Tuyến y tế càng cao, tỷ lệ sử dụng thuốc nội càng thấp

Sau 4 năm triển khai Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại tuyến tỉnh đã đạt 35,4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này ở các bệnh viện tuyến trung ương mới chỉ đạt khoảng 10%.

Quang cảnh Hội nghị.

Nhiều thầy thuốc vẫn “ngại” dùng thuốc nội


Tại Hội nghị Tổng kết giai đoạn 1 (2012 - 2016) và phát triển giai đoạn 2 Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” do Bộ Y tế tổ chức sáng 12/5, tại Hà Nội, TS Trần Viết Tiệp, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại Bệnh viện là 45,2% (thuộc Top đầu các bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ Y tế - PV).


“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải sử dụng hơn 50% thuốc ngoại do thuốc trong nước không có như gây mê, ung bướu, kháng sinh… Đặc biệt, tâm lý người bệnh, thậm chí một bộ phận thầy thuốc vẫn băn khoăn trong sử dụng thuốc nội”, TS Trần Viết Tiệp chia sẻ.


Theo thống kê của chính ngành y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc nội đạt 45,2% thực ra đã là một con số rất đáng nể. Để có kết quả này, TS Trần Viết Tiệp chia sẻ, Bệnh viện đã rất chú trọng việc đẩy mạnh sử dụng dùng thuốc nội, chỉ kê đơn khi người bệnh thật sự cần, nhất là thuốc kháng sinh.


Đặc biệt, Bệnh viện đã xây dựng nhiều phác đồ điều trị nhằm đảm bảo việc sử dụng thuốc đúng thời điểm, liều lượng, đường dùng. Tổ Dược lâm sàng thường xuyên tham gia hội chẩn cùng các bác sĩ điều trị. Bệnh viện thường xuyên kiểm tra việc kê đơn thuốc của các bác sĩ. Công tác kiểm soát nhiêm khuẩn cũng được xác định là vô cùng quan trọng, nhất là vệ sinh bàn tay để giảm lây chéo trong bệnh viện.


Phản ánh về những khó khăn trong quá trình đẩy mạnh chất lượng các sản phẩm thuốc Việt và đưa thuốc Việt đến tay người tiêu dùng, Ths Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco cho hay, các sản phẩm thuốc đạt giải Ngôi sao thuốc Việt của Công ty hiện bán khá tốt tại các hiệu thuốc nhưng tại các cơ sở y tế thì lại đang sụt giảm.


Lý giải về vấn đề này, Ths Trần Túc Mã khẳng định, nguyên nhân chính do luật đấu thầu của Việt Nam còn nặng về giá, chưa có phân loại đấu thầu xếp hạng cho những sản phẩm nổi trội trên thị trường về chất lượng.


Trong khi các doanh nghiệp nhỏ không chú trọng tạo các sản phẩm vượt trội mà chỉ cạnh tranh về giá thì tại Traphaco, chi phí đầu tư cho chất lượng cao hơn hẳn, từ việc chuẩn hóa nguyên liệu đầu vào, nghiên cứu khoa học, đảm bảo hệ thống quản lý chất lượng toàn diện, đồng bộ… Do đó, dù trong tính điểm kỹ thuật đấu thầu, Bộ Y tế đã có điểm số khuyến khích cho các sản phẩm ngôi sao thuốc Việt, Đạt tiêu chuẩn GACP… nhưng những sản phẩm của doanh nghiệp này vẫn rất khó cạnh tranh về giá trong quá trình đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế.


Xu hướng giảm tỷ lệ thuốc nội ở tuyến Trung ương


Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ từ Trung ương xuống địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Đề án Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam giai đoạn 1 đã thu được những kết quả bước đầu như: Thay đổi dần quan niệm của người dân, cán bộ y tế trong sử dụng thuốc nội.; Tại tuyến tỉnh, trước khi thực hiện Đề án, tỷ lệ sửdụng thuốc trong nước là 33,9% nay đã tăng lên 35,4%; tỷ lệ này tương ứng ở tuyến huyện là 61,5% và 69,4%.


Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Y tế cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại các bệnh viện tuyến trung ương còn khá thấp, tiêu biểu như: Bệnh viện Phụ sản Trung ương (3,14%); Bệnh viện Bạch Mai (3,97%); Bệnh viện Việt Đức (5,87%)… Và đáng nói, tỷ lệ sử dụng thuốc nội chung tại tuyến Trung ương lại đang có xu hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2013, tỷ lệ này là 11,57%; năm 2014 là 11,31% và đến năm 2015 chỉ còn 10,02%.


“Tỷ lệ sử dụng thuốc Việt tại các bệnh viện tuyến Trung ương vẫn chưa như mong đợi do đó là những bệnh viện tuyến cuối, điều trị chuyên khoa đặc trị như ung bướu. Tuy vậy, thời gian tới, vẫn cần có những giải pháp hiệu quả hơn để nâng cao tỷ lệ này nhằm đạt mục tiêu như Đề án đặt ra”, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, thừa nhận.


Để tiếp tục hành trình nâng cao tỷ lệ thuốc nội, tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế đã phát động giai đoạn 2 Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” (2016 - 2020). Mục tiêu cụ thể là tăng tỷ lệ sử dụng thuốc nội tại bệnh viện tuyến Trung ương, đạt mức 30% (tăng 1 - 3%/năm trừ một số bệnh viện chuyên khoa); tại bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố là 50% (tăng 2 - 4%/năm) và bệnh viện tuyến huyện là 75% (tăng 2 - 4%/năm).


Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chú trọng chỉ đạo các cơ sở y tế động viên đội ngũ bác sĩ, nêu cao y đức, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê đơn, sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam, thông qua ký cam kết bằng những chương trình vận động và số liệu cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ giám sát, hỗ trợ các doanh nghiệp dược trong nước nâng cao chất lượng thuốc nội, tăng cường marketinh quảng bá thương hiệu.


“Doanh nghiệp Dược công khai cho người tiêu dùng biết thông tin chính xác vè thuốc mình sản xuất ra, công khai giá thành sản phẩm, đặc biệt là bằng chứng về hiệu quả điều trị là cách tốt nhất để kêu gọi người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam theo châm “hữu xạ tự nhiên hương”, ông Nguyễn Tất Đạt khẳng định.


Bài và ảnh: Phương Liên/Báo Tin Tức
Tạo “cú hích” nâng cao nhận thức, chất lượng thuốc nội
Tạo “cú hích” nâng cao nhận thức, chất lượng thuốc nội

Ông Trương Quốc Cường (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức về các giải pháp nhằm thay đổi nhận thức sử dụng thuốc của các bác sĩ, tiến tới nâng cao tỷ lệ thuốc nội trong các cơ sở y tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN