Xử lý nghiêm doanh nghiệp trốn đóng BHXH cho người lao động

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần có giải pháp ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, kiến nghị về các chế tài xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe hơn.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Chiều 23/3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong doanh nghiệp năm 2015. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.

Năm 2015, Đoàn Giám sát liên ngành của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tiến hành giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội tại 16 doanh nghiệp trên địa bàn 6 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Tháp và An Giang.

Qua giám sát, có 15/16 doanh nghiệp thường xuyên chậm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, ít nhất từ 1 - 2 tháng trở lên. Tổng số chậm đóng và nợ bảo hiểm xã hội của 16 doanh nghiệp là hơn 31 tỷ đồng. 7/16 doanh nghiệp đăng ký và tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đầy đủ cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp.

Tổng số nợ bảo hiểm xã hội của 6 tỉnh là 433,5 tỷ đồng. Tỷ lệ trung bình số doanh nghiệp đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội trên tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động chỉ chiếm 40% và tỷ lệ doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên số doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội là 44,9%. Số liệu này cho thấy, cứ 100 doanh nghiệp hoạt động, chỉ có 40 doanh nghiệp đăng ký đóng bảo hiểm xã hội; trong số 40 doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội có đến 18 doanh nghiệp chậm đóng hoặc đóng thiếu tiền bảo hiểm xã hội.

Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội bình quân của 6 tỉnh được giám sát chỉ đạt 13% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (chỉ khoảng 6,9% dân số trên địa bàn tỉnh). Tỷ lệ đạt được còn rất xa so với mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020 đề ra là đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đánh giá những số liệu qua giám sát về tình hình đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cho người lao động là rất đáng báo động, cho thấy cần cấp bách có giải pháp nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng cần có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội, kiến nghị về các chế tài xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe hơn. Các cơ quan chức năng nếu có đủ bằng chứng vi phạm của doanh nghiệp có thể tiến hành khởi kiện doanh nghiệp ra tòa.

Năm 2016, chương trình giám sát sẽ tập trung tại một số địa bàn trọng điểm về công nghiệp như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai… Đồng thời, chức năng giám sát của Tổng Liên đoàn, các địa phương cần được tăng cường nhằm đảm bảo tốt hơn việc đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp cho người lao động.


Xuân Tùng (TTXVN)
“Cởi trói” thủ tục để người dân tham gia bảo hiểm y tế
“Cởi trói” thủ tục để người dân tham gia bảo hiểm y tế

Cải cách thủ tục hành chính bảo hiểm y tế ở Khánh Hòa đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người dân; tuy nhiên nếu muốn thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, thì vẫn cần “cởi trói” nhiều thủ tục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN