Việt Nam nhấn mạnh UNCLOS là cơ sở pháp lý để bảo tồn, sử dụng đại dương

Ngày 7/6, trong phiên họp ngày thứ 3 của Hội nghị Đại Dương LHQ, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý đã có bài phát biểu bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với những nỗ lực của quốc tế nhằm thực thi mục tiêu phát triển bền vững số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên từ biển.

Lễ khai mạc Hội nghị Đại dương ở New York, Mỹ ngày 5/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại LHQ dẫn lời Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết Việt Nam đánh giá cao dự thảo "kêu gọi hành động" với chủ đề "Đại dương của chúng ta, tương lai của chúng ta". Việt Nam cũng hoàn toàn nhất trí với quan điểm rằng việc thực thi mục tiêu số 14 đòi hỏi quan hệ đối tác và hợp tác mạnh mẽ giữa các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và khu vực cũng như cổ đông khác. Cơ sở pháp lý cho mối quan hệ đối tác và những hoạt động này là những điều luật quốc tế được diễn giải và áp dụng theo cách được toàn thế giới công nhận, đặc biệt là Công ước về Luật biển LHQ 1982 (UNCLOS). Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh còn vô số khu vực biển tranh chấp trên thế giới, việc tuân thủ và thực thi những điều khoản của UNCLOS sẽ đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, đồng thời tạo ra 1 môi trường biển hòa bình bởi lẽ quan hệ hợp tác và đối tác không thể thành công nếu như thiếu hòa bình và sự ổn định.

Để thực thi thành công "Kêu gọi hành động", Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp sau: Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong xã hội, đặc biệt là trong cộng đồng địa phương, về sự cần thiết phải bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên từ biển; Thứ hai, thúc đẩy cơ chế hợp tác ở các cấp tiểu khu vực, khu vực và quốc tế, đặc biệt là ở những vùng biển tranh chấp, nhằm duy trì hòa bình, sự ổn định và phá triển. Thứ ba, khuyến khích các quốc gia phát triển tăng cường khả năng chuyển giao công nghệ hàng hải hiện đại cho những quốc gia đang phát triển và kém phát triển để giúp những nước này củng cố các nền kinh tế bền vững dựa vào đại dương, thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu, và bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên từ biển.

Thứ trưởng Đặng Đình Quý cũng cho biết Việt Nam đã lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các kế hoạch và chiến lược phát triển quốc gia. Việt Nam đã thực thi Kế hoạch Hành động Quốc gia để thực thi các mục tiêu của chương trình nghị sự 2030, trong đó có mục tiêu 14. Trong khuôn khổ của Hội nghị này, Việt Nam cam kết thực thi dự án "Phát triển các khu vực do địa phương quản lý nhằm khôi phục và sử dụng bền vững các hệ sinh thái ven biển với sự can dự của các cổ đông địa phương". Việt Nam sẽ tiếp tục đăng ký những cam kết tự nguyện khác để thực hiện mục tiêu số 14.


Theo kế hoạch, Hội nghị Đại dương, diễn ra từ ngày 5 - 9/6, sẽ thông qua tuyên bố về việc hình thành bản “Kêu gọi Hành động” hỗ trợ triển khai thực hiện Mục tiêu Phát triển bền vững 14 của LHQ và 1 báo cáo bao gồm những tóm tắt của các đồng chủ tịch về những đối thoại của các hiệp hội. Ngoài ra, một danh sách những cam kết tự nguyện thực hiện Mục tiêu 14 cũng sẽ được công bố tại hội nghị.

TTXVN/Tin Tức
Liên hợp quốc khai mạc Hội nghị Đại dương lần đầu tiên
Liên hợp quốc khai mạc Hội nghị Đại dương lần đầu tiên

Ngày 5/6, Hội nghị Đại dương đã được khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở thành phố New York của Mỹ với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ 193 quốc gia thành viên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN