Vĩnh biệt nhà báo Lê Sơn, nguyên Tổng Biên tập báo Tin tức buổi chiều!

Thế là nhà báo, dịch giả lão thành Lê Sơn, nguyên Tổng Biên tập báo Tin tức buổi chiều (TTXVN) đã ra đi chiều 12/6/2022, hưởng thọ 86 tuổi, sau một thời gian dài chống chọi với bệnh hiểm nghèo!

Một trong người làm báo cựu trào, thuộc thế hệ vàng của TTXVN đã an giấc ngàn thu!

Lần gần đây nhất tôi đến thăm nhà báo Lê Sơn là khi ông vừa bệnh viện trở về sau đợt điều trị COVID-19. Chúng tôi nói chuyện ngày xưa, ngày nay, với nhiều kỷ niệm hai anh em cùng gắn bó chia sẻ.

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Sơn (bên trái) và tác giả.

Ở tuổi 86, tuy sức khoẻ của nhà báo Lê Sơn có giảm sút so với mấy năm trước, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, nhạy bén. Được như thế một phần quan trọng là do ông liên tục hơn nửa thế kỷ gắn với công việc làm báo và sau này là hoạt động dịch thuật, đầu óc không hề ngơi nghỉ.

Năm tôi mới vào nghề, thì ông đã là một nhà báo vững vàng xông xáo ở mảng nội chính ngoại giao của Ban Biên tập Tin Ảnh miền Bắc trong những năm chiến tranh.

Rất quý trọng ông bởi tính cách hoà đồng giản dị, một cây bút thông tấn, nhanh nhạy, chắc chắn, chuẩn mực, mà vẫn thấp thoáng nét chữ nghĩa tài hoa.

Chú thích ảnh
Các phóng viên TTXVN tại Campuchia năm 1979. Từ trái sang: Nhà báo Lê Sơn, Vũ Khắc Cư, Phạm Quốc Khánh, Trần Mai Hưởng, Trần Hữu Năng, Trần Quốc Hải, Lê Thư.

Những năm 79-80 gian khó hiểm nguy, hai anh em lại có dịp cùng các đồng nghiệp trong đoàn S78 làm nghĩa vụ Quốc tế trên đất Campuchia; sống trong không gian nồng mùi tử khí, đi trên những con đường lính Pol Pot phục kích ngày đêm, làm nghề trong những điều kiện rất khắc nghiệt, mà vẫn không thiếu niềm vui.

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Sơn và nhà báo Trần Mai Hưởng tại phiên toà xử tội ác diệt chủng của Khơme Đỏ (Phnom Penh, 1980).

Những năm sau đó, tôi có thời gian làm việc dưới quyền ông tại phòng biên tập Báo Ảnh Việt Nam, được đi nhiều, đi dài ngày về các vùng đất, được học cách tư duy bằng hình ảnh, cách làm từng số báo, chứ không chỉ viết từng bài…

Không thể quên chuyến đi cùng Lê Sơn và các đồng nghiệp Văn Chức, Hoàng Chương, Văn Minh, ngược đường Quyết Thắng cheo leo lên tận các điểm cao trên đỉnh trời của Mèo Vạc - Hà Giang những ngày còn căng thẳng ác liệt ở biẻn cương để làm chuyên đề "Thành giăng Ải Bắc".

Chú thích ảnh
Nhà báo Lê Sơn và Trung uý Đỗ Cường (người sau này cũng trở thành phóng viên TTXVN), tại mặt trận Hà Giang năm 1984.

Nhớ những ngày đầu Tin tức buổi chiều mà ông là người đứng mũi chịu sào với bao khó khăn vất vả!

Nhớ thời gian ông làm Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Kinh, khi sang công tác, hai em có dịp tản bộ trên Vạn Lý Trường Thành, nghe ông nói về dự định dịch thuật văn chương...

Tiểu thuyết "Người đàn bà tắm" của nữ nhà văn Thiết Ngưng, Chủ tịch Hội nhà văn Trung Quốc, là cuốn đầu tiên ông dịch với bút danh Sơn Lê.

Sau hơn 10 năm, dịch giả Sơn Lê đã dịch hơn 30 tiểu thuyết hàng đầu của văn học hiện đại Trung Quốc, với số lượng trên 12.000 trang. Một sức lao động thật đáng khâm phục ở một người cao tuổi!

Nhà báo Lê Sơn đã sống một cuộc đời nhiều tâm huyết, cống hiến với tư cách là một phóng viên thông tấn cả trong chiến tranh và trong hoà bình; một nhà quản lý giàu kinh nghiệm, có nhiều đóng góp trên các cương vị công tác khác nhau tại các đơn vị thông tin, các tờ báo của TTXVN.

Trong cuộc sống, nhà báo Lê Sơn là con người thuỷ chung, nhân ái, khiêm nhường. Bạn bè, đồng nghiệp và mọi người từng có dịp gặp gỡ, cộng tác luôn giữ những hình ảnh tốt đẹp về ông.

Cầu mong nhà báo Lê Sơn ra đi thanh thản!

Trần Mai Hưởng
Vĩnh biệt nhà báo chiến trường Hứa Kiểm (1938-2021)!
Vĩnh biệt nhà báo chiến trường Hứa Kiểm (1938-2021)!

Thế là nhà báo Hứa Kiểm, phóng viên thông tấn quân sự, nhà báo chiến trường nổi tiếng của một thời đất nước, đã ra đi!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN