59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:

Vẹn nguyên ký ức về trận thử lửa đồi A1

Đã gần 6 thập kỷ trôi qua, nhưng những hình ảnh về năm tháng “ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, những ngày giành giật với địch từng tấc đấc, từng đoạn chiến hào diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh, những tiếng reo vang ngày đại thắng vẫn vẹn nguyên trong ký ức Thiếu tướng Nguyễn Hiền. Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ấy, ông là Chính trị viên của Đại đội xung kích 263, Tiểu đoàn 18, Trung đoàn Thủ đô, thuộc Đại đoàn 308, Quân Tiên Phong.

Thiếu tướng Nguyễn Hiền sinh ra tại làng Dòng, xã Xuân Lũng (huyện Lâm Thao) một làng quê nổi tiếng của vùng đất Tổ vua Hùng, là mảnh đất hiếu học, có nhiều người đỗ đạt. Ông chính thức trở thành chiến sỹ Vệ quốc đoàn từ tháng 9/1946 khi mới 16 tuổi.

Trận chiến đấu với giặc Pháp đầu tiên của ông vào 5/1947 ở Thị xã Phú Thọ. Đến tháng 10 năm đó ông được tham gia những trận đánh địch trên dòng sông Lô, cùng quân dân Phú Thọ lập nên chiến thắng lẫy lừng, phá tan cuộc tiến công của giặc Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc.

Thế rồi Tây Bắc, Biên giới, Thượng Lào, chiến dịch nối tiếp chiến dịch, chiến công nối tiếp chiến công. Ông được rèn luyện thử thách trong máu lửa chiến tranh và đã trưởng thành nhanh chóng. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, mới 23 tuổi ông đã là Chính trị viên của Đại đội xung kích 263, chỉ huy chiến đấu đánh điểm cao A1 của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bên khung cửa sổ, vị tướng già trầm ngâm: “Mới đó mà đã 59 năm trôi qua, tôi còn nhớ như in trận thử lửa đồi A1 – giành lấy cái “chìa khóa sống”. Những năm tháng quá khứ như cuốn phim quay chậm mở ra trước mắt ông. Ông kể: Giặc Pháp muốn xây dựng đồi A1 thành một cứ điểm mạnh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với nhiều tầng chiến hào kiên cố, nối liền với hầm ngầm, có lắp hồng ngoại tuyến để quan sát vào ban đêm. Tuy nhiên, quyết tâm của chiến sỹ ta đánh chiếm đồi A1 còn cao hơn núi, sâu hơn vực thẳm.

Du khách thăm quan cứ điểm lịch sử Đồi A1. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN.


Đúng 18 giờ ngày 31/3, lệnh xuất kích được phát đi trong tiếng pháo dữ dội của địch. Đại đội 263 do Đại đội trưởng Hiển, tôi là Chính trị viên- Bí thư chi bộ, Đại đội phó Đào Lẫm tấn công hướng chủ yếu của tiểu đoàn, đánh chiếm các lô cốt, chiến hào ở Yên Ngựa bên phải và đánh vào lô cốt mẹ. Đại đội 261 thì đánh chiếm lô cốt và chiến hào bên trái, chặn quân phản kích từ Mường Thanh lên. Đại đội 259, đại đội 8 của tiểu đoàn 54 cánh trái của tiểu đoàn 18, hướng tấn công của trung đoàn vẫn theo hướng cũ của trung đoàn 174 đánh đêm 30/3. Pháo địch từ Hồng Cúm, Mường Thanh bắn chặn, súng máy từ lô cốt mẹ quét sát mặt đồn, bắn dọc chiến hào, nhằm vào khu cửa mở làm một số cán bộ chiến sỹ của ta bị thương và hi sinh. Đại đội trưởng Hiển là người đầu tiên ngã xuống tại cửa mở. Khoảng 22 giờ, ta mới chiếm được các lô cốt và chiến hào Yên Ngựa.

Đến 5 giờ sáng ngày 1/4 , địch lại đưa thêm 2 xe tăng cùng bộ binh kết hợp với quân cố thủ trong lô cốt hầm ngầm, phản kích hòng đánh bật quân ta ra khỏi đồi A1. Đồng chí Nguyễn Văn Giá, Trung đội trưởng trung đội DKZ + Badôka thuộc Đại đội 265 tăng cường cho Đại đội 263 báo cáo: Đã phát hiện có xe tăng địch! Tôi liền ra lệnh: Chờ mục tiêu thật gần hãy nổ súng!

Chiếc xe tăng địch dừng ngay cạnh lô cốt mẹ chỉ cách khoảng 40m nhưng do sương mù nên không nhìn rõ, chỉ nghe tiếng máy nổ và tiếng súng bắn từ trong ra. Đồng chí Giá bèn lệnh cho 2 khẩu DKZ và Badôka đồng loạt nhả đạn về phía có tiếng nổ và tiếng súng. Tiếng máy nổ của xe tăng lập tức im bặt, chiếc thứ 2 thì vẫn còn nằm chết dí ở dưới chân đồi. Đợt phản kích thứ 2 của địch bị bẻ gãy.

Giọng kể hào hùng của ông như truyền cho chúng tôi khí thế sục sôi của một thời “Gan không núng. Chí không mòn!” của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Thiếu tướng Nguyễn Hiền xúc động kể tiếp trận chiến đấu gay go ác liệt trên đồi A1: "Suốt ngày 1/4, các mũi tiến công của Tiểu đoàn 18 vẫn bám chặt những nơi đã chiếm, bất chấp đạn địch đổ xuống đầu. Lúc này, Đại đội 263 còn ít người nhưng vẫn quyết tâm giữ vững trận địa. Khoảng 10 giờ sáng địch phản kích bằng hỏa lực, tôi bị thương. Sau đó, tôi lại bị thương lần thứ 2, lúc này quân số của Đại đội còn dưới 10 người và đều bị thương. Sau 1 ngày 2 đêm giữ chốt đồi A1 với lực lượng mỏng thì có tin Đại đội 259, Tiểu đoàn 18, sẽ vào thay. Đến 7 giờ sáng ngày 2/4, tôi được một đồng chí y tá đưa ra khỏi chiến hào và đưa về Trạm quân y của Trung đoàn. Sau 2 ngày sơ cứu vết thương tôi được anh chị em dân công hỏa tuyến đưa về Quân y tiền phương...”.

“Không có gì buồn hơn là nằm viện giữa lúc đồng đội đang chiến đấu. Tôi nhớ như in chiều hôm ấy, chiều 7/5/1954, không kìm được sự sung sướng, chúng tôi ôm nhau nhảy múa, hò hát, đấm vào nhau thùm thụp đến nỗi đấm cả vào vết thương của nhau,…”, ông xúc động nhớ lại.

Kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, ông Hiền được tặng thưởng hai Huân chương Chiến công, được bầu là Chiến sĩ thi đua Đại đoàn 308. Lật từng bức ảnh năm xưa, vị tướng già không giấu được những cảm xúc về một thời hoa lửa. Trong số những bức ảnh được ông nâng niu như một “báu vật” vô giá của cuộc đời mình có nhiều tấm ảnh về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Nguyễn Hiền tâm sự: “Tôi đã được gặp Bác 6 lần và lần nào cũng rất ấn tượng. Nhưng sâu sắc nhất vẫn là lần thứ tư được gặp Bác tại Đền Hùng, trên quê hương đất Tổ. Tướng Hiền vẫn còn nhớ như in hình ảnh Bác, từ dáng điệu nhanh nhẹn mà hiền từ, lời nói ấm áp thân tình như cha dặn con. Bác đã nhắc nhở những điều cần thiết đối với cán bộ, chiến sĩ đại đoàn trước khi vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội.

Những điều Bác dặn không những đã giúp cán bộ, chiến sĩ ta hoàn thành tốt nhiệm vụ lúc ấy mà đến tận bây giờ ông vẫn còn thấy nguyên giá trị. Ông nhớ nhất lời Bác đã dặn: “Các chú phải thận trọng với viên đạn bọc đường”, muốn vậy phải "tránh thiếu ý thức kỉ luật trong ăn, ở, đi lại, mua bán, tránh xa xỉ, ăn diện, bắt chước lối sống không tốt, dễ sinh ra tham ô, hư hỏng”.

Rồi Người nói với chúng tôi rất rành rọt: các Vua Hùng là người có công dựng nước. Như vậy, Vua Hùng chính là ông Tổ của nước Việt Nam. Uống nước phải nhớ nguồn. Con cháu thì phải nhớ đến tổ tiên. Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Đó mới chính là uống nước nhớ nguồn, mới là nhớ tổ tiên vậy.

Những lời Bác dạy đã theo suốt cuộc đời Thiếu tướng Nguyễn Hiền, đã giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người chiến sỹ, người cán bộ trong các cuộc chiến đấu ác liệt, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Năm 62 tuổi Thiếu tướng Nguyễn Hiền được nghỉ hưu, nhưng được nhân dân tín nhiệm, ông được tỉnh Phú Thọ giao nhiệm vụ làm Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh tỉnh và sau đó được các cựu chiến binh trên quê hương đất Tổ bầu chính thức liền ba khóa. Trong 18 năm Thiếu tướng và các đồng chí của mình đã xây dựng Hội Cựu chiến binh Phú Thọ vững mạnh và trong sạch...

Mặc dù đã ở tuổi 83, nhưng với ông, niềm vui lớn nhất vẫn là được kể chuyện cho hàng xóm, bạn bè và các con, các cháu trong gia đình về những trận đánh hào hùng của dân tộc Việt Nam mà ông trực tiếp tham gia.

Q ua câu chuyện của vị tướng già nhắc nhở tuổi trẻ hôm nay hãy phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm để xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh để xứng đáng với sự hy sinh xương máu của ông cha đã ngã xuống cho nền độc lập của Tổ quốc hôm nay.


Vũ Bắc
59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức sống mới Điện Biên
59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức sống mới Điện Biên

Việc xây dựng cuộc sống mới trên nền chiến trường xưa dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết một lòng phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng... đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN