Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong khuôn khổ Hội nghị Cao cấp về đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp trả lời phỏng vấn báo chí về các vấn đề chiến lược đầu tư của Việt Nam, chính sách phát triển nguồn nhân lực, phát triển điện, chính sách thu hút đầu tư.

Xin Phó Thủ tướng cho biết, hướng tập trung mới trong đầu tư của Việt Nam vào những năm tới là gì?

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội ưu tiên rất rõ cho đầu tư. Đầu tiên là tập trung đầu tư vào lĩnh vực con người, đầu tư cho đào tạo. Trong những năm vừa qua, Việt Nam thiếu lao động có kỹ năng, lực lượng quản lý nên việc đầu tư vào đào tạo, đào tạo nghề là những ưu tiên hàng đầu. Nếu mục tiêu đầu tiên không thành công thì sẽ rất khó tiến hành các bước tiếp theo. Chúng tôi cũng mong các tổ chức quốc tế cùng hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng, nhiều loại cơ sở hạ tầng hiện đang quá tải. Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu điện dù tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành này luôn gấp hai lần GDP và được đầu tư trên 10% tổng đầu tư toàn xã hội.

Theo dự báo, năm nay Việt Nam sẽ thiếu khoảng 3 tỷ kWh điện, nhưng do điều kiện thủy văn thuận lợi, vừa qua Chính phủ đã điều chỉnh giá điện nên việc sử dụng tiết kiệm hơn. Do vậy, năm nay Việt Nam sẽ chỉ thiếu khoảng hơn 1 tỷ kWh.

Ngoài ra, hệ thống giao thông, cảng biển, sân bay, giao thông đô thị… cũng trong tình trạng quá tải và đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội, giáo dục, y tế cũng là những lĩnh vực cần tập trung được đầu tư khi Chính phủ đặt ra mục tiêu cải thiện đời sống nhân dân. Do vậy, vốn đầu tư không thể chỉ trông chờ vào FDI, ODA… Trong thời gian qua, Việt Nam đã mở ra thêm nhiều hình thức đầu tư mới như: BOT, PPP…, bước đầu đã có hiệu quả tốt.

Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đang thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ không cao, tiêu thụ nhiều lao động nhưng không đem lại nhiều giá trị. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Có ý kiến cho rằng Việt Nam thu hút các nhà đầu tư nước ngoài như Intel, Samsung (tới đây là Nokia)… chỉ là những lĩnh vực lắp ráp thông thường. Song tôi cho rằng đây là sự chuyển dịch sớm và rất đáng khích lệ, vì chỉ khi đầu tư có hiệu quả thì DN mới đầu tư tiếp ở Việt Nam.

Chúng ta đã chứng kiến, khi Intel vào Việt Nam, DN này đã gặp khó khăn rất lớn về thu hút lao động có trình độ. Chúng tôi đã cùng Intel tới các trường đại học, trường dạy nghề để tuyển người, thậm chí ra nước ngoài tìm lao động Việt Nam có tay nghề để về làm việc cho Intel. Rất mừng là đội ngũ này đã đáp ứng được yêu cầu và Intel đã tiếp tục đầu tư giai đoạn 2.

Samsung là trường hợp thứ hai. Khi tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam, điều tôi lo lắng nhất là đội ngũ lao động không đáp ứng được kỹ năng, yêu cầu, năng suất lao động, kỷ luật lao động của nhà đầu tư. Nhưng thực tế cho thấy, công nhân của nhà máy Samsung (hầu hết ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định…) đều đáp ứng được yêu cầu. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Samsung đã xuất khẩu được 1,3 tỷ USD và nhà đầu tư này đã quyết định mở rộng ngay giai đoạn 2.

Qua đó cho thấy, Việt Nam đã chứng minh được là nơi đầu tư có hiệu quả. Khi họ đầu tư có hiệu quả thì nhà đầu tư mới mang công nghệ mới, hiện đại hơn đến. Chúng ta phải đi nhanh là rất cần thiết nhưng không thể sốt ruột, nếu chúng ta chỉ thu hút các ngành công nghệ cao mà không thu hút các lĩnh vực khác thì không thể giải quyết vấn đề lao động được.

Việt Nam đã có đủ chính sách hỗ trợ. Với những dự án lớn đầu tư có hiệu quả, Chính phủ sẽ xem xét cơ chế hỗ trợ khác ngoài cơ chế hỗ trợ hiện hành.

Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong việc cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, nhưng có ý kiến cho rằng, vừa qua dự án thép của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) trị giá 5 tỷ USD lại không thể triển khai được do vướng trong giải phóng mặt bằng. Có đúng như vậy không, thưa ông?

Trong thời gian qua, chúng tôi đã bị “nói rất nhiều” về việc thu hút vốn FDI không hiệu quả, tràn lan. Đối với ngành thép, phải được xem xét cẩn thận hơn vì hiện sản lượng thép xây dựng của Việt Nam là 8 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu thực tế chỉ là 6,7 triệu tấn/năm. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải nhập tới 50% các loại thép hình, các loại thép chế biến khác.

Dự án của Tata không vướng về giải phóng mặt bằng. Nhà đầu tư đã tích cực khâu chuẩn bị dự án, nhưng tiến độ triển khai dự án này do nhà đầu tư gặp các vấn đề khác cần phải giải quyết.

Hữu Vinh thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN