09:22 30/09/2012

Thử thách châu Phi của chàng trai Viettel mê ghita

Tốt nghiệp mới hơn 1 năm, Lê Xuân Đức, cựu sinh viên khoa Tiếng Bồ Đào Nha, ĐH Hà Nội đã là Phó phòng Chiến lược Kinh doanh của công ty viễn thông của Viettel ở nước ngoài.

Tốt nghiệp mới hơn 1 năm, Lê Xuân Đức, cựu sinh viên khoa Tiếng Bồ Đào Nha, ĐH Hà Nội đã là Phó phòng Chiến lược Kinh doanh của công ty viễn thông của Viettel ở nước ngoài.


 

Lê Xuân Đức (thứ hai - từ trái sang) làm việc với người dân sở tại.

 

Cơ duyên với châu Phi của Đức bắt đầu từ thời đại học khi cậu sinh viên nghe cô giáo nói về việc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) tuyển nhân sự sang Môdămbíc làm phiên dịch. Lúc ấy, nếu nhìn cậu sinh viên nhỏ nhắn, hay cười và giỏi đánh đàn ghita này, người ta sẽ khó hình dung việc Đức sẽ sang châu Phi làm việc, nơi mà cậu chỉ biết nhiều qua bộ phim “Thượng đế cũng phải cười”.


Thế nhưng, Đức đã đầu quân cho Viettel khi tập đoàn này tuyển quân cho thị trường châu Phi năm 2010. Khi đó, cả gia đình và bạn bè đều khuyên Đức nên ở Việt Nam để tìm việc hơn là sang tận châu Phi, nơi còn “nghèo hơn cả Việt Nam”. Hơn nữa, mẹ Đức phát hiện bị ung thư phổi và lúc nào cũng thương con vì “nó còn trẻ con quá, còn nghệ sĩ quá”.


Tuy nhiên, khi biết sức khỏe của mẹ ổn định, Đức hiểu rằng mong mỏi lớn nhất của bà là thấy Đức trưởng thành và cậu quyết định đi châu Phi. Cậu chia sẻ: “Chỉ khi nào mình ‘trở thành người lớn’ thì mẹ mới tự hào”.


Cậu sinh viên mới tốt nghiệp khoa Tiếng Bồ Đào Nha bắt đầu làm phiên dịch của Movitel (một công ty của Viettel tại Môdămbíc) từ tháng 11/2010. Đức cùng các bạn phiên dịch khác phải kiêm việc “cầu nối” giữa nhân viên trong nội bộ công ty và với người dân nước sở tại.


Một lần, đội thi công trạm phát sóng bị người dân địa phương gây khó dễ, không cho thi công. Khi xuống hiện trường, giữa đám người cao lớn, có người có cả hung khí, cậu thanh niên nhỏ nhắn vừa cứng cỏi, vừa ôn tồn giải thích để những người dân nơi đây hiểu rõ hơn về chính sách, cách làm của doanh nghiệp.


Để chứng minh về lý, Đức đề nghị mọi người cùng mời chính quyền ra làm việc. Đến khi chính quyền xã có mặt đầy đủ, cậu trình bày về giấy tờ, sau đó thuyết trình về cái lợi khi phát triển viễn thông... Chính quyền địa phương ra mặt ủng hộ, tuyên bố việc xây dựng trạm của Movitel là hoàn toàn hợp pháp, những người dân cũng chuyển sang nhũn nhặn bất ngờ.


Khi đúng sai đã rõ ràng, Đức cùng anh em mua bánh kẹo, nước uống cùng mời chính quyền và cả những người phản đối để liên hoan. Người đàn ông từng cầm đầu nhóm phản đối trước đó đã vỗ vai Đức: “Ở chỗ này, tao sẽ là người đầu tiên bảo vệ cái trạm này của chúng mày”.


Trả lời thắc mắc việc một sinh viên ngoại ngữ lại có thể học về kinh doanh, về quản lý nhanh thế mà điều hành công việc ở một nơi khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, Đức cười toe toét: “Thì cứ làm, rồi chỗ nào không biết thì hỏi các anh chị đi trước là ổn thôi mà”.


Theo Đức, được đi nhiều, làm nhiều, tiếp xúc nhiều là cơ hội để cậu “được như ngày nay”. Không chỉ chịu trách nhiệm về công việc, khi phải đi xa nhà, tự mình sắp xếp cuộc sống, hòa đồng với những anh chị em khác ở cơ quan, với người bản xứ cũng là những trải nghiệm để chàng trai này trưởng thành hơn. Đức cho biết thêm, tất cả lãnh đạo chi nhánh tỉnh của Movitel hầu hết là thế hệ 8x, chủ yếu là sinh năm 85 - 87, ai tầm 82 là bị coi là “già” rồi.


“Bản thân các bạn trẻ đã có sẵn sự năng động, nhiệt tình, sáng tạo và khả năng thích ứng tốt. Chỉ cần mạnh dạn giao việc cho các bạn ấy là các bạn sẽ có cách để hoàn thành. Điều quan trọng nhất vẫn là mình phải tin và mạnh dạn giao việc cho lớp trẻ, bởi nếu không được làm thì sẽ chẳng bao giờ làm được cả”, anh Dương Quốc Chính, Tổng giám đốc Công ty Movitel, chia sẻ.


Đợt Tết vừa rồi, Đức được công ty cho về nghỉ phép. Lâu lâu mới về, bạn bè cũ nhận ra ngay sự thay đổi của Đức. Từ một thanh niên nhỏ nhắn, hơi có tính nghệ sĩ, cậu đã trở thành một người đàn ông rắn rỏi với vị trí Phó phòng Chiến lược kinh doanh của một công ty viễn thông đóng ở nước ngoài với mức lương mơ ước của nhiều bạn trẻ. “Em chưa thấy mình thành công gì, mà chỉ thấy học được nhiều điều khi quyết định đi châu Phi và có cơ hội trưởng thành nhiều hơn”, Đức chia sẻ.



Bài và ảnh: Mai Thành