Ý kiến cán bộ, đảng viên: Cần có giải pháp hữu hiệu giúp nông nghiệp phát triển bền vững

Theo Tiến sĩ khoa học Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ), tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Sản xuất, kinh doanh nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện Nghị quyết trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển.

Chú thích ảnh
Nông dân thu hoạch lúa. Ảnh: Duy Khương/TTXVN

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cường cho rằng, những đánh giá trên rất thẳng thắn, chính xác, cụ thể, rõ ràng về những mặt được và cả những mặt chưa được, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp hữu hiệu, giúp cởi trói cho nền nông nghiệp nước ta phát triển bền vững. Đồng thời, khẳng định Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Đảng chỉ đạo trong thời gian qua là đúng đắn. Nông nghiệp luôn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, những thành tựu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới.

Trong 15 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã giúp đời sống của người nông dân thay đổi, từng bước được nâng lên, cải thiện cả vật chất và tinh thần. Đặc biệt, thông qua thực hiện Chương trình tam nông, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có chuyển biến tích cực; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường; các hoạt động văn hóa - xã hội, thể thao có chuyển biến tiến bộ theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa; chính trị - xã hội và quốc phòng - an ninh được bảo đảm; an sinh xã hội được chăm lo...

Tuy nhiên, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển trong nông nghiệp. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu... Điều này đòi hỏi cần ban hành Nghị quyết mới để tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất còn chưa nhiều. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng. Kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện còn chưa đồng đều. Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước.

Đồng quan điểm, bác Phạm Tâm Hiếu, ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, hiện nay cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa đồng bộ; công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến nông sản phát triển còn chậm. Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Lao động nông thôn có xu hướng già hoá, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập của phần lớn nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị và giữa các vùng, miền còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn còn nhiều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhiều nơi chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân. Ngoài ra, công tác xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường và mức đạt tiêu chí nông thôn mới ở những vùng khó khăn còn thấp; nhiều vấn đề xã hội phát sinh gây bức xúc trong nhân dân; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng ở nhiều địa phương. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn yếu; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh chưa đáp ứng yêu cầu.

Nam Giang (TTXVN)
Tăng cường đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả nông nghiệp Việt Nam 
Tăng cường đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả nông nghiệp Việt Nam 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, bên cạnh nguồn lực hữu hình, cách tiếp cận cần đặc biệt quan tâm tới là xây dựng nguồn lực vô hình: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN