11:22 13/11/2014

Thu hút FDI - điểm sáng của Bắc Ninh

Với 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung cùng với tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư thông thoáng, Bắc Ninh hội tụ đủ mọi điều kiện, yếu tố của một điểm đến hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Với 15 khu công nghiệp (KCN) tập trung có tổng diện tích đất quy hoạch 6.847 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cùng với tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư thông thoáng..., Bắc Ninh hội tụ đủ mọi điều kiện, yếu tố của một điểm đến hấp dẫn dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).


Điểm sáng thu hút FDI trong các KCN


Trong 9 tháng năm 2014, Bắc Ninh là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về thu hút vốn FDI với hơn 1,48 tỷ USD; lũy kế đến nay, toàn tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 608 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,61 tỷ USD. Đặc biệt, trong nhiều năm liền Bắc Ninh đều lọt vào Top 10 cả nước về thu hút vốn FDI.


Bắc Ninh đã và đang thực sự là địa điểm hấp dẫn với nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Samsung (Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản), Hong Hai (Đài Loan)... Năm 2008, việc Tập đoàn Điện tử Samsung đầu tư vào KCN Yên Phong trở thành tín hiệu đáng mừng cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Đến nay, Samsung cùng hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh đang hoạt động ổn định tại Bắc Ninh với số vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, đóng góp lớn vào tỷ trọng công nghiệp, xuất khẩu của tỉnh.


Công nhân lắp ráp linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Yên Phong. Ảnh: Thái Hùng


Các dự án FDI tại Bắc Ninh đều được triển khai xây dựng nhanh và đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả. Kết quả này khẳng định Bắc Ninh đã phát huy tốt những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, có chủ trương đúng đắn trong thu hút đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư tốt, tạo nên hình ảnh một Bắc Ninh tin cậy và là địa điểm gặt hái thành công trong đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.


Trong thu hút FDI, phải kể đến các KCN Bắc Ninh và cũng chính FDI là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thành công của các KCN. Trong những năm qua, các KCN đã có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh như đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thúc đẩy sự phát triển của các loại hình dịch vụ; đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá nông nghiệp nông thôn; tạo nhiều việc làm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; tăng trưởng xuất khẩu, đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh xuất siêu từ năm 2009… Những thành công này góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015. Trong đó, vai trò của các dự án FDI đối với sự phát triển của nền kinh tế Bắc Ninh ngày càng được thể hiện rõ. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất công nghiệp của các dự án FDI chiếm trên 90% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


Điển hình là KCN Yên Phong được khởi công xây dựng từ tháng 3/2006, đến nay KCN đã được xây dựng hiện đại, đồng bộ, bảo đảm điều kiện về phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường, cùng với vị trí thuận lợi đã thu hút mạnh được dòng vốn FDI vào đầu tư. Hiện giai đoạn I của KCN Yên Phong có tổng diện tích 665,2 ha, đã lấp đầy hơn 90%, dự kiến sẽ triển khai đầu tư giai đoạn II vào cuối năm nay. Đây được coi là KCN đa ngành, bao gồm các ngành công nghiệp điện tử và ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành sản xuất điện tử và sản phẩm công nghệ cao. Toàn khu được quy hoạch xây dựng theo mô hình công nghiệp hiện đại, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cùng với hệ thống cấp điện, thoát nước, cây xanh, đường giao thông nội bộ, đường gom đấu nối với tỉnh lộ 286 và nút giao thông lập thể đấu nối với Quốc lộ 18 đi Quảng Ninh và sân bay Nội Bài.


Ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Viglacera (chủ đầu tư hạ tầng KCN Yên Phong) cho biết, để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ngay sau khi có nhà đầu tư thuê mặt bằng xây dựng nhà xưởng, chủ đầu tư KCN đã sớm triển khai xây dựng nhà máy cấp nước sạch công suất 15.000 m3/ngày đêm và tiếp tục nâng công suất lên 25.000m3/ngày đêm vào quý I/2015. Đặc biệt, KCN Yên Phong là một trong số KCN tập trung trên địa bàn sớm đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải công suất 4.000m3/ngày đêm và hiện đã nâng công suất lên 10.000m3/ngày đêm.


Cùng với việc thu hút các dự án đầu tư mới, nhiều dự án sau khi hoạt động có hiệu quả đã mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, tăng thêm vốn đầu tư. Các dự án FDI tạo điều kiện cho Bắc Ninh hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn như công nghiệp điện tử... hàng năm tạo ra giá trị lớn, có sức cạnh tranh cao.


Thành công nhờ định hướng đúng


Thời gian qua, Bắc Ninh xác định nguồn vốn FDI đóng vai trò hết sức quan trọng, đảm bảo cho tỉnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa. Từ đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại và thực hiện nhiều biện pháp nhằm thu hút các dự án FDI. Đặc biệt, tỉnh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, tập trung quy hoạch, xây dựng và phát triển các KCN. Trong đó, quan tâm lựa chọn những dự án đầu tư có tính khả thi cao, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, ưu tiên các dự án công nghệ cao, sản xuất các vật liệu mới, công nghệ sinh học, điện tử, các dự án thân thiện với môi trường...


Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến khẳng định, để thu hút nhiều dự án FDI, Bắc Ninh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong khuôn khổ pháp lý, quy định của Nhà nước và của tỉnh cho các nhà đầu tư. Theo đó, tỉnh luôn có chính sách đầu tư rõ ràng, minh bạch tạo nên niềm tin lớn cho các nhà đầu tư, giúp các nhà đầu tư nhanh chóng thực hiện các thủ tục để triển khai dự án, tiết kiệm thời gian và những chi phí ban đầu cho việc hình thành dự án đầu tư.


Ông Nguyễn Nhân Chiến cho biết, Bắc Ninh xác định đúng định hướng phát triển, mục tiêu thu hút đầu tư và thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư vào các KCN. Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2015 thu hút 800 - 850 dự án với tổng vốn khoảng 6 tỷ USD; bình quân thu hút 40 - 50 dự án/năm với vốn đầu tư đăng ký 300 - 400 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp do các KCN tạo ra khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm trên 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị xuất khẩu đạt 17 tỷ USD, chiếm 90 - 95% kim ngạch toàn tỉnh; thu ngân sách thông qua các khoản thuế trên 5.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 150.000 lao động; hỗ trợ phát triển các loại hình dịch vụ trong các KCN, tăng giá trị dịch vụ trong KCN.


Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh Ngô Sỹ Bích cho biết thêm: Mục tiêu của Bắc Ninh là tiếp tục thu hút đầu tư và phát triển các KCN theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật, nâng cao sức cạnh tranh bền vững cho công nghiệp trong quá trình hội nhập. Trong đó, tỉnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, sản xuất các vật liệu mới, công nghệ thông tin, các sản phẩm công nghiệp có hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng lớn... Bằng những hành động cụ thể, chắc chắn Bắc Ninh sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI.


Thái Hùng- Thành Trung