Việt Nam muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với EU

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 14/10, báo điện tử NewEurope của Bỉ đã đăng bài phỏng vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân chuyến thăm chính thức Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) từ 12-14/10 với tiêu đề "Việt Nam chào đón tất cả các nước tăng cường hợp tác" (http://www.neurope.eu/article/viet-nam-welcomes-all-countries-strengthen-cooperation).

Nói về mối quan hệ giữa Việt Nam và EU đặc biệt sau chuyến thăm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết ông muốn truyền tải đến EU thông điệp "Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện với EU". Thủ tướng nhấn mạnh EU là một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế-thương mại, hợp tác phát triển và hợp tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Mối quan hệ này đang đạt độ chín và hướng lên tầm cao mới theo hướng thực chất và hiệu quả.

Thủ tướng nêu rõ việc ký kết chính thức Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) từ tháng 9/2012 là nhuwxg bước phát triển mạnh mẽ và quan trọng đối với quan hệ Việt Nam - EU. Thủ tướng khẳng định PCA là một minh chứng sống động cho sự phát triển toàn diện và sâu sắc của mối quan hệ giữa hai bên trong gần 25 năm qua. Việc ký kết PCA và kết thúc đàm phán EVFTA sẽ mở rộng phạm vi và mức độ hợp tác song phương.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch EU Herman Van Rompuy trong cuộc gặp tại Bỉ ngày 13/10. Ảnh: EPA


Về vấn đề cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp lại các doanh nghiệp, tạo điều kiện kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một phần đặc biệt quan trọng trong toàn bộ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong giai đoạn 2013-2020. Trong năm 2011, Việt Nam đã có 5.655 doanh nghiệp nhà nước và đến cuối năm ngoái, số lượng các doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nhà nước đã giảm xuống chỉ còn 949. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2015, Việt Nam sẽ tiếp tục cổ phần hóa 432 doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ hiện nay, Việt Nam đang tích cực thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước và sẽ chỉ duy trì loại hình doanh nghiệp này trong một số lĩnh vực chính. Đây cũng là một trong ba nội dung trọng tâm của chương trình tái cơ cấu. Trong những năm tới, việc cổ phần hóa và cải cách các doanh nghiệp nhà nước sẽ tiếp tục được thực hiện để tăng tính minh bạch và tôn trọng quy luật thị trường, song song với thúc đẩy thị trường vốn. Theo đó, Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước mua cổ phiếu. Hơn nữa, Việt Nam sẽ tiến hành các biện pháp phù hợp để thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế và cải thiện Luật về đầu tư nước ngoài.

Liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam "luôn chân thành coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ láng giềng thân thiện và hợp tác toàn diện với Trung Quốc". Thủ tướng cho biết các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã nhất trí tiếp tục và tăng cường quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc đã dần phục hồi. Quan hệ song phương và trao đổi các đoàn đại biểu được tiến hành bình thường trong khi quan hệ kinh tế và thương mại tiếp tục được duy trì và phát triển.


Liên quan đến vấn đề Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam và mối quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Mỹ là một cường quốc của thế giới và khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và có một vai trò quan trọng trong khu vực. Việt Nam hoan nghênh tất cả các nước, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ, tăng cường hợp tác với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Thủ tướng đánh giá cao việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác khu vực trên cơ sở tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, đóng góp vào duy trì hòa bình trong khu vực, ổn định và hợp tác phát triển trong tinh thần bình đẳng và cùng có lợi. Thủ tướng hy vọng Mỹ sẽ thể hiện vai trò của mình hiệu quả hơn để đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng trong khu vực. Hiện nay, Việt Nam đang làm việc với Mỹ và các đối tác khác để tích cực thúc đẩy các cuộc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thủ tướng bày tỏ tin tưởng thỏa thuận này sẽ mở ra cơ hội mới cho cả Việt Nam và Mỹ, cũng như các nước thành viên khác và toàn bộ khu vực.

Trả lời câu hỏi về kế hoạch xây dựng các con đập lớn ở sông Mê Công sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới ngành nông nghiệp, cuộc sống người dân ven sông cũng như những biện pháp của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh sông Mê Công là sông quốc tế có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống văn hóa và tinh thần của người dân các quốc gia ven sông. Là một quốc gia ven sông, Việt Nam luôn mong muốn các quốc gia có liên quan phối hợp chặt chẽ để nghiên cứu kỹ lưỡng các tác động tổng thể của dự án thủy điện trên dòng chính của sông Mê Công trước khi đưa ra quyết định thực hiện dự án. Thủ tướng kêu gọi các quốc gia ven sông cần hợp tác chặt chẽ với nhau một cách công bằng, khai thác hợp lý và sử dụng các nguồn lực, đặc biệt là tài nguyên nước ở sông Mê Công để bảo vệ hệ sinh thái và góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn bộ lưu vực sông Mê Công và mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia ven sông và người dân sống trong khu vực này.


TTXVN/Tin tức

Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Bỉ và EU
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm Bỉ và EU

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời thủ đô Brussels, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Bỉ và EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN