Xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng

Bắt đầu đợt 2 của Phiên họp 26, sáng 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Chú thích ảnh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trình bày báo cáo thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, về lĩnh vực ngân hàng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, các nội dung yêu cầu tại Nghị quyết số 134/2020/QH14 và Nghị quyết số 62/2022/QH15 cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, trong đó, xử lý có hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực. Tín dụng tăng trưởng khá hợp lý, chất lượng tín dụng được cải thiện.

Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm; thiếu chính sách ưu đãi, khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định thẩm tra của các cơ quan Quốc hội đã đánh giá khách quan công tâm với hoạt động của ngân hàng.

Về những ý kiến liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, thao túng, "sân trước", "sân sau" trong lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc nhấn mạnh, đây là vấn đề Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện văn bản quy định của pháp luật cũng như khi triển khai trong thực tiễn để khắc phục.

Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên hồ sơ, đến nay, tình trạng sở hữu chéo đã cơ bản được khắc phục. Nhưng thực tế có tình trạng đứng tên hộ về sở hữu cổ phần. "Qua điều tra các vụ việc vừa qua mới phát hiện ra. Đây là vấn đề Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm", Thống đốc cho biết.

Trong dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng, việc khắc phục tình trạng sở hữu chéo, thao túng là vấn đề trọng tâm. Dự thảo đã thiết kế một số giải pháp giảm hiện tượng sở hữu chéo như mở rộng phạm vi khái niệm có liên quan, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các tổ chức tín dụng, giảm giới hạn cấp tín dụng. “Tuy nhiên, nếu chờ quy định xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo thì không có”, bà Nguyễn Thị Hồng nêu và cho rằng, quy định như dự thảo luật chỉ là một phần, cần phải kết hợp với các quy định khác để hoạt động của các tổ chức, cá nhân minh bạch, mới hướng tới giảm tình trạng này.

Về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng biện pháp tiếp tục xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, những cảnh báo được đưa ra rất cần thiết để Chính phủ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Liên quan đến ngân hàng, Phó Thủ tướng cho biết, sẽ tập trung vào việc tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn, đẩy mạnh tình hình sản xuất kinh doanh.

Tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp

Báo cáo tại Phiên họp về nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần nêu rõ kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện của các cơ quan liên quan tới 21 lĩnh vực.

Về lĩnh vực công thương, quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được ban hành. Các giải pháp bảo đảm cung ứng điện nhằm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội được quan tâm thực hiện... Tuy nhiên, việc ban hành Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia, Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia, Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa còn chậm. Cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thị trường điện; tình trạng cung - cầu điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường...

Về lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, công tác công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật được triển khai quyết liệt; kéo giảm một số loại tội phạm. Công tác phòng cháy, chữa cháy được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, số vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản chưa giảm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện Kiểm sát các cấp đã ban hành được 14 bản kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm trong hoạt động quản lý liên quan đến đất đai.

Xuân Tùng (TTXVN)
Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp 
Phiên họp thứ 26 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Tội phạm ma túy diễn biến phức tạp 

Sáng 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN