11:09 14/11/2014

Thủ tướng Đức - ‘sứ giả hòa bình’ giữa phương Tây và Nga?

Báo chí phương Tây đang đặt câu hỏi liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể hoàn thành vai trò của một nhà trung gian hòa giải mối bất hòa hiện nay giữa phương Tây và Nga.

Cuộc khủng hoảng Ukraine tiếp tục đè nặng lên châu Âu và mối quan hệ của Liên minh châu Âu (EU) với Nga. Đây là nhận định của báo chí Nga những ngày qua. Và trong khi một số quốc gia EU hoài nghi về hiệu quả chiến dịch trừng phạt Nga, với hy vọng có thể tác động làm thay đổi chính sách của Moskva, thì báo chí phương Tây cũng đang đặt câu hỏi liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể hoàn thành vai trò của một nhà trung gian hòa giải mối bất hòa hiện nay giữa phương Tây và Nga.


Bà Merkel có thể hoàn thành trọng trách "sứ giả hòa bình" giữa phương Tây và Nga? Ảnh: Reuters.


Ngày 13/11, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-20, diễn ra tại Brisbane (thủ phủ bang Queensland, Australia) từ 15-16/11, bà sẽ hội đàm với cả hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama, mà chủ đề chính của cuộc gặp này là tìm kiếm lời giải cho “bài toán khó” mang tên Ukraine. Bình luận trước chuyến đi, nhiều chuyên gia tại Đức đánh giá rằng bà Merkel có cơ hội trở thành “sứ giả hòa bình” vì hiện bà là nhà lãnh đạo duy nhất có thể thường xuyên liên hệ với cả Nhà Trắng lẫn Điện Kremlin.


Một điều đáng quý nữa là trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Brisbane, bà Merkel đã không làm phức tạp thêm tình hình. Khi được hỏi tại một cuộc họp báo hôm đầu tuần qua, bà Merkel khẳng định: “Hiện EU chưa có kế hoạch tiếp tục áp đặt trừng phạt kinh tế Nga hay không, mà lúc này EU đang tập trung chuẩn bị cho mùa Đông lạnh lẽo cũng như giải quyết các vấn đề nhân đạo, mà trước hết là thực thi Thỏa thuận ngừng bắn (tại Ukraine)”. Bà khẳng định việc thận trọng khi đưa ra những cáo buộc rằng vũ khí vẫn đang được tuồn vào Ukraine qua biên giới Nga, là hết sức quan trọng. “Và điều đó cũng như một tiếng nói đóng góp vào sự ổn định tình hình tại Ukraine”.


Bà Merkel và Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đồng thời cũng khẳng định các biện pháp trừng phạt Nga, đương nhiên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến chính châu Âu, và dường như lúc này chính EU lại mong ngóng nhiều hơn về những gì mà Hội nghị thượng đỉnh G-20 có thể mang lại. Trước hết, “EU thấy rõ sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với Nga, cũng như cần nỗ lực tối đa để hạn chế những kênh đối thoại dẫn tới việc làm rối rắm thêm tình hình”, - ông Steinmeier đã khẳng định như vậy, khi đề cập đến những lời kêu gọi của Thủ tướng Anh David Cameron, đòi thắt chặt hơn nữa các lệnh trừng phạt và nâng quan điểm chống Nga. Tâm lý này cũng tương tự như ở một số chính trị gia khác.


Báo chí châu Âu ghi nhận hiện trong EU đang thiếu vắng sự đồng thuận xung quanh vấn đề có tiếp tục trừng phạt Nga hay không, và nên có quan điểm như thế nào với Kiev, cũng như Kiev có nên đàm phán với Nga. Ngoại trưởng Đức thừa nhận đây là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi EU phải hết sức kiên nhẫn mới mong giải quyết.


Theo một số nguồn tin, ngay sau cuộc gặp ở Brussels (trong Hội nghị Ngoại trưởng các nước EU diễn ra vào ngày 17/11), Ngoại trưởng Đức Steinmeier sẽ đến Moskva. Hiện nhiều người châu Âu đang hy vọng và chờ đợi được thấy Berlin chủ động hơn trong việc tìm kiếm biện pháp thoát khỏi khủng hoảng với Nga. Giới chức châu Âu đồng thời cũng cần tính đến tỷ lệ 68% công dân Đức tin rằng các biện pháp trừng phạt sẽ không thể thay đổi đường lối chính trị của Nga, mà thậm chí còn khiến Nga đoàn kết hơn chống lại châu Âu. Điều đó có thể dẫn tới một mối hiểm nguy khác, đó là tạo cơ hội hồi sinh bóng ma “Chiến tranh lạnh”, đúng như cảnh báo của các cựu lãnh đạo nổi tiếng thế giới, như ông Mikhail Gorbachev, Hans-Dietrich Genscher, Helmut Kohl, Henry Kissinger, Helmut Schmidt và nhiều chính trị gia nổi tiếng khác.      


Báo chí châu Âu lúc này cũng không ít lần khẳng định rằng sức mạnh và an ninh của châu Âu chỉ có thể có được cùng với Nga. Ông Putin đã không thay đổi quan điểm và hành động của mình nhằm tăng cường sức mạnh của nước Nga. Mỗi cuộc xung đột cần được giải quyết bằng những phương cách không giống nhau. Và châu Âu cần thay đổi chính sách bằng cách xích lại gần nhau. Có lẽ, đã đến lúc cần sớm triệu tập một hội nghị lớn của châu Âu với Nga, Ukraine và các nước láng giềng khác của Nga, nhằm đưa các quốc gia này trở lại “Ngôi nhà chung châu Âu”. Đây thực sự là nhiệm vụ không dễ dàng của Đức, quốc gia được coi là đầu tầu châu Âu. Và nếu thất bại, đó sẽ là một thảm họa không chỉ đối với riêng châu Âu.

 


Quế Anh (P/v TTXVN tại Nga)