Vùng rốn lũ Hương Khê huy động lực lượng dọn bùn đất tràn vào nhà, trường học

Đến ngày 1/11, nước lũ tại một số địa phương tại huyện vùng rốn lũ Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đã rút. Công tác khắc phục thiệt hại, vệ sinh môi trường sau lũ đã được chính quyền địa phương gấp rút triển khai.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ của thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ vận chuyển lương thực, thực phẩm lên thuyền để chuyển vào vùng ngập. 

Trong đợt lũ vừa qua, điểm trường mầm non Hương Thủy, huyện Hương Khê đã bị ngập sâu hơn 2m. Nhà trường bị cô lập, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Toàn bộ sách vở, dụng cụ dạy học của giáo viên và đồ dùng của học sinh bị nước lũ nhấn chìm. Do lượng bùn khá lớn nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số sách vở, dụng cụ dạy học sau nhiều ngày ngâm trong nước nên đã bị hư hỏng, không thể khắc phục được.

Bà Nguyễn Thị Chiên, Hiệu trưởng trường mầm non Hương Thủy cho hay: Do địa hình nằm ở vùng trũng thấp nên trong đợt lũ vừa qua nhà trường đã bị ngập sâu. Nhiều đồ dùng, dụng cụ học tập của trẻ bị lũ cuốn trôi, ngập nước dẫn đến hư hỏng. Nhà trường chỉ kịp sơ tán một số máy móc, tivi, còn đồ dùng, dụng cụ không thể di chuyển do các giáo viên đều ở xa, mưa lũ ngập trên diện rộng nên không thể đến trường. Hiện nhiều trang thiết bị dạy học đã bị hư hỏng, không thể khắc phục. Trước mắt, nhà trường đang tiến hành dọn bùn đất bị tràn vào; cùng với đó tiến hành khử khuẩn, đảm bảo vệ sinh để học sinh có thể sớm quay trở lại học tập.

Chú thích ảnh
Đồ dùng học tập của học sinh tại trường mầm non Hương Thủy, huyện Hương Khê bị ngập nước và bùn đất.

Tại huyện Hương Khê, trong ngày 1/11, các cán bộ, chiến sĩ của thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ, lượng công an và quân đội đã phối hợp với chính quyền địa phương tập trung phương tiện, nhân lực dọn dẹp bùn đất, vệ sinh môi trường tại các khu vực nước lũ bắt đầu rút. Trong đó, tập trung ưu tiên khắc phục tại các trường học, cơ sở y tế, nhà văn hóa.

Thiếu tá Tạ Đình Hậu, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2, Trung đoàn cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ cho biết, sau khi nhận ý kiến chỉ đạo của Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, đơn vị đã triển khai lực lượng trên 200 cán bộ, chiến sĩ chuẩn bị về vật chất, tinh thần để tham gia khắc phục sau mưa lũ. Trên địa bàn huyện Hương Khê, đơn vị đã chia ra nhiểu tổ, mũi công tác để kịp thời hỗ trợ trường học, công sở khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tại các trường học bị ngập úng, đơn vị đã phối hợp cùng giáo viên, phụ huynh tiến hành vệ sinh bùn đất trong các lớp học. Đồng thời, sắp xếp lại các trang thiết bị, bàn ghế để đảm bảo nhà trường sớm đón học sinh trở lại học tập. 

Chú thích ảnh
Giáo viên và cán bộ, chiến sĩ của thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ dọn bùn đất tại trường mầm non Hương Thủy, huyện Hương Khê.
Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ của thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ hỗ trợ khắc phục thiệt hại mưa lũ tại huyện Hương Khê.

Hiện nước lũ tại vùng thượng lưu huyện Hương Khê đã rút nhưng các xã vùng hạ du như Điền Mỹ, Hà Linh, Lộc Yên… vẫn đang bị cô lập. Do ảnh hưởng của mưa lũ, hàng trăm ngôi nhà vẫn đang bị ngập sâu, nhiều gia đình đang sống trong cảnh mất điện, mất nước và đối diện với nguy cơ bệnh dịch do ô nhiễm môi trường. Tính đến nay, mưa lũ đã khiến 2 người chết, 1 người mất tích. Toàn huyện Hương Khê có khoảng 5.400 hộ dân nước tràn vào vườn, hơn 860 hộ bị nước vào nhà, 8 trường học ngập nước, hàng chục hecta hoa màu bị nhấn chìm. Ngoài ra, nhiều tuyến đường ảnh hưởng đến giao thông đi lại; nhiều công trình hồ, đập, kè bờ sông bị hư hỏng, sạt lở.

Đặc biệt, đập Tắt ở xã Hòa Hải có dung tích 0,4 triệu m3 bị vỡ thân đập gây xói lở đường giao thông và bồi lấp diện tích đất lúa vùng hạ du. Bên cạnh đó, bờ sông Ngàn Sâu đoạn qua các xã Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Điền Mỹ, Hương Liên, Hương Đô, Hà Linh, Hương Trạch; bờ sông Tiêm đoạn xã Hương Xuân bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn huyện có hơn 42 ha cây trồng vụ đông bị hư hại và hơn 250ha cây ăn quả bị ngập. Ước tính thiệt hại bước đầu do lũ lụt gây ra ở Hương Khê là trên 150 tỷ đồng. Hiện tại các vùng lũ chưa có điện, nước nên công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn; dự kiến phải mất nhiều ngày nữa nước rút hẳn người dân mới có thể ổn định lại cuộc sống.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Ngô Xuân Ninh thông tin, huyện đã khẩn trương triển khai các phương án khắc phục thiệt hại mưa lũ với phương châm “nước rút đến đâu, tập trung khắc phục đến đó”. Đặc biệt, tập trung, bố trí lực lượng khắc phục tại các công trình như trường học, trạm y tế của các thôn, xã bị ngập. Đồng thời, tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ bà con nhân dân, hộ bị ngập sớm dọn dẹp nhà cửa, đảm bảo ổn định cuộc sống trong thời gian ngắn nhất. Ngoài ra, chú trọng khôi phục sản xuất sau mưa lũ, nhất là các biện pháp phục hồi đối với cây ăn quả, triển khai sản xuất vụ đông theo kế hoạch. Riêng với diện tích cây trồng vụ đông bị hư hại, huyện tiếp tục tổng hợp đầy đủ và có chính sách để hỗ trợ bà con tái sản xuất.

Bài và ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất trên khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên
Đề phòng lũ quét, sạt lở đất trên khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cảnh báo, từ 9 giờ 40 phút đến 15 giờ 40 phút ngày 1/11, khu vực các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên tiếp tục có mưa, trong đó các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định có mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi trên 60mm; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Phú Yên có mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN