Vị tướng của những quyết định sáng tạo bất ngờ

Điểm nổi bật trong những quyết định quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhãn quan chiến lược tinh tường, luôn giữ chắc mục tiêu chiến lược nhưng không giáo điều, không tư duy theo những “đường mòn” mà luôn suy nghĩ độc lập, không ngừng sáng tạo.


Với người có trách nhiệm đưa ra các quyết định chiến trường, một quyết định đúng sẽ giúp giành chiến thắng với ít sự hy sinh. Một quyết định sai sẽ trở thành thảm họa, đặc biệt là những quyết định ở tầm chiến lược. Cuộc kháng chiến trường kỳ giành và bảo vệ độc lập của dân tộc ta trong thế kỷ trước đã nhiều lần chứng minh điều này.


Những quyết định quan trọng


Trong chiến dịch Biên giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định đổi mục tiêu tấn công mở màn từ Cao Bằng chuyển qua Đông Khê sau khi trinh sát quân báo, hậu cần, kế hoạch đã sửa soạn xong cho mục tiêu Cao Bằng. Cao Bằng là một cứ điểm tại đô thị lớn. Nếu chiếm được Cao Bằng có thể tăng thêm thanh thế cho bộ đội ta. Trước đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp đi nắm tình hình tại mặt trận. Ông nhận thấy, địa hình Cao Bằng hiểm trở, ba mặt là sông, mặt sau là núi, pháo đài Cao Bằng lại được xây khá kiên cố. Vì vậy, Đại tướng đã quyết định không chọn đánh Cao Bằng.

 

Tháng 12/1953, Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở mặt trận có tính chất chiến lược: Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm quân viễn chinh tinh nhuệ Pháp ở Điện Biên Phủ. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Thường vụ. Tư liệu TTXVN


Thay vào đó, Đại tướng và Bộ Tổng tham mưu chọn Đông Khê, một cứ điểm tương đối yếu hơn nằm trên tuyến đường số 4. Địa hình xung quanh Đông Khê lại phù hợp để quân ta mai phục, dễ tiếp cận cứ điểm và dùng chiến thuật “đánh điểm, diệt viện”. Kết quả của chiến dịch Biên giới đã chứng minh sự sáng suốt của quyết định đó. Bộ đội ta thương vong ít nhưng đạt được tất cả các mục tiêu của chiến dịch. Không chỉ vậy còn thu được hàng ngàn tấn chiến lợi phẩm, đủ trang bị cho các sư đoàn chủ lực mới được thành lập. Đạn pháo thu được ở chiến dịch Biên giới còn được dùng trong chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.


Tài thao lược của ông còn được nhắc đến nhiều nhưng tập trung, nổi bật nhất ở Điện Biên Phủ. Tháng 1/1954, điểm quyết chiến chiến lược đã được chọn. Pháo đã được kéo vào trận địa. Phương án tiến công đã thông qua. Trận đánh quyết định sắp bắt đầu…

Khi nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo đã đánh giá: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy về cách đánh. Ông luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo, vừa bảo đảm thắng lợi cao nhất cho trận đánh, vừa hạn chế đến mức thấp nhất thương vong cho tướng sĩ. Ông là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất…”.


Sáng 26/1/1954, các sĩ quan giúp việc cho Đại tướng Tổng tư lệnh gặp ông nghiên cứu bản đồ với một nắm ngải cứu quấn trên đầu. Ông giải thích: “Mười một ngày qua tôi suy nghĩ rất nhiều, đêm qua tôi không ngủ được. Chiều nay trận đánh sẽ bắt đầu nhưng những yếu tố chắc thắng thì quân ta chưa hoàn toàn nắm được…”. Ông mời cố vấn Vi Quốc Thanh sang họp gấp và trong buổi sáng hôm đó cố vấn Vi Quốc Thanh được nghe một quyết định quan trọng của “Võ Tổng”: “Theo tôi nếu đánh theo kế hoạch cũ (đánh nhanh thắng nhanh trong ba đêm hai ngày, tập trung hỏa lực tiêu diệt máy bay và pháo binh địch ngay trong đêm đầu tiên…- NV) thì sẽ thất bại…”.


Dựa trên tất cả những thông tin thu được của địch và tình hình thực tế của ta, Đại tướng đã có một quyết định quan trọng gây sửng sốt cho cả Bộ chỉ huy chiến dịch và đoàn cố vấn Trung Quốc: kéo pháo ra, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Sau này, Đại tướng cho rằng đây là quyết định khó khăn nhất trong đời cầm quân của mình. Nhiều ý kiến trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận hơn nửa giờ sau đó vẫn nghiêng về quyết tâm đánh nhanh thắng nhanh. Nhưng lý lẽ của vị Tổng tư lệnh dựa trên nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng” đã thuyết phục được những vị tướng khác đi đến nhất trí với phương án mới.


Đó là lúc 11 giờ trưa ngày 26/1/1954, chỉ vài giờ trước khi bộ đội ta nổ súng.


Trước trận quyết chiến chiến lược, lòng tin của nhân dân, của Đảng đã được đặt đúng chỗ. Nhãn quan chiến lược tinh tường, luôn giữ chắc mục tiêu chiến lược nhưng không giáo điều, không tư duy theo những “đường mòn” mà luôn suy nghĩ độc lập và sáng tạo đã dẫn Đại tướng đến quyết định quan trọng đó. Chính quyết định quan trọng này đã quyết định vận mệnh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đại tướng Lê Trọng Tấn sau này đã nhận xét: “Nếu không có thay đổi trên, cuộc kháng chiến có thể phải chậm mất 10 năm”.


Nét văn hóa quân sự độc đáo


Nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Mac Donald trong công trình của mình “Giáp, một sự đánh giá” (1992) đã viết: “Điều làm Điện Biên Phủ nổi tiếng chính là ở cách đánh, ở tiến trình phát triển của cuộc chiến cũng như kết cục và những hệ quả mà nó dẫn đến… Tất cả những điều đó đã khiến Điện Biên Phủ trở thành trận đánh quyết định của thời đại và đưa tên tuổi Võ Nguyên Giáp vào sử sách”.

 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam nghiên cứu kế hoạch tác chiến (năm 1953).Tư liệu TTXVN


Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thế. Lúc cần, ông rất thận trọng “đánh chắc tiến chắc”. Khi thời cơ đến, ông kiên quyết hạ lệnh “Táo bạo, táo bạo hơn nữa - Thần tốc, thần tốc hơn nữa”, quyết giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa 1975. Những quyết định được Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đưa ra ở tầm chiến lược đều dựa trên sự phân tích chặt chẽ, khoa học, toàn diện về binh lực, về địa hình, cả về chính trị, ngoại giao, về những tác động sụp đổ dây chuyền của địch khi bị “điểm đúng huyệt” để chọn đúng phương án tác chiến hữu hiệu nhất. Tất cả các quyết định của ông đều dựa chắc trên tư duy khoa học, trí tuệ sáng suốt và sự nhạy cảm của một thiên tài quân sự.


Tư tưởng quân sự truyền thống Việt Nam trong lịch sử là lấy nhỏ đánh lớn, “lấy đoản binh mà chế trường trận” (Trần Hưng Đạo), lấy yếu chống mạnh, “lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi), mưu trí sáng tạo, “dĩ nhu xử cương”... Đó là cách đánh sáng tạo của một dân tộc nhỏ yếu hơn chống lại kẻ thù lớn mạnh. Đó là nghệ thuật giành thế chủ động, kiên quyết tiến công nhưng không phiêu lưu mạo hiểm mà biết kết hợp bảo toàn lực lượng để tiết kiệm sức quân, tiết kiệm sức dân, bảo đảm kháng chiến lâu dài... Đây cũng là những nét văn hóa quân sự độc đáo của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX nhưng đã có cơ sở từ bề dày ngàn năm giành và giữ nền độc lập của các thế hệ cha ông.

Đó cũng là cách “cầm quân” của Võ Nguyên Giáp. Đánh giá về tài “cầm quân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ (1993) viết: “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao... Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hỏa lực khổng lồ của các quốc gia phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử”.


Truyền thống kiên cường chống ngoại xâm của dân tộc, truyền thống thao lược và nhân văn, được Võ Nguyên Giáp làm tỏa sáng đã làm nên sức mạnh to lớn dẫn dắt quân và dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng trong thế kỷ XX rực lửa.



Ngô Vương Anh

Tôi được chụp ảnh với Đại tướng
Tôi được chụp ảnh với Đại tướng

Trong cuộc đời mỗi người, nhiều khi có những niềm vui đến thật bất ngờ. Với tôi, từng là một người lính, một nhà báo lính, có những niềm vui, mà nói cho đúng là niềm vinh dự, chẳng những bất ngờ mà cứ như một giấc mơ đẹp kỳ lạ, khó có thể tưởng tượng được.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN