Xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực

Sáng 15/3, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị góp ý Dự thảo báo cáo kết quả của Bộ Tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


 

Tọa đàm góp ý xây dựng Hiến pháp tại trụ sở Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

 

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Thực hiện quyết định của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động lấy ý kiến toàn thể cán bộ, viên chức đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, thực hiện đúng các kế hoạch và yêu cầu đề ra.


Ý kiến chung của Bộ Tư pháp, ngành tư pháp nhất trí với Dự thảo báo cáo kết quả của bộ cho rằng: Nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và các văn kiện của Đại hội XI của Đảng về định hướng phát triển đất nước, phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Dự thảo Hiến pháp đã có nhiều đổi mới trong việc phân công thực hiện quyền lực, xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Dự thảo Hiến pháp đã đặt nền móng pháp lý cho việc giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn được đúc kết trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài với sự điều chỉnh hợp lý những giá trị phản ánh đặc thù chính trị - pháp lý được ghi nhận tại các bản Hiến pháp của nước ta.


Góp ý vào Chương VI Chủ tịch nước, các ý kiến tán thành tên chương và các nội dung của chương này. Các ý kiến nhất trí dự thảo tiếp tục giữ các quy định của Hiến pháp năm 1992 về vị trí, vai trò của Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội, đối ngoại. Quy định như vậy là phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước ta. Tuy nhiên, Dự thảo cần sắp xếp, bổ sung để làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong mối quan hệ với cơ quan thực hiện các quyền và trách nhiệm của Chủ tịch nước.


Dự thảo báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tổng hợp 152 ý kiến của cá nhân, tổ chức góp ý về Chương VII Chính phủ. Thảo luận tại hội nghị, đa số các ý kiến đều nhất trí với tên chương, nội dung Chương VII đã quy định đảm bảo hợp lý vị trí của Chính phủ trong tổ chức quyền lực tương ứng với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp, tán thành với các quy định tại dự thảo. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa quyền hành pháp và quyền lập pháp trong việc ban hành văn bản luật, chẳng hạn Chính phủ có quyền đề nghị Quốc hội chưa thông qua dự án luật hoặc quyền rút lại dự án luật do Chính phủ trình trong những trường hợp do luật định; đề xuất với Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét lại đạo luật đã được thông qua.

 

Bình đẳng giữa các thành phần kinh tế


Sáng 15/3, tại Hà Nội, Viện Khoa học pháp lý, Viện Nghiên cứu lập pháp và Chương trình phát triển Liên hợp quốc phối hợp tổ chức tọa đàm góp ý hoàn thiện các quy định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về kinh tế - xã hội.


Chủ trì tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là công việc lớn, hệ trọng của Đảng, Nhà nước và của cả dân tộc. Việc sửa đổi Hiến pháp phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, vì lợi ích của nhân dân.


Ý kiến của các chuyên gia cho rằng các nội dung về chế độ kinh tế, chế độ sở hữu trong dự thảo đã có những sửa đổi, bổ sung rất cơ bản và đúng hướng, phù hợp với lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, việc dự thảo không nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế được các chuyên gia ghi nhận là một trong những thay đổi rất quan trọng trong sửa đổi Hiến pháp lần này. Những sửa đổi này sẽ góp phần bảo đảm các thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng trên mọi phương diện.


Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc bổ sung làm rõ nội hàm chế độ sở hữu toàn dân để làm rõ chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu, chủ thể quản lý nhà nước của Nhà nước; làm rõ các cấp chính quyền với việc ghi nhận sở hữu của chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, từng bước làm rõ chủ sở hữu toàn dân.

 

Phù hợp với các điều ước quốc tế về nhân quyền


Sáng 15/3, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ, công chức ngành ngoại giao về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng của toàn ngành ngoại giao. Các đơn vị trực thuộc bộ và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến nội dung, cách thức lấy ý kiến hiệu quả, thiết thực tới từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị. Tính đến nay, đã có 28 đơn vị trực thuộc bộ và gần 70 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoàn thành việc lấy ý kiến đối với dự thảo.


Hội nghị nhất trí cho rằng dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những tiến bộ vượt bậc cả về nội dung cũng như kỹ thuật lập hiến so với các bản Hiến pháp trước đây. Đặc biệt, toàn bộ Chương II của dự thảo với 28 điều về quyền con người và quyền, nghĩa vụ công dân đã thể hiện cách tiếp cận mới so với Hiến pháp năm 1992 và cơ bản phù hợp với các điều ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia.


Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đối với quy định tại Điều 4 của Dự thảo và nhấn mạnh sự cần thiết phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp.

 

Làm rõ giám sát và phản biện xã hội


Ngày 15/3, cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên Công đoàn góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định dự thảo được chuẩn bị công phu, phù hợp với giai đoạn phát triển của nước ta hiện nay và phù hợp với xu thế của thế giới. Những điểm mới trong dự thảo đã thể hiện và đáp ứng được mong đợi của nhân dân, phù hợp với Cương lĩnh chính trị của Đảng đã được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và yêu cầu phát triển của đất nước ta hiện nay.


Đề cập vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 Dự thảo, các đại biểu nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong, lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng hoạt động và lãnh đạo theo cương lĩnh, nghị quyết, điều lệ, quy chế, các quy định của Đảng. Đảng cũng xác định hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật. Đảng không đứng trên pháp luật, không đứng ngoài pháp luật, do đó không cần một đạo luật riêng cho Đảng.


Tập trung góp ý về Điều 9, quy định về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam, các đại biểu cho rằng, cần khẳng định trong Hiến pháp: MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị và làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQ. Giám sát và phản biện xã hội có phạm vi, lĩnh vực và đối tượng khác nhau, do đó nên tách riêng mà không gộp chung một khoản như trong dự thảo. Đối tượng của giám sát là hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức. Đối tượng của phản biện xã hội là những dự thảo chủ trương của Đảng, dự án và các chính sách, pháp luật của Nhà nước trước khi ban hành.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN