03:00 23/03/2012

Thông qua Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật

Tiếp tục phiên họp thứ 6, sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận về một số vấn đề quan trọng, các ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tiếp tục phiên họp thứ 6, sáng 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thông qua Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật và thảo luận về một số vấn đề quan trọng, các ý kiến còn khác nhau của dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN


Về thẩm quyền thực hiện việc hợp nhất văn bản và ký xác thực văn bản hợp nhất, các thành viên UBTVQH tán thành với việc giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức việc hợp nhất văn bản do mình ban hành, văn bản liên tịch do cơ quan mình chủ trì soạn thảo và ký xác thực văn bản hợp nhất.

Đối với việc hợp nhất văn bản của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các thành viên UBTVQH nhất trí với phương án giao việc hợp nhất và ký xác thực văn bản hợp nhất cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản được sửa đổi, bổ sung của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Về việc sử dụng văn bản hợp nhất, các thành viên UBTVQH đồng ý với quy định văn bản hợp nhất được sử dụng chính thức trong áp dụng và thi hành pháp luật, tuy nhiên, nếu văn bản hợp nhất có nội dung khác với văn bản được hợp nhất thì vẫn phải căn cứ vào văn bản được hợp nhất.

Pháp lệnh sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012.

Thời gian còn lại của buổi sáng, UBTVQH thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Về tài chính công đoàn, nhiều thành viên UBTVQH cho rằng cần quy định trong luật nguồn kinh phí công đoàn bao gồm cả kinh phí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đóng tối đa 2% tổng quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động…

Giao quyền tự chủ và phân cấp trường đại học

Chiều 22/3, UBTVQH thảo luận, cho ý kiến về những nội dung lớn còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Giáo dục đại học.

Bàn về mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng tán thành với việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng việc phân tầng đại học là xu thế tất yếu, tạo điều kiện phát triển cho các đại học đầu tàu, là động lực cho các trường đại học; việc phân tầng cần trên cơ sở quy hoạch góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Về quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm là thuộc tính cơ bản của cơ sở giáo dục đại học, là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần có lộ trình trong việc trao quyền tự chủ, không phải đồng loạt cùng trao quyền tự chủ cho tất cả các trường. Phó Chủ tịch nêu thực trạng chất lượng các trường đại học của nước ta chưa đồng đều, có nhiều cơ sở chưa đảm bảo đủ tiêu chuẩn.

Thời gian còn lại của buổi chiều, UBTVQH xem xét Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước về việc chuyển Tạp chí Kiểm toán thành Báo Kiểm toán trực thuộc Kiểm toán Nhà nước.

Phúc Hằng - Quỳnh Hoa