Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa

Ngày 23/5, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông. Chủ trì họp báo và trả lời các câu hỏi của phòng viên trong nước và quốc tế có: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình; ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia; ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Kể từ cuộc họp báo quốc tế ngày 7/5 về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam đến nay, trong lúc Việt Nam rất kiềm chế, sử dụng nhất quán mọi biện pháp hòa bình, tận dụng mọi cơ hội và mọi kênh đối thoại để giải quyết vụ việc một cách hòa bình thì Trung Quốc tiếp tục gia tăng các tàu, trong đó có tàu và máy bay quân sự xung quanh khu vực giàn khoan nói trên nhằm đe dọa, uy hiếp lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của đất nước. Trung Quốc cũng đã liên tục vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam về tình hình hiện nay trên Biển Đông cũng như tuyên bố về cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc" đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam điều hành buổi họp báo


Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia khẳng định: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Từ nhiều Thế kỷ nay (ít nhất là từ Thế kỷ 17), Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.

Ông Hải đã viện dẫn lịch sử từ thời kỳ Pháp thuộc, Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời phản đối các yêu sách của nước khác đối với hai quần đảo này. Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này cũng đã được thừa nhận tại hội nghị Sanfrancisco (9/1951).

 


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.

Sau đó, theo Hiệp định Geneve về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Pháp rút khỏi Việt Nam , Việt Nam Cộng hòa tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia hội nghị Geneve 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của hội nghị đó.

Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam . Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động này. Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế đã qui định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác.

Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “ xâm lược không thể sinh ra chủ quyền ” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Trung Quốc gần đây đã cố tình viện dẫn sai lệch công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958 nhằm bóp méo sự thật về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Về việc gần đây, trong bản viết sẵn lưu hành tại buổi họp báo quốc tế ngày 6/5/2014 cũng như trong các bài viết, phát biểu của quan chức Trung Quốc, Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đã phân lô 57 lô dầu khí, trong số đó có 7 mỏ đã đi vào sản xuất và 37 giàn khoan, tại các vùng biển có tranh chấp”. Ông Đỗ Văn Hậu, Tổng Giám đốc tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) khẳng định: Trung Quốc đã không hề đưa ra một cơ sở pháp lý nào để biện hộ cho quan điểm này.

Việt Nam khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thực tế này đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều công ty dầu khí nước ngoài đã ký hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam tại các lô thuộc thềm lục địa Việt Nam.

Từ lâu nay, Việt Nam luôn thực hiện quản lý và khai thác có hiệu quả đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam , trong đó có các hoạt động dầu khí. Quan điểm trên của Trung Quốc thực chất là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Ý đồ của Trung Quốc là nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này và khẳng định quyết tâm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Cũng tại cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến các vấn đề pháp lý, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Hàm Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế, Bộ Ngoại giao khẳng định: Việt Nam có tư cách là một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và là một quốc gia thành viên của Công ước Luật biển của Liên hợp quốc năm 1982. Việt Nam có quyền sử dụng tất cả các cơ chế giải quyết tranh chấp được quy định tại Hiến chương Liên hợp quốc cũng như trong Công ước về luật biển năm 1982 để giải quyết các tranh chấp liên quan đến mình. Việc sử dụng các biện pháp hòa bình bao gồm cả khả năng sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế mà Hiến chương Liên hợp quốc cũng như Công ước luật biển đã đề cập.

Thứ hai, việc sử dụng biện pháp hòa bình, trong đó có việc sử dụng các cơ quan tài phán quốc tế là phù hợp. Hơn nữa, chúng tôi cho rằng, sử dụng biện pháp pháp lý sẽ tốt hơn là để xảy ra xung đột vũ trang… Lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định, Việt Nam không loại trừ việc sử dụng bất ký một biện pháp hòa bình nào để có thể giải quyết tranh chấp. Vì vậy, với tư cách cơ quan tham mưu, chúng tôi có nhiệm vụ chuẩn bị sẵn sàng mọi biện pháp có thể sử dụng được.

Về tình hình giao thương ở khu vực biên giới Việt Trung, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết, các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Ông Hải cho biết thêm, trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước vừa qua, hai bên đã nhất trí không sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên, “vấn đề chủ quyền lãnh thổ là hết sức thiêng liêng với dân tộc Việt Nam nên không có gì có thể đánh đổi được. Vàng rất quý, nhưng độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ quốc gia còn quý hơn vàng” ông Hải khẳng định.


Đỗ Quyên

Việt Nam kiên quyết thực hiện biện pháp phù hợp luật quốc tế để bảo vệ chủ quyền
Việt Nam kiên quyết thực hiện biện pháp phù hợp luật quốc tế để bảo vệ chủ quyền

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, trong khuôn khổ Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 20 tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu tại hội nghị, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về tương lai châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN