Ý kiến trái chiều về thành lập Kiểm ngư cấp tỉnh

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về chương VI Lực lượng kiểm ngư, các quy định về thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản...

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 7/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Thủy sản (sửa đổi), các đại biểu tập trung cho ý kiến về chương VI Lực lượng kiểm ngư, các quy định về thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chính sách của Nhà nước trong hoạt động thủy sản...

Về lực lượng kiểm ngư, nhiều đại biểu đề nghị tiếp tục duy trì lực lượng Kiểm ngư Trung ương (có các chi cục tại các vùng gọi là Kiểm ngư vùng) như hiện nay, không thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh đồng thời có chính sách tăng cường nguồn lực, chế độ cho thanh tra chuyên ngành thủy sản.

Ðoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hưng Yên, Ninh Thuận, Bến Tre và Bà Rịa Vũng Tàu thảo luận ở tổ chiều 7/6. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đánh giá, việc bổ sung Chương Kiểm ngư vào dự án Luật là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng nội dung này để tránh tình trạng phát sinh biên chế, không phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Theo đại biểu Đinh Thị Kiều Trinh, việc chuyển từ lực lượng thanh tra chuyên ngành tại 28 tỉnh ven biển thành lực lượng Kiểm ngư là không phù hợp vì việc chuyển đổi này sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt lực lượng thanh tra tại các vùng nội thủy sông hồ, đầm phá. Đại biểu Nguyễn Thị Kiều Trinh đề nghị cần tăng cường nguồn lực phục vụ cho hoạt động thanh tra, đồng thời có sự phối hợp với kiểm ngư vùng.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhấn mạnh, không cần thiết thành lập thêm lực lượng Kiểm ngư ở 28 tỉnh duyên hải. “Lực lượng Kiểm ngư vùng mặc dù mới thành lập nhưng thời gian qua hoạt động rất hiệu quả. Ngoài ra, đặc thù hoạt động của lực lượng này đòi hỏi nguồn vật chất lớn, không dễ dàng đáp ứng được ngay như các loại phương tiện, tàu bè,…”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn phân tích và đề nghị phải tăng cường năng lực cho lực lượng Kiểm ngư hiện tại thông qua bổ sung chế độ chính sách thỏa đáng cho đối tượng này để lực lượng Kiểm ngư hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ ngư trường, bảo vệ ngư dân; phối hợp cùng với các lực lượng chấp pháp khác bảo vệ sự toàn vẹn lãnh hải của Tổ quốc.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị, bên cạnh lực lượng kiểm ngư Trung ương, cần thành lập thêm hệ thống Kiểm ngư tại 28 tỉnh ven biển.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, mặc dù có lực lượng Kiểm ngư Trung ương nhưng sự tham gia của lực lượng này trong bảo vệ chủ quyền biển đảo và giúp đỡ ngư dân đánh bắt xa bờ còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến tỉnh nếu không có lực lượng tại địa phương sẽ không thể kịp thời ứng phó.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh, việc thành lập hệ thống Kiểm ngư cấp tỉnh là phù hợp. Tuy nhiên, để không tăng biên chế, nên chuyển lực lượng thanh tra của ngành nông nghiệp sang, đồng thời cần bồi dưỡng về ngoại ngữ, chuyên môn… cho đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, nếu có lực lượng cấp tỉnh, nên giảm biên chế của cấp vùng để phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.


Về thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản (Điều 23), quy định này được kế thừa nội dung đã được quy định tại Điều 10 Luật Thủy sản 2003 và sửa đổi theo hướng: Đổi tên “Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản” thành “Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”. Góp ý vào nội dung này, nhiều đại biểu đề nghị không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu quan điểm: Luật Thủy sản năm 2003 tuy đã cho phép thành lập Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành pháp luật về thủy sản, Quỹ chưa đi vào hoạt động. Việc thành lập Quỹ sẽ dẫn đến thêm bộ máy biên chế, chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 27/8/2015 về tăng cường công tác quản lý đối với Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, trong đó quy định giải thể các Quỹ hoạt động không hiệu quả.

Vì thế, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, cần đánh giá hiệu quả của Quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản theo Luật năm 2003, xem xét Quỹ này có thuộc đối tượng giải thể hay không? Đặc biệt, Khoản 4 Điều 23 dự án Luật quy định nguồn tài chính cho Quỹ chưa cụ thể, không rõ thẩm quyền, không có nguồn thu cố định và nhiệm vụ chi rõ ràng nên khó khả thi trong thực tiễn.

Phan Phương (TTXVN)
Thống đốc Ngân hàng nhà nước thông tin con số thực tế về nợ xấu
Thống đốc Ngân hàng nhà nước thông tin con số thực tế về nợ xấu

Giải trình trước Quốc hội sáng nay 7/6, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, tháng 9/2012 khi báo cáo Quốc hội thì tỷ lệ nợ xấu ước tính 17,21% tổng dự nợ và cho vay của nền kinh tế. Nếu đánh giá toàn diện thực chất thì con số nợ xấu tại thời điểm đó có thể cao hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN