Xử lý trách nhiệm nếu không tuân thủ quy hoạch

Sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch. Nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung quy định về chế tài xử phạt trong trường hợp không công bố quy hoạch, thông tin không đầy đủ về quy hoạch và không thực hiện đúng quy hoạch.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, nhiều đại biểu nêu ý kiến: Việc theo dõi, giám sát và tổ chức thực hiện quy hoạch được quy định trong dự thảo Luật còn thiếu và yếu, đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm và các công cụ theo dõi, giám sát quy hoạch.

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai), cử tri hiện rất bức xúc vì nhiều quy hoạch không có lộ trình thực hiện, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. “Cần quy rõ trách nhiệm với những cá nhân lập quy hoạch không hiệu quả hoặc thực hiện không đúng theo quy hoạch, ảnh hưởng đến đời sống xã hội”, đại biểu Vượt nói.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đồng tình với đại biểu Đinh Duy Vượt. Ông Thịnh cho rằng, quy hoạch phải có tính khả thi. Thực tế nhiều quy hoạch không khả thi do phi thực tế. “Cần có chế tài xử lý việc vi phạm quy hoạch. Mọi sự thay đổi quy hoạch phải có lý do chính đáng và phải không làm thay đổi quy hoạch tổng thể”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) dẫn ví dụ về việc giải cứu thịt lợn đang nóng hiện nay. Đó chính là hậu quả của việc quy hoạch không tốt khiến người dân phải gánh chịu hậu quả. Đại biểu Sinh đề nghị quy hoạch ngành phải được gắn vào quy hoạch tổng thể.

Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng: Luật chưa quy định rõ xử lý khi thực hiện khác với quy hoạch đã được đưa ra. Nếu quy hoạch đã được đưa ra mà người thực thi không đúng thì đó sẽ là lực cản cho phát triển kinh tế xã hội.

Tích hợp quy hoạch để tránh chồng chéo

Các đại biểu Quốc hội đã thống nhất đồng tình với nguyên tắc tích hợp các loại quy hoạch trong dự Luật này. Tuy nhiên, một số quy hoạch ngành cần được tích hợp tiếp.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn), trong dự thảo Luật, các danh mục quy hoạch ngành vẫn còn chưa tương thích với nhau, không dựa trên một cơ  sở thống nhất. “Ví dụ quy hoạch mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội cấp quốc gia với quy hoạch mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, phục hồi sức khỏe người có công cấp quốc gia; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản cấp quốc gia, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ cấp quốc gia và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản cấp quốc gia… tại sao không thống nhất thành một quy hoạch”, đại biểu này dẫn chứng.

Địa biểu Nguyễn Lâm Thành kiến nghị: “Cần có quy định tiêu chí quy hoạch ngành, trong đó có các quy hoạch thành phần. Có ngành cần quy hoạch thành phần nhưng có ngành không. Điều này phải được quy định rõ ở điều 26”.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với phương pháp tích hợp để tránh sự không đồng bộ giữa các quy hoạch. Đại biểu đề nghị, phải tích hợp các loại quy hoạch tương đồng, chẳng hạn không thể để quy hoạch giao thông tách rời quy hoạch đường sắt, đường biển.

“Đặc biệt, phải tích hợp ngay trong quá trình xây dựng quy hoạch vì nếu không sẽ có mâu thuẫn, quy hoạch cấp dưới không tuân thủ quy hoạch cấp trên. Điều 16 đang quy định quy hoạch quốc gia xong rồi mới quy hoạch cấp tỉnh, vùng… như vậy là chưa thể hiện sự tích hợp. Cần tiến hành cùng một lúc để có sự tích hợp”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết.

Đại biểu Võ Đình Tín.

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) đồng tình với việc tích hợp, loại bỏ nhiều quy hoạch không cần thiết trong hệ thống pháp luật hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu này đề nghị, để tích hợp quy hoạch chuyên ngành, cần đánh giá tác động của việc này đến phát triển kinh tế xã hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về quy hoạch sản phẩm đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, các ý kiến đều đồng tình với chủ trương loại bỏ quy hoạch sản phẩm, tuy nhiên cần đưa ra phương án quản lý đối với những sản phẩm không còn quản lý bằng quy hoạch.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình trước Quốc hội.

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự thảo Luật Quy hoạch đã mạnh dạn đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng tích hợp đa ngành, đảm bảo tính nhất quán, khắc phục tình trạng chia cắt giữa các ngành, các địa phương và cả nước.

“Dự luật nhằm đảm bảo quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp khi bỏ toàn bộ quy hoạch sản phẩm. Sản phẩm hàng hóa sẽ do thị trường quyết định, nhà nước chỉ cung cấp thông tin, dự báo, định hướng cho doanh nghiệp, còn quyết định đầu tư hay không là của nhà đầu tư. Đây là điểm rất mới của Luật Quy hoạch lần này", Bộ trưởng cho biết.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Quy hoạch đúng, thực hiện sai tạo hệ lụy xấu cho đô thị
Quy hoạch đúng, thực hiện sai tạo hệ lụy xấu cho đô thị

Quy hoạch và thực hiện quy hoạch là hai bước không thể tách rời. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư khi thực hiện quy hoạch đều xin điều chỉnh hoặc không tuân thủ theo đúng quy hoạch được duyệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN