05:07 29/05/2014

Thủ tướng Ukraine yêu cầu Nga phong tỏa biên giới

Ngày 28/5, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin phong tỏa biên giới với Ukraine để ngăn chặn người biểu tình có vũ trang xâm nhập nước này.

Ngày 28/5, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin phong tỏa biên giới với Ukraine để ngăn chặn người biểu tình có vũ trang xâm nhập nước này. Ông Yatseniuk còn cho rằng nếu ảnh hưởng của Nga được loại bỏ, thì cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ kết thúc nhanh chóng.

Chuyển thi thể những người biểu tình có vũ trang sau giao tranh ở thành phố Donetsk ngày 27/5. Ảnh: AFP/TTXVN


Thủ tướng Yatseniuk nêu rõ: "Tình hình tại miền Đông đang ngày càng xấu đi. Nhiều xe tải chở đầy đạn dược và các phần tử vũ trang đã đi qua biên giới Nga để vào Ukraine. Chúng tôi yêu cầu nước Nga và ông Putin phong tỏa biên giới tới Ukraine".

Cùng ngày, Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert đã kêu gọi Nga tăng cường kiểm soát ở biên giới để ngăn chặn các tay súng ủng hộ Moskva hoặc vũ khí xâm nhập lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer cũng bày tỏ "quan ngại gia tăng" về các cuộc đụng độ ở Donbass, miền đông Ukraine, vốn ngày càng "dữ dội" do sự xuất hiện của một loại vũ khí mới do người biểu tình sử dụng. Người phát ngôn này bày tỏ hy vọng giới lãnh đạo mới của Ukraine "sẽ có thể đưa tình hình trở lại trong tầm kiểm soát".


Trước đó, Ngoại trưởng Nga đã có cuộc điện đàm với ngoại trưởng Mỹ, Đức về tình hình Ukraine. Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói với người đồng cấp Mỹ John Kerry rằng chính quyền lâm thời Ukraine cần phải ngừng chiến dịch quân sự ở miền đông - nam.

Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Nga yêu cầu Ukraine phải chấm dứt ngay chiến dịch quân sự tại khu vực đông nam nước này và thực hiện thỏa thuận Geneva được ký kết ngày 17/4.


Ông Lavrov "đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngừng ngay lập tức chiến dịch trừng phạt của Kiev ở các khu vực miền đông - nam và nhanh chóng khởi động một cuộc đối thoại toàn quốc, trong đó bao gồm các cuộc đàm phán trực tiếp với các đại diện ở miền đông - nam, vì lợi ích của một giải pháp hòa bình".

Trong một cuộc điện đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, ông Lavrov cũng kêu gọi "có những bước đi khẩn cấp để chấm dứt tình trạng đổ máu và khởi động đối thoại giữa những người dân Ukraine, trong đó có chủ đề cải cách hiến pháp sâu rộng".

CH Lugansk tự phong ấn định thời điểm bầu cử

Cũng trong ngày 28/5, ban lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự phong tại miền đông Ukraine thông báo sẽ tổ chức các cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 9 tới.

Trả lời họp báo, Thủ tướng tự phong Vasily Nikitin nói: "Chúng tôi có kế hoạch tiến hành bầu cử Hội đồng Tối cao vào ngày 14/9". Theo ông Nikitin, cuộc bầu cử hội đồng địa phương tại khu vực này cũng có thể được tổ chức trong tháng 9.

Cùng ngày, Vệ binh Quốc gia Ukraine cho biết lực lượng nước này tiếp tục hứng chịu "những tổn thất mới" trong cuộc tấn công vào thành trì của phiến quân ở Lugansk, song không cho biết thêm chi tiết.


Trong một diễn biến khác, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cho biết họ đã mất liên lạc với nhóm quan sát viên thứ 2 gần thành phố Donetsk, miền đông Ukraine, một ngày sau khi nhóm đầu tiên bị bắt giữ.

Tuyên bố của OSCE cho hay nhóm quan sát viên thứ 2 này gồm 11 thành viên đến từ Bulgaria, Áo, Hà Lan, Phần Lan, Italy, Na Uy, Ba Lan, Nga, Slovakia, Mỹ và di chuyển trên 3 xe. Tuyên bố OSCE có đoạn: "Chúng tôi đang tiếp tục các nỗ lực và tận dụng các mối liên lạc trên thực địa. Chính phủ Ukraine cũng như chính quyền địa phương đã được thông báo về vụ việc trên".



T.N(theo
AFP/THX)