Xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường

Nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiên nhiên và đời sống con người đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh.

Đây là đánh giá kết quả hoạt động tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ năm 2017 của Tổng cục Môi trường, tổ chức ngày 29/12, tại Hà Nội.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng, điển hình nhất phải kể tới vụ xả chất thải nguy hại ra môi trường biển miền Trung của Formosa Hà Tĩnh. Ngoài Formosa Hà Tĩnh, còn có trên 50 vụ gây ô nhiễm môi trường lớn gây bức xúc trong dư luận. Trong đó phần lớn các vụ việc điển hình gây ô nhiễm nguồn nước sông, suối, biển do cố tình xả thải có chứa các hóa chất độc hại. 

Vi phạm xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển miền Trung. Ảnh: TTXVN

Một số vụ việc do cơ sở buông lỏng trong vấn đề quản lý, kiểm soát hoạt động sản xuất gây sự cố ô nhiễm, một số khác vì hệ thống xử lý nước thải không đảm bảo, thậm chí có đơn vị hơn 10 năm hoạt động mà không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có giấy phép xả thải ….

Cụ thể như sự cố sụt hồ chứa chất thải tuyển quặng chì kẽm của nhà máy tuyển nổi chì kẽm ở tỉnh Cao Bằng ngày 5/1/2016; vỡ bờ bao hồ nước đãi titan của Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Quang Cường ở tỉnh Bình Thuận; chôn lấp bùn thải trái phép ở tỉnh Đồng Nai; vụ thải chất thải rắn thạch cao chứa photpho cực độc với hàm lượng lớn ở tỉnh Hải Phòng... 

Vấn đề khiếu kiện liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên; Công ty TNHH Nhà nước MTV xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ xả thải gây ô nhiễm; nước mưa chảy tràn của Nhà máy sản xuất quặng đồng An Phú gây ô nhiễm môi trường tại tỉnh Hòa Bình; Công ty cổ phần Tập đoàn Khoáng sản Á Cường xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông Cẩm Đàn (Bắc Giang)…

Năm 2016, Tổng cục Môi trường đã tổ chức 4 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với 825 cơ sở trên địa bàn 32 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến nay, các đoàn đang hoàn thiện các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xử phạt các cơ sở vi phạm với tổng số tiền dự kiến khoảng 132 tỷ đồng. Tổng cục đã tiến hành thống kê, rà soát, tổng hợp các nguồn thải ra biển và cửa sông ven biển có khối lượng từ 1000 m3/ngày đêm trở lên tại 26 tỉnh, thành phố ven biển. 

Đồng thời, Tổng cục cũng tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ thải ra sông, biển có khối lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trên phạm vi cả nước để làm cơ sở xây dựng kế hoạch thanh tra diện rộng về môi trường. Kết quả đã thống kê, rà soát được trên 1.300 cơ sở, phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức 3 Đoàn thanh tra diện rộng trên địa bàn 23 tỉnh, thành phố với 137 tổ chức được thanh tra.

Tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788 đã có sự chuyển biến tích cực. Đến nay, đã có 171/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cơ bản đã hoàn thành xử lý triệt để, tăng 24 cơ sở so với năm 2015. Đồng thời, hầu hết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định 1788/ QĐ-TTg đều phải thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong thời gian xử lý triệt để theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; qua đó góp phần giảm thiểu tác động ô nhiễm môi trường tới cộng đồng.

Để hoàn thành hiệu quả nhiệm vụ đặt ra năm 2017, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường phải khắc phục những hạn chế như triển khai, thực thi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường 2014 còn chưa đồng bộ, kịp thời. Quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành chưa được nghiên cứu đầy đủ, lấy ý kiến của các đối tượng liên quan. 

Tổng cục tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương; tạo cơ chế, chính sách và đầu tư cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng; nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý, đảm bảo khả năng ứng phó và kịp thời xử lý các tình huống xảy ra; phát huy tốt hơn nữa vai trò điều phối công tác bảo vệ môi trường từ Trung ương tới địa phương. Tổng cục cũng cần rút ra các bài học kinh nghiệm, phân tích các tồn tại, yếu kém, từ đó đề xuất các giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý về bảo vệ môi trường trong năm 2017.

Lý Thanh Hương (TTXVN)
Tăng cường hậu kiểm sau thanh tra môi trường
Tăng cường hậu kiểm sau thanh tra môi trường

Nhằm đảm bảo kỷ cương về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên và môi trường, khâu hậu kiểm sau thanh tra được đặc biệt coi trọng trong kế hoạch thanh tra năm 2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN