07:17 03/07/2014

Thủ tướng Lý Hiển Long nói về Trung Quốc, Mỹ và các vấn đề 'nóng'

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mới đây đã có buổi trả lời phỏng vấn về một loạt các vấn đề nóng, cả trong nội bộ nước Mỹ cũng như các vấn đề quốc tế, ví dụ như chiến lược xoay trục tới châu Á, Hiệp định (TPP), các vấn đề về Ukraine, Trung Đông, Biển Đông, Trung Quốc, Nhật Bản...

Xoay trục? Xoay trục thế nào? Trong khi cuộc xung đột ở Iraq và Syria đang nóng, cuộc chiến ở Afghanistan chưa đến hồi kết và cuộc đối đầu chính trị vô tận trong Quốc hội Mỹ đang rơi vào thế bế tắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, kế hoạch “xoay trục” (đang bị bẻ cong) của Washington được coi là chiến lược mong muốn nhất-nhưng ít trọn vẹn nhất- trong nghị trình của Tổng thống Obama kể từ khi được công bố vào cuối năm 2011.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mới đây đã có buổi trả lời phỏng vấn phóng viên Susan Glasser của tạp chí Politico về một loạt vấn đề nóng, cả trong nội bộ nước Mỹ cũng như các vấn đề quốc tế, ví dụ như chiến lược xoay trục tới châu Á, Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vấn đề về Trung Đông, Biển Đông, Trung Quốc, Nhật Bản... Dưới đây là một số nội dung của cuộc phỏng vấn:

Pv: Chiến lược "tái cân bằng tới châu Á" (xoay trục) mà chính quyền Obama công bố có nhiều sự phô trương ầm ĩ, nhưng thực sự không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng biến mục tiêu thành hiện thực. Chỉ trong thời gian ngắn, Washington đã phải đối mặt với các sự kiện ở Iraq, cuộc khủng hoảng ở Đông Âu liên quan đến Ukraine. Vậy thông điệp của Mỹ về châu Á là gì?

Thủ tướng Lý Hiển Long: Thông điệp của Washington đối với châu Á là: Mỹ là một siêu cường; Mỹ quan tâm và có lợi ích ở những nơi xa xôi trên toàn thế giới, nhưng châu Á là rất quan trọng với Washington; Mỹ đã và sẽ là một cường quốc Thái Bình Dương. Ở châu Á, Mỹ có lợi ích, bạn bè, có đầu tư và Mỹ phải chú ý một cách tương xứng vào những điều đó, như về tài nguyên, về mặt chia sẻ nhận thức và về lời giải thích cho công chúng rằng: Tại sao điều này là quan trọng và làm thế nào nó có thể tạo ra sự khác biệt với Mỹ.

Pv: Nhưng liệu nó thực sự là một chiến lược xoay trục?

Thủ tướng Lý Hiển Long: Mỹ quan tâm đến các vấn đề trên toàn thế giới, nhưng điều đó không có nghĩa là Washington phân bổ sự chú ý một cách hoàn toàn đều nhau trên tất cả các hướng. Ở châu Á, Mỹ có thể có hoặc không có những vấn đề nóng xảy ra cùng một lúc (mặc dù cũng có một số vấn đề: Bán đảo Triều Tiên có thể trở thành điểm nóng, tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp đảo đã nóng lên đáng kể trong vài năm gần đây). Nhưng cũng có những xu hướng dài hạn, trăm năm một lần và rất quan trọng đang làm thay đổi thế giới.

Trung Quốc đang phát triển; ảnh hưởng của nước này ngày càng tăng trên trường quốc tế và Trung Quốc thực sự là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nước khác ở châu Á cũng đang liên kết, hợp tác với nhau, trao đổi thương mại nhiều hơn với các quốc gia khác, châu lục khác... và phát triển một khuôn khổ cho các quan hệ quốc tế ở châu Á. Và Mỹ phải là một phần của điều này. Nếu Washington không phải là một phần của điều này, tôi nghĩ rằng nhiều lợi ích của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng và thậm chí có thể bị tổn hại.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) và Tổng thống Mỹ Obama. Ảnh: P.M


Pv: Một số người thậm chí đã nói về sự căng thẳng theo kiểu "tân biệt lập" trong nền chính trị Mỹ trong vài năm qua- các nghị sĩ trong cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang mệt mỏi vì những gánh nặng của vai trò lãnh đạo toàn cầu. Ông có nhận thấy điều này khi tới Washington và thăm Quốc hội Mỹ, và nước Mỹ có còn cần phải can dự?

Thủ tướng Lý Hiển Long: Vâng, tôi nghĩ rằng có một tâm trạng như thế ở Mỹ. Mỹ nói điều này trên tất cả các phương tiện truyền thông của mình; các cuộc thăm dò cũng đã cho thấy điều đó; các dân biểu và thượng nghị sĩ của Mỹ phải phản ánh tâm trạng trên vì họ phải hòa nhập với dân chúng. Trước đây, Mỹ cũng đã trải qua những thăng trầm này. Sau chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã có một giai đoạn thoái lui và cảm thấy mệt mỏi về sự hy sinh, nỗi đau và những khó khăn của thế giới. Nhưng Mỹ đã phục hồi trở lại, và tôi khá chắc chắn rằng lần này Mỹ cũng sẽ phục hồi trở lại.

Pv: Tuy nhiên, nếu ông nhìn vào lịch trình chính trị của Mỹ, có một điều không may là Mỹ có thể sẽ tập trung thời gian (trong vài năm tới) cho các mối quan tâm khác. Tôi biết ông tới đây để thảo luận về TPP và thương mại, nhưng Mỹ đang tiến ngày càng gần tới mùa bầu cử Tổng thống tiếp theo.

Thủ tướng Lý Hiển Long: Mỹ có một số cuộc bầu cử sắp diễn ra. Đó là cuộc bầu cử tổng thống hoặc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Nhưng TPP là một phần rất quan trọng và chính quyền của Tổng thống Obama đã tuyên bố rất rõ ràng rằng đây là một trong những ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở châu Á. Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra. Các bên đã đạt được rất nhiều tiến bộ, vì vậy giai đoạn này là những bước cuối cùng. Có một số vấn đề khó khăn chưa được giải quyết. Ý tôi là, Nhật Bản đặc biệt có một số lĩnh vực nhạy cảm cần phải được thảo luận như: thịt bò, đường, sản phẩm sữa, gạo, thịt lợn.

Pv: Nhìn rộng hơn vào bức tranh chiến lược ở châu Á hiện nay, ông đã có một số điều rất thú vị khi nói về những gì sắp xảy ra với cả Nhật Bản và Trung Quốc. Vậy Mỹ có thể tiếp tục đóng vai trò gì trong khu vực?

Thủ tướng Lý Hiển Long: Với Nhật Bản, Mỹ phải liên minh; nó vừa là một sự bảo đảm cũng như kiềm chế đối với Nhật Bản, bởi vì liên minh an ninh có nghĩa là Tokyo có một chiếc ô hạt nhân và không phải suy nghĩ về việc phát triển khả năng hạt nhân của mình. Và tôi nghĩ rằng đó là một yếu tố ổn định cho toàn khu vực. Với Trung Quốc, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã phát triển rất đáng kể trong lĩnh vực thương mại... Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Có sự phụ thuộc lẫn nhau từ cả hai phía: Người Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, cũng giống như Mỹ đầu tư vào Trung Quốc; Bắc Kinh mua trái phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ Mỹ. Trung Quốc phụ thuộc vào Mỹ về công nghệ, ý tưởng, và Mỹ là một điểm đến đầy hứa hẹn cho nhiều nhà khoa học, nghiên cứu trẻ. Vì vậy, Mỹ có rất nhiều yếu tố tích cực trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc và Washington cần phải quản lý những khó khăn để hướng tới tương lai; cho dù các vấn đề tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải, tỉ giá, hoặc nhân quyền cũng không làm chệch toàn bộ mối quan hệ đó theo hướng tiêu cực.

Pv: Gần đây, ông cũng đã nói về vấn đề Biển Đông và những yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này; phủ nhận việc đòi quyền lợi theo nguyên tắc “chân lý thuộc về kẻ mạnh" và kêu gọi giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Vậy ông nhận thấy những triển vọng nào sẽ xuất hiện sớm?

Thủ tướng Lý Hiển Long: Tôi nghĩ rằng sẽ mất một thời gian rất dài để giải quyết, bởi vì không có nước nào dễ dàng từ bỏ yêu sách lãnh thổ của mình. Về mặt chính trị, đó là vấn đề rất hóc búa để giải quyết, và do đó nó dễ rơi vào bế tắc.

Pv: Trung Quốc rõ ràng đang trải qua một giai đoạn chuyển tiếp lớn. Tuy nhiên, nước này vẫn có một lãnh đạo tương đối mới. Quan điểm của ông về con đường mà Trung Quốc đang đi hiện nay là gì?

Thủ tướng Lý Hiển Long: Trung Quốc đã tiến nhanh hơn so với dự báo của nhiều người. Ở trong nước, họ biết những gì họ cần làm. Về mặt quốc tế, tôi nghĩ rằng họ muốn có ảnh hưởng nhiều hơn. Nhưng liệu họ có thể làm điều đó hay không là rất khó nói bởi vì đây là vấn đề lớn và sẽ có sự thay đổi cũng như sự phản đối; nhưng có một mục khá rõ ràng mà họ muốn đạt được, đó là trong lĩnh vực kinh tế. Về cải cách xã hội, cải cách chính trị, tôi nghĩ họ biết rằng tính nguyên trạng hiện nay là không đứng vững được.

Về góc độ quốc tế, thách thức của Trung Quốc là: Một mặt, họ muốn (bảo vệ) lợi ích của họ; mặt khác, họ cũng biết rằng nếu họ muốn khẳng định mình bằng sức mạnh chứ không phải thông qua sự chấp thuận của các quốc gia khác, về lâu dài, điều này là không tốt cho Trung Quốc hoặc cho thế giới. Và làm thế nào để họ cân bằng được những điều trên, chúng ta vẫn đang chờ đợi để xem.

Pv: Khi ông tới thăm Bắc Kinh và các nước khác trong khu vực, các nước này đang hiểu sai về Mỹ thế nào? Liệu Trung Quốc có đang đặt cược sai vào sự suy giảm của Mỹ?

Thủ tướng Lý Hiển Long: Nhiều quốc gia không nhận thấy tính đàn hồi của Mỹ và họ nghĩ rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Mỹ đang cố gắng để phục hồi và sau đó một cường quốc mới sẽ trỗi dậy. Nhưng tôi đã nói với họ không phải là như vậy, đó là một đất nước rất kiên cường, có sức mạnh, sự sáng tạo và khả năng dẫn dắt lớn và Mỹ sẽ phục hồi trở lại. Hiện nay, Mỹ có thể đang mệt mỏi với các cuộc chiến tranh và các trận đánh, nhưng Mỹ sẽ trở lại như đã từng có trước đây. Tôi nghĩ rằng cũng có một nhận thức ở Trung Quốc cho là Mỹ đang kiềm chế và ngăn chặn Bắc Kinh có một vị trí xứng đáng trên thế giới. Tôi không nghĩ rằng các nhà lãnh đạo của Mỹ muốn làm điều đó.


Công Thuận (Theo P.M)