Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 8/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel, đại diện cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đã đạt được một thỏa thuận về chính sách người di cư với các đồng minh trong Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).
Chủ tịch CDU, Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Tallinn, Estonia ngày 29/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Đây được cho là thành công lớn của bà Merkel khi loại bỏ được một trở ngại lớn trong tiến trình đàm phán với các đảng khác để thành lập một chính phủ liên minh.
Theo thỏa thuận đạt được giữa Thủ tướng Angela Merkel với lãnh đạo đảng đồng minh CSU, Đức đồng ý sẽ tiếp nhận khoảng 200.000 người nhập cư mỗi năm vì lý do nhân đạo, trong đó bao gồm cả những gia đình người tị nạn tại Đức.
Đây là vấn đề mà trước đó bà Merkel luôn bác bỏ vì cho rằng không hợp Hiến pháp Đức. Tuy nhiên, con số này không được cho là mức giới hạn về người tị nạn.
Cũng tại cuộc đàm phán, lãnh đạo 2 đảng CDU và CSU cũng nhất trí thúc đẩy một luật nhập cư nhằm ưu tiên cho những người nhập cư có tay nghề cao để có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường lao động tại Đức.
Đây cũng là vấn đề được đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh ủng hộ. Hiện 2 bên vẫn tiếp tục thảo luận để cùng tìm được tiếng nói chung trong một số chính sách khác, trong đó có vấn đề lương hưu.
Như vậy, với việc đạt được thỏa thuận về vấn đề người di cư với đồng minh CSU, vốn là một trở ngại lớn gây mâu thuẫn nội bộ trong Liên đảng CDU/CSU, trước mắt Thủ tướng Angela Merkel đã có thể "thở phào nhẹ nhõm" để bắt đầu hướng tới các cuộc đàm phán thành lập liên minh với đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với giới kinh doanh và đảng Xanh vốn là đảng cánh tả truyền thống.
Trước đó, một ngày, Thủ tướng Đức xác nhận bà sẽ tiến hành đàm phán với đảng FDP và đảng Xanh để thành lập một chính phủ liên minh sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng trước.
Việc đàm phán được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn do 3 bên có quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề từ thuế, năng lượng cho tới một số vấn đề khác.
Trong bối cảnh đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đối tác liên minh suốt 4 năm trong Chính phủ của bà Merkel, tuyên bố sẽ trở thành đảng đối lập trong thời gian tới, chính quyền liên đảng CDU/CSU của Thủ tướng Merkel sẽ phải tiến hành các cuộc thảo luận thành lập liên minh với 2 đảng còn lại là FDP và đảng Xanh, cùng lúc phải đối mặt với những thách thức tới từ đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối cực hữu và dân túy lần đầu tiên có mặt và trở thành đảng lớn thứ ba trong Quốc hội Liên bang Đức.