Vinaconex sẽ kiểm soát sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà

Ông Phạm Chí Sơn, Giám đốc Ban Đối ngoại Pháp chế thuộc Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã khẳng định như vậy vào sáng 15/7, ngay sau khi Bộ Xây dựng có kết luận rằng Chủ đầu tư dự án và nhà thầu liên quan phải chịu trách nhiệm về chất lượng tuyến ống trong sự cố vỡ đường ống dẫn nước Sông Đà.

Ông Phạm Chí Sơn cho biết, Vinaconex sẽ nghiêm túc kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong Ban lãnh đạo; nhận khuyết điểm với Chính phủ, Bộ Xây dựng, Thành phố Hà Nội và nhân dân Thủ đô do đã để xảy ra các sự cố vỡ ống dẫn nước. Vinaconex cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đến xây dựng công trình đoạn tuyến ống dẫn nước Sông Đà để xảy ra sự cố bao gồm các nhà thầu: sản xuất và cung cấp ống dẫn nước, thi công xây dựng tuyến ống, giám sát thi công xây dựng; đơn vị tổng thầu thiết kế và Ban quản lý dự án (đại diện chủ đầu tư) kiểm điểm, có báo cáo giải trình, xác định rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý theo quy định.

Để giải quyết tình trạng trên một cách lâu dài, Vinaconex cho biết đang đẩy nhanh các thủ tục xin phép Chính phủ, các Bộ ngành, UBND Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình triển khai đầu tư xây dựng giai đoạn II của dự án, nâng công suất cấp nước lên 600.000 m3/ngày đêm theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2 của dự án, Vinaconex sẽ lựa chọn loại ống truyền tải phù hợp, đảm bảo an toàn khi vận hành, trong thời gian nhanh nhất có thể nhằm đáp ứng nhu cầu tăng thêm 300.000 m3/ngày đêm (giai đoạn 2) cho người dân Hà Nội và các địa phương lân cận.

Đường ống nước sông Đà bị vỡ liên tục từ đầu năm nay. Ảnh: Vnexpress


Tổng công ty đã và đang chỉ đạo Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex nghiêm túc thực hiện các biện pháp xử lý, thông qua việc kiểm soát và duy trì áp lực nước trong tuyến ống ở mức độ ổn định, phù hợp; theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện sự bất thường trong hệ thống từ các chỉ số trên các thiết bị kiểm soát, đồng thời tăng cường nguồn lực cho đội phản ứng nhanh để có giải pháp ứng cứu, khắc phục nhanh nhất khi sự cố xảy ra; phối hợp với chính quyền địa phương nơi có tuyến ống đi qua để có biện pháp bảo vệ hành lang an toàn tuyến ống.

Trước đó, Bộ Xây dựng đã chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn tới việc đường ống dẫn nước sông Đà vỡ lần thứ 9 là do chất lượng đường ống và thi công. Trong phát ngôn vào chiều 14/7, Tổng Giám đốc Vinaconex Vũ Quý Hà cũng thừa nhận: Vinaconex áp dụng theo tiêu chuẩn của Mỹ và cũng đã đi sang Trung Quốc, Tây Ban Nha để kiểm tra và rút kinh nghiệm trong ứng dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng vật liệu mới có sợi thuỷ tinh đã gặp phải một số khó khăn, trong đó vấn đề lớn nhất là thiếu kinh nghiệm. Không chỉ áp dụng công nghệ mới mà Vinaconex còn sử dụng đường ống to nhất Việt Nam tại thời điểm đó nên cũng có nhiều vấn đề.

Theo ông Phạm Chí Sơn - Giám đốc Ban Đối ngoại Pháp chế Vinaconex, ống composite cốt sợi thủy tinh được sử dụng trong dự án là loại vật liệu lần đầu tiên được ứng dụng trong hệ thống truyền tải nước sạch tại Việt Nam nên Vinaconex còn thiếu kinh nghiệm khi lựa chọn công nghệ, vật liệu đầu vào và các tiêu chuẩn áp dụng trong quá trình sản xuất, vận chuyển, thi công, lắp đặt hệ thống tuyến ống truyền tải nước (đường kính lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đầu tư). Do đó, từ khi đi vào sử dụng đến nay hệ thống đường ống truyền tải nước sạch Sông Đà đã có một số lần gặp sự cố làm gián đoạn cấp nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người dân Thủ đô.

Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây- Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Vinaconex làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 45,8 km với công suất thiết kế giai đoạn I là 300.000 m3/ngày đêm bằng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay thương mại. Dự án sử dụng vật liệu mới cho tuyến ống truyền tải nước sạch là ống composite cốt sợi thủy tinh với các loại đường kính 1,5m, 1,6m và 1,8m do Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất. Dự án hoàn thành đầu tư, đi vào sử dụng từ tháng 8/2008, cung cấp nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ y tế từ nguồn nước mặt Sông Đà với lượng nước tiêu thụ trung bình đạt 220.000–240.000 m3/ngày đêm (chiếm khoảng 30% tổng lượng nước sạch cung cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội) cho trên 70.000 hộ dân khu vực phía tây thành phố Hà Nội.

Ngoài việc cấp nước theo địa bàn được thành phố Hà Nội cho phép (bao gồm các phường thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân thuộc khu vực Đường Vành đai III), dự án này đã và đang hỗ trợ cấp nước cho khu vực nội thành Hà Nội thông qua hệ thống của Công ty nước sạch Hà Nội (Hawaco) với công suất cấp nước đạt gần 50.000 m3/ngày đêm và hỗ trợ 30.000 m3/ngày đêm cho quận Hà Đông qua hệ thống của Công ty cấp nước Hà Đông. Hệ thống truyền tải nước Sông Đà là hệ thống độc đạo, dài nhất Việt Nam tại thời điểm đầu tư nên với 9 lần gặp sự cố đã làm gián đoạn cấp nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô sử dụng nguồn nước sạch Sông Đà.


Thu Hằng
Vinaconex và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chất lượng đường ống nước Sông Đà
Vinaconex và nhà thầu phải chịu trách nhiệm chất lượng đường ống nước Sông Đà

Kể từ tháng 12/2012 đến nay, tuyến ống dẫn nước Sông Đà do Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư đã 9 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của 70.000 hộ dân Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN