Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 4 dự án luật cho năm 2024

Sáng 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Đưa 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo tổng hợp, rút gọn về đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 4 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Cụ thể: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Theo đó, đối với dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội thông qua năm 2011, có hiệu lực thi hành năm 2021. Bên cạnh kết quả đạt được quá trình triển khai luật bộc lộ một số khó khăn, bất cập yêu cầu phải sửa đổi luật hiện hành. Theo đó, Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8, với 3 nhóm chính sách: Hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; Quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; Hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Luật Hóa chất đã được Quốc hội thông qua năm 2007, có hiệu lực năm 2008 đã thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 15 năm thi hành pháp luật điều chỉnh hoạt động hóa chất đã phát sinh một số bất cập và khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi. Để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển công nghiệp hóa chất nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước đối với sự phát triển của công nghiệp hóa chất, Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được nghiên cứu hoàn thiện, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Theo đó, dự án được xây dựng với 4 nhóm chính sách: Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại; Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm: Nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn hóa chất trên cơ sở.

Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, Luật  Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua năm 2008 và có hiệu lực thi thành năm 2009. Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với 5 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện quy định về cách tính thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng; Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào; Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng. 

Đối với dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 165, với 4 chính sách: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu dao có tính sát thương cao; Cắt giảm, đơn giản hóa giấy tờ hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn trong giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng; Cho phép tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất trang bị, sử dụng; Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu sản xuất kinh doanh sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thay mặt cơ quan thẩm tra về đề nghị bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo đó, Uỷ ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi 4 Luật nêu trên để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 như đề nghị của Chính phủ. 

Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi): Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (lùi một kỳ so với đề nghị của Chính phủ) để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách, đánh giá tác động, bảo đảm chất lượng dự án Luật. 

Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi): đa số ý kiến đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp để sớm ban hành Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Đánh giá tác động, tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Đối với 4 dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã có báo cáo với Ủy ban Pháp luật để phối hợp thẩm tra. Đồng thời bày tỏ thống nhất cao, có nhiều góp ý đối với 4 dự án Luật này, thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Chú thích ảnh
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đánh giá cao hồ sơ và sự chuẩn bị của Chính phủ đối với 4 dự án Luật này.

Liên quan đến một số ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), qua 5 năm thực hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, thực tế trong số 40.000 vụ phạm tội liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ thì có trên 58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ, các tội rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…, trong số các vụ án này, có nhiều công an đang thi hành nhiệm vụ bị thương và hy sinh… Do đó, thực tế đặt ra rất cần thiết sửa đổi dự án Luật này.

Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của Bộ Công an, Chính phủ đã đề xuất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và thông qua vào Kỳ họp thứ 7 như Tờ trình của Chính phủ.
Dựa trên yêu cầu thực tế, mỗi ngày, mỗi năm sẽ có thêm nhiều vụ án sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ như dao… gây ra án mạng cho người dân. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề xuất thông qua dự án Luật này trong một kỳ họp theo hình thức rút gọn.

Phát biểu ý kiến về Luật Phòng, chống mua bán người, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011. Qua hơn 10 năm thi hành, Luật đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực thi luật cũng đã bộc lộ một số tồn tại, khó khăn, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới cũng cần được thể chế hóa. Hiến pháp cùng các luật có liên quan đã được sửa đổi, do đó, Luật này cũng cần được sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 

Hồ sơ đề nghị xây dựng luật được cơ quan chủ trì chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị cần tiếp tục bổ sung ý kiến của Trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam là cơ quan được giao nhiệm vụ tuyên truyền trong công tác phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em, và một số bộ, ngành, địa phương khác có liên quan.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc trình các nội dung phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội lưu ý các Bộ ngành, trong đó Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ cần hạn chế các dự án trình UBTVQH xem xét quyết định bổ sung vào Chương trình. Mặc dù Luật có cho phép UBTVQH xem xét điều chỉnh chương trình nhưng chỉ bất đắc dĩ mới bổ sung, còn Chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm do Quốc hội quyết định. Dù Luật cho phép nhưng nên hạn chế, chỉ trình UBTVQH quyết định bổ sung điều chỉnh Chương trình những gì thực sự cấp bách đột xuất. Do đó, các cơ quan nên đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị các dự án để trình Quốc hội cho ý kiến.

Việc trình các dự án Luật phải tính toán tổng thể như các luật về thuế không phải chỉ có riêng thuế VAT. Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu đã yêu cầu phải rà soát tổng thể với pháp luật về ưu đãi đầu tư, các luật về thuế…nên cần phải chủ động để tính toán tổng thể thuế gồm các luật về các loại thuế và Luật Quản lý thuế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng có gì làm nấy dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất. 

Trong các nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cần quy định rõ trong quá trình nghiên cứu hoàn thiện xây dựng luật đối với trường hợp phát sinh chính sách mới hoặc có sửa đổi bổ sung chính sách đã nêu cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, tuân thủ đúng quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến được nêu tại phiên thảo luậnVề các Tờ trình của Chính phủ đối với 4 dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự án Luật Hóa chất dự kiến sẽ được lùi lại một kỳ, tức là lùi từ Kỳ họp thứ 7 sang Kỳ họp thứ 8 sẽ chuyển thành từ Kỳ họp thứ 8 sang Kỳ họp thứ 9.

Liên quan đến dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, khi Bộ Công an trình và Chính phủ thảo luận, hiện đang để mở câu chuyện sẽ trình tại Kỳ họp thứ 7. Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, xem xét và thông qua tại một kỳ họp. Còn các dự án luật khác cơ bản không có sự thay đổi.

Đối với vấn đề trình, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thanh Long nhấn mạnh, Bộ sẽ xem xét, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, cẩn thận hơn để trình UBTVQH, tiếp tục tiếp thu, tham mưu với các bộ ngành, rút gọn hơn phạm vi các dự án trình.

Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Thu Trang/Báo Tin tức
Cần thiết ban hành pháp lệnh về chi phí tố tụng
Cần thiết ban hành pháp lệnh về chi phí tố tụng

Tiếp tục thực hiện dự kiến chương trình phiên họp thứ 28, chiều 13/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN