12:23 23/12/2012

Thông qua hiến pháp mới, Ai Cập vẫn chia rẽ

Giới phân tích cho rằng, viễn cảnh gần như chắc chắn về một bản hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 22/12, mặc dù đánh dấu một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa tình hình tại Ai Cập nhưng vẫn không thể khép lại những chia rẽ các phe phái chính trị đối địch tại nước này.

Giới phân tích cho rằng, viễn cảnh gần như chắc chắn về một bản hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 22/12, mặc dù đánh dấu một bước quan trọng hướng tới bình thường hóa tình hình tại Ai Cập nhưng vẫn không thể khép lại những chia rẽ giữa các phe phái chính trị đối địch tại nước này.


Cảnh sát chống bạo động Ai Cập ngăn chặn xung đột tại thành phố Alexandria, một ngày trước cuộc trưng cầu dân ý hôm 22/12/2012. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Hôm nay, 24/12, kết quả chính thức cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp mới được công bố, tuy nhiên ngày 23/12, truyền thông nhà nước Ai Cập cũng như tổ chức Anh em Hồi giáo của Tổng thống Mohamed Morsi đã thông báo, bản dự thảo hiến pháp nhận được sự ủng hộ của 64% số người bỏ phiếu. Việc thông qua văn bản này sẽ mở đường cho cuộc bầu cử quốc hội diễn ra trong hai tháng nhằm thay thế quốc hội chiếm đa số là phe Hồi giáo, đã bị Tòa án Hiến pháp giải tán từ trước khi Tổng thống Morsi đắc cử hồi tháng 6.


Một tỉ lệ cử tri đi bầu chỉ khoảng 32% cho mỗi vòng bỏ phiếu cùng với những tố cáo vi phạm bỏ phiếu từ phe đối lập chính, Mặt trận Cứu quốc (NSF), và liên tiếp các cuộc biểu tình rầm rộ thời gian qua đã cho thấy những chia rẽ chính trị nặng nề tại Ai Cập. Quốc gia vùng Trung Đông này đã trải qua gần hai năm chuyển tiếp chính trị đầy “bão tố” sau khi cựu lãnh đạo Hosni Mubarak bị lật đổ đầu năm 2010. Kể từ đó, Ai Cập bị chia rẽ giữa các lực lượng tôn giáo và phe đối thủ ủng hộ một chế độ cầm quyền thế tục hơn.


Một số điểm chính của bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi: Bản hiến pháp mới quy định mỗi tổng thống chỉ được giữ hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 4 năm. Bản hiến pháp này cũng cho rằng luật Hồi giáo Sharia vẫn là nền tảng cơ sở cho hệ thống luật pháp song có bổ sung một điều khoản giải thích thêm điều này. Việc nhà chức trách Hồi giáo sẽ tham khảo theo luật Sharia là nguyên nhân khiến người Thiên chúa giáo và những người khác thấy lo ngại. Nếu bản hiến pháp được thông qua, cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tổ chức trong vòng 2 tháng tới. Hiến pháp không đề cập tới vị trí Phó tổng thống; Bộ trưởng Quốc phòng phải là một nhân vật của quân đội và ngân sách quốc phòng cũng được một ủy ban đa số là tướng lĩnh quân đội quyết định... Những người Hồi giáo ủng hộ Tổng thống Morsi cho rằng bản hiến pháp này là cần thiết để hướng tới nền dân chủ, bởi nó tạo sự ổn định cho một nền kinh tế yếu kém. Tuy nhiên, phe đối lập lại cáo buộc ông Morsi đã đưa ra một văn bản có lợi cho người Hồi giáo và coi nhẹ quyền của người Thiên chúa giáo (hiện chiếm khoảng 10% dân số) cũng như của phụ nữ. Họ cũng cho rằng bản hiến pháp này sẽ gây ra những bất ổn tiếp theo.

Cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp gây nhiều tranh cãi được cho là không có khả năng giải quyết xung đột, mà chỉ đánh dấu sự bắt đầu mới cho cuộc cạnh tranh giữa các nhóm chính trị xung đột nhau ở Ai Cập. Bất chấp nguy cơ cao để thua đảng Tự do và Công lý của ông Morsi, nhưng qua cuộc trưng cầu dân ý này, các lực lượng đối lập, dẫn đầu là NSF đã tạo được nền tảng mạnh mẽ hơn với công chúng cũng như củng cố sự đoàn kết giữa các thành viên.


Trong khi đó, Tổng thống và nhóm Anh em Hồi giáo sẽ vẫn là những đại diện quan trọng trên chính trường Ai Cập khi họ đã xây dựng được một cách chắc chắn ảnh hưởng trên toàn quốc từ vài thập kỷ qua. Ngoài ra, các đồng minh của ông Morsi hầu như chắc chắn vẫn giữ đa số ghế tại quốc hội, đồng nghĩa với việc giữ chắc chắn gọng kìm quyền lực lãnh đạo đất nước.


Hơn một năm căng thẳng chính trị và chia rẽ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội Ai Cập. Thế nhưng cuộc trưng cầu dân ý lần này chỉ mang lại hy vọng mỏng manh xoa dịu tình hình và đưa đất nước trở lại quỹ đạo ổn định và phát triển kinh tế. Sau hai vòng bỏ phiếu, các lực lượng chính trị đối lập tại Ai Cập chắc chắn sẽ tham gia vào cuộc chiến nóng bỏng hơn trong mùa bầu cử quốc hội mới, hoặc họ có thể sẽ tấn công nhau bằng một giọng điệu mềm mỏng hơn. Nhưng cho dù lựa chọn là gì, cuộc chiến này sẽ quyết định con đường nào Ai Cập sẽ đi trong tương lai và liệu nước này có thể phục hồi nhanh chóng sau bất ổn hay không.


Thu Hằng