc sản xuất một linh kiện, phụ tùng, ngoài yêu cầu về mặt chất lượng còn phải đáp ứng yêu cầu về mẫu mã, khả năng cạnh tranh về năng suất lao động, giá thành sản phẩm... nên nếu Việt Nam có tính đến việc sản xuất linh kiện, phụ tùng, thì cũng phải tính đến đầu ra cho linh kiện, phụ tùng đó.


“Nếu chúng ta không bảo đảm được về chi phí (do năng suất thấp), khiến cho giá thành cao, thì khó có thể len chân được vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu. Để giúp doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Nhà nước cần có nhiều biện pháp hỗ trợ. Ngoài hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho việc đào tạo, huấn luyện cán bộ, công nhân, định hướng thị trường, tạo những thuận lợi về thuế, thuế đất và lao động; thì cũng cần có những chương trình hợp tác với nước ngoài nhất là những quốc gia có thế mạnh về công nghiệp phát triển, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, như: Nhật Bản, Hàn Quốc... Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước cũng chỉ mang tính thúc đẩy, còn có tham gia được vào công nghiệp hỗ trợ hay không, quyết định cuối cùng cũng vẫn là của doanh nghiệp”, Bộ trưởng khẳng định.


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, không phải là doanh nghiệp nào cũng có thể được hưởng cơ chế ưu đãi theo Chương trình khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ, con số đó sẽ rất ít.


Cũng theo Bộ trưởng dù Chính phủ và các cấp, các ngành rất quan tâm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng chưa đi vào được cuộc sống là có nhiều lý do. Thứ nhất, những ưu đãi, cơ chế, chính sách khuyến khích chưa đủ sức hấp dẫn và chưa đủ sức để cho các doanh nghiệp quan tâm; hai là, bản thân các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ còn đang yếu, nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp về kinh phí, chắc sẽ khó thực hiện được các chủ trương khuyến khích phát triển.

 

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ ban hành ngày 24/2/2011, mặc dù đã đề cập tới rất nhiều khía cạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng trong thực tế, chính sách, cơ chế, các giải pháp nêu trong quyết định này cũng cần phải tiếp tục được rà soát, xem xét lại và nếu thấy những biện pháp hiện hành chưa đủ sức hấp dẫn thì phải nghiên cứu tiếp, ban hành tiếp để tạo sức hấp dẫn cao hơn và những quy định không còn phù hợp với tình hình thực tế thì cũng cần phải được rà soát để sửa đổi”, Bộ trưởng khẳng định.


Về việc định hướng để các doanh nghiệp chăn nuôi có thể cạnh tranh tốt hơn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc đàm phán và đi đến ký kết một số hiệp định thương mại, kinh tế, trong đó có hiệp định khu vực mậu dịch tự do như TPP là bước cụ thể hóa chủ trương tăng cường hội nhập của Đảng và Nhà nước. Thông qua việc đàm phán, ký kết những hiệp định này, sẽ mở ra những thị trường, mở ra khả năng tăng xuất khẩu và khả năng thu hút đầu tư trong lĩnh vực ở Việt Nam chưa có điều kiện phát triển, nhất là trong những lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến...

 

Thời gian qua Việt Nam đã không áp dụng hạn ngạch để khống chế hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào, nên những mặt hàng trong nước bị ảnh hưởng. Trong đàm phán các hiệp định với các nước, Việt Nam tiếp tục yêu cầu các đối tác chấp nhận một thực tế ở Việt Nam, để những sản phẩm nhất là sản phẩm nông sản có lộ trình tương đối dài cho đến khi nào lĩnh vực này của Việt Nam cạnh tranh được thì mới mở cửa, Bộ trưởng cho biết.


Đối với các doanh nghiệp thép đang lo phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với thép của Nga tràn vào, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, dư luận còn chưa hiểu hết bản chất của vấn đề. Nguyên tắc đàm phán các hiệp định khu vực mậu dịch tự do là phải lưu ý đến sản phẩm của Việt Nam đang còn kém về khả năng cạnh tranh, trong khi lại sản xuất khá nhiều, thì cần phải có lộ trình để mở cửa từ từ.

 

Sản phẩm thép có rất nhiều chủng loại, nên trong đàm phán với liên minh thuế quan phải đưa ra một bản chào hàng, mở cửa cho phía bạn. Theo đó những sản phẩm đã sản xuất đủ và thừa như thép xây dựng thông thường thì đề nghị phía bạn không mở cửa, hoặc mở cửa thì phải có hạn ngạch, hoặc thuế suất cao. Ngược lại, với những sản phẩm thép mà Việt Nam còn chưa sản xuất được, thì việc Việt Nam cho phép các đối tác nước ngoài, trong đó có liên minh thuế quan, được xuất khẩu vào là hợp lý và có lợi cho ta.


Trọng Thủy