Tường thuật trực tiếp Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp

(Báo Tin Tức liên tục cập nhật thông tin về lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp...)


* Gần 2 giờ sáng 13/10: Trước cửa trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, nhiều người vẫn tiếp tục đứng xem triển lãm ảnh về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.



Ảnh: VH

* 1 giờ 30 sáng 13/10, nhiều người vẫn kiên nhẫn xếp hàng trước cửa Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, với hy vọng được vào viếng Đại tướng. Tuy nhiên, Ban Tổ chức đã quyết định đóng cửa để làm công tác chuẩn bị cho ngày Tang lễ thứ hai:


Bạn cài Flash Player để xem được Clip này.


23h 56: Phóng viên Tin Tức điện về từ Quảng Bình: Tại khu vực nhà lưu niệm Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, đến giờ này vẫn còn đông người đến thắp hương viếng Đại tướng. ​


Tại TP. Đồng Hới, nhiều xe từ các tỉnh đang tiếp tục hướng về trung tâm thành phố để chờ đợi lễ truy điệu, tiễn đưa Đại tướng về với Đất Mẹ. Dù đêm muộn nhưng vẫn còn nhiều người lái xe đi tìm thuê phòng trọ. Các khách sạn ở Đồng Hới gần như đã kín phòng.


Ảnh: Lê Sơn



* Hình ảnh người dân xếp hàng chờ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội do phóng viên và cộng tác viên của báo Tin Tức vừa gửi về. 








23h02: Phóng viên Tuấn Anh có mặt tại trước số nhà 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội) cho biết: Đã về khuya, nhưng nhân dân Thủ đô vẫn chưa muốn rời khu vực phía trước nhà riêng Đại tướng. Họ tâm nguyện chỉ còn ít thời gian nữa thôi là vị Đại tướng kính yêu của dân tộc sẽ mãi mãi rời xa chúng ta.

Đã ngoài 23 giờ đêm nhưng nhiều người vẫn lưu luyến trước cửa nhà số 30 Hoàng Diệu. Ảnh Tuấn Anh



Với lòng tôn kính vô hạn dành cho Đại tướng, ông Nguyễn Thành Ngọc, 58 tuổi, trú tại phố Ngọc Hà (Hà Nội) rưng rưng xúc động cho hay: "Sự ra đi của Đại tướng là tổn thất to lớn của toàn Dân tộc, qua lễ viếng Đại tướng chúng ta càng đoàn kết hơn và tri ân những người có công với nước. Ngày mai tôi sẽ cùng cả gia đình tiễn đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình".


22h56: Tại quê nhà Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy Quảng Bình, hàng vạn người dân từ khắp mọi miền cúa đất nước đã đến dâng hương kính viếng Đại tướng. Bát hương nghi ngút khói, người dân Lệ Thủy đẫm lệ thương tiếc Người. Tiểu Ban tổ chức tang lễ tại Nhà lưu niệm Đại tướng cho biết: Từ ngày hay tin Đại tướng từ trần đến nay đã có trên 2.000 đoàn với trên 25.000 người đến viếng. Riêng trong ngày 12/10, tính đến 18h có hơn 500 đoàn với khoảng 15 ngàn người đến viếng và thắp hương tiễn đưa Đại tướng.


* Qua đường dây nóng đến báo Tin Tức, ông Lang Văn Hòe, một đảng viên, cựu chiến binh dân tộc Thái ở bản Định 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An bày tỏ: Do điều kiện xa xôi, ông và đồng bào trong bản không thể về Thủ đô viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng với lòng thành kính và tiếc thương vô hạn, ông và người dân bản Định 2 xin gửi lời chia buồn sâu sắc như một nén hương để tri ân Đại tướng. Cựu chiến binh Lang Văn Hòe xin hứa sẽ sống và cống hiến xứng đáng với danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ.


22h03: Theo P/v Tin Tức tại TP.HCM, dòng người vào viếng Đại tướng vẫn còn khá đông. Mặc dù đã về khuya nhưng dòng người vẫn lặng lẽ, tiếp nối nhau trật tự vào viếng Bác. Để phục vụ nhu cầu của nhân dân, lực lượng TNXP cùng lực lượng công an luôn túc trực, đảm bảo an ninh trật tự.


Lực lượng TNXP TP.HCM sẵn sàng trực 24/24h phục vụ nhân dân vào viếng Đại tướng. Ảnh: Đức - Tuyết



Anh Nguyễn Thanh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dich vụ công ích TNXP TP.HCM cho biết, được phục vụ quốc tang Đại tướng là vinh dự của toàn thể anh em TNXP. Chúng tôi đã tập hợp quân số hơn 300 nhân viên tham gia túc trực phân luồng giao thông, phục vụ vòng hoa tang, nước uống, nơi nghỉ ngơi cho người dân… và bố trí hướng dẫn đồng bào xếp hàng vào viếng Đại tướng.


* Theo thông tin từ Ban Tổ chức lễ Quốc tang, tính đến 14h30 ngày 12/10, tại Nhà Tang lễ quốc gia đã có trên 200 đoàn chính thức đăng ký vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từ 14h30 do số lượng người đăng ký vào viếng Đại tướng rất đông, Ban Tổ chức lễ Quốc tang quyết định tổ chức cho đồng bào và chiến sỹ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo hướng dẫn của Ban Tổ chức. Ứớc tính, cứ mỗi phút có khoảng 40 người vào viếng Đại tướng. Đến 21h ngày 12/10, đã có khoảng hơn 20.000 lượt người vào dâng hưởng, tưởng niệm Đại tướng.

Tại Quảng Bình cho biết: Đến hơn 20 giờ, đã có hơn 450 Đoàn với trên 10.000 lượt người vào dâng hương, viếng Đại tướng.

Đến 21 giờ ngày 12/10, tại Hội trường Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh, đã có hơn 770 đoàn với gần 80.000 lượt người đến viếng, trong đó có 94 đoàn Trung ương, 44 tỉnh, thành, gần 600 đoàn của cơ quan, đoàn thể thuộc thành phố Hồ Chí Minh và 27 đoàn thuộc các cơ quan, tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố.


21h10: P/v Tin Tức tại Quảng Bình cho biết, mặc dù trời đã tối nhưng đoàn người vẫn đứng nối hàng dài trước trụ sở UBND tỉnh, kiên nhẫn chờ đợi để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Dòng người xếp hàng dài trước UBND tỉnh Quảng Bình, chờ vào dâng hương cho Đại tướng. Ảnh: Lê Sơn


Cụ bà Công Tôn Nữ Trí Huệ đã bước qua tuổi 92 nhưng nước mắt cụ lăn đều trên đôi gò má. Cụ đã vượt hơn 200km từ thành phố Huế để ra Quảng Bình viếng Đại tướng. Cầm trên tay bức ảnh của Đại tướng, cụ rưng rưng nghẹn ngào: Bước chân của tôi không còn khỏe như ngày xưa nhưng khi nghe tin Đại tướng từ trần tôi đã nói với các con, các cháu đưa bà ra Quảng Bình để bà viếng Đại tướng và thắp nén hương tiễn đưa Đại tướng.


20h05: Theo phóng viên báo Tin Tức tại TP.HCM, dự kiến lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Dinh Thống Nhất sẽ đóng cửa vào lúc 21h ngày 12/10, tuy nhiên, do lượng người dân khắp nơi đổ về viếng Đại tướng vẫn còn quá đông nên BTC Lễ tang quyết định lùi thời gian đóng cửa đến hết 22h. BTC cũng thông báo, nếu đến 22h mà dòng người đến viếng vẫn còn đông, BTC sẽ tiếp tục kéo dài thời gian mở cửa để thỏa ước nguyện của người dân với Đại tướng.


Trước khuôn viên Dinh Thống Nhất vẫn còn hàng ngàn người dân xếp hàng chờ tới lượt đến viếng Đại tướng. Anh Tạ Quang Nam, một quân nhân hải quân đang làm việc tại TP.HCM cho biết: “Mặc dù mới bị gãy chân nhưng với tình cảm của một người lính đối với vị cố Tổng tư lệnh, tôi vẫn muốn tới để tỏ lòng ngưỡng mộ và tiếc thương vô hạn”.


Tính đến thời điểm này đã có khoảng hơn 73.000 người tới thắp nén nhang tiễn biệt vị Đại tướng của nhân dân. 


Tại Hà Nội: Trước cửa nhà số 30 Hoàng Diệu, đoàn người đổ về viếng Đại tướng ngày càng đông, người xe ken dầy cả hai bên đường. Người già có, người trẻ có, nhiều bậc cha mẹ đã đưa con cái đến đây để viếng vọng Đại tướng, cũng là để giáo dục cho con mình tình yêu nước và sự trân trọng quá khứ dân tộc. 


Những người đến viếng ôm từng song sắt của chiếc cổng và hàng rào nhà Đại tướng. Những bó hoa, những thẻ hương được chuyển nhờ các chiến sĩ cận vệ chuyển vào trong để viếng Đại tướng. Có những người chắp tay đứng lặng hàng chục phút.


Người dân vẫn tập trung đông đảo trước ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Ảnh: Trọng Thủy


Phí Thị Thu Hằng, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cả ngày hôm nay đã phục vụ lễ tang Đại tướng ở khu vực đường Nguyễn Cao. Hằng tâm sự, em đã có cơ hội vào viếng Đại tướng cùng các bạn sinh viên tình nguyện, nhưng tất cả đã nhất trí không vào viếng để nhường chỗ cho những hàng người xếp dài ngoài kia. Hằng cho biết, tối nay em đã đi bộ dọc đường từ Lăng Bác, Điện Biên Phủ, sang phố Hoàng Diệu, tới nhà số 30 để viếng Đại tướng.


19h 21 phút: Được biết thông tin lễ viếng Đại tướng sẽ kéo dài qua đêm 12/10, đông đảo người dân vẫn tiếp tục hướng về Nhà Tang lễ quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Hương, phố Nguyễn Cao, Hà Nội cho biết, bà đã xếp hàng chờ vào viếng từ lúc 17h nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được vào viếng Đại tướng, nhưng không vì thế mà bà nản lòng. Nhiều người không có điều kiện đến viếng Đại tướng tại Nhà Tang lễ đã chăm chú theo dõi bản tin thời sự của Đài truyền hình Việt Nam về lễ viếng.


Nhiều gia đình người dân chăm chú theo dõi chương trình thời sự đặc biệt về lễ viếng Đại tướng qua tivi. Ảnh: Xuân Cường


Gia đình anh Lê Duy Phương (54 tuổi), khu tập thể K7 Thành Công, Đống Đa, Hà Nội: "Không thể đi viếng Đại tướng, nhưng gia đình vẫn luôn theo dõi thông tin về tang lễ qua truyền hình và internet. Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn của dân tộc. Xin được bày tỏ lòng tiếc thương và kính trọng đối với vị Đại tướng của nhân dân".

Bữa cơm chiều nhà anh Phương dừng lại khi truyền hình phát tin về lễ viếng Đại tướng. Ảnh: Trung Sơn


18h 55 phút:
Dù trời đã tối nhưng rất đông người dân vẫn tập trung trước số nhà 30 Hoàng Diệu tìm hiểu thông tin thời điểm đoàn rước linh cữu về nhà riêng Đại tướng vào ngày mai 13/10 để bố trí thời gian đến tiễn đưa. Bác Nguyễn Thùy, một cựu thanh niên xung phong cho biết, không xếp hàng vào viếng Đại tướng được nên nhất định ngày mai sẽ đứng bên đường có đoàn lĩnh cữu đi qua để từ biệt Đại tướng.


Đông đảo người dân vẫn có mặt trước tư gia Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Xuân Cường



18h 10 phút: Theo phóng viên báo Tin Tức tại TP.HCM: Sau khi kết thúc giờ tan học, các bạn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố tiếp tục có mặt tại Hội trường Thống Nhất để đến viếng Đại tướng Võ Nguyên  Giáp. Em Nguyễn Hà Vân, học sinh trường Lê Quý Đôn chia sẻ: “Sau khi kết thúc giờ học, chúng em mới có cơ hội được vào viếng Bác. Chúng em đều tâm niệm mình được sinh ra trong thời bình, hưởng tự do, hạnh phúc là do công lao to lớn của Bác Hồ và bác Giáp”.


Đoàn học sinh trường Lê Quý Đôn đến viếng Đại tướng. Ảnh: Hoàng Tuyết


Đến thời điểm này có 662 đoàn với hơn gần 73 ngàn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP.HCM.


* 17 giờ 25 phút: Phóng viên Tin Tức từ Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, cho biết: Người dân tiếp tục xếp hàng vào viếng Đại tướng rất đông. Trên các tuyến phố, nước uống và bánh mì vẫn được đặt tại các điểm để phục vụ miễn phí dòng người vào viếng Đại tướng, dự kiến sẽ kéo dài trong suốt đêm nay.


Phân phát bánh mì miễn phí cho người đến viếng Đại tướng. Ảnh Lộc Phương Lan.


* 16 giờ 40 phút: Bức tranh phác họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng chì do một nhóm cựu sinh viên kiến trúc và xây dựng vẽ tối qua (11/10) tại trước cửa nhà riêng Đại tướng. Nhóm cựu sinh viên dự định sẽ mang theo bức họa vào viếng Đại tướng tại Nhà Tang lễ quốc gia, song được khuyến cáo là không nên mang vào vì lý do an ninh.

Bức tranh thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, trong đó có cả người nước ngoài. Ảnh: Xuân Cường


* Bức tâm thư: Trong đoàn người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại ngã năm đường Trần Hưng Đạo – Lê Thánh Tông – Tăng Bạt Hổ, có một người mặc quân phục, ôm một bức tâm thư bằng tiếng Hán đứng xếp hàng. Ông là Đinh Hữu Phương, từng công tác trong đoàn văn công Quân khu 3. Ông Phương cho biết, mấy hôm trước ông đã sang viếng Đại tướng ở nhà số 30 Hoàng Diệu, hôm nay ông đi từ 5 giờ sáng, sang đây để được đứng trong đoàn người viếng Đại tướng. Bức tâm thư ông ôm theo bên người là của nghệ sỹ nhân dân Tào Mạt gửi tặng tướng Giáp.

 

Ông Phương và bức tâm thư.

Nội dung được ông Phương dịch như sau:

Võ lược Văn tài loạn thế sinh (ý nói bác Giáp là một con người tài văn, giỏi võ, sinh ở thời loạn lạc).

Khai nguyên định Giáp quán Trung Tinh (ý nói Đại tướng là người đã mở đầu cho một kỷ nguyên mới ở dưới quán Trung Tinh, cây đa Tân Trào).

Vi sư vi tướng vi nhân giả (Đại tướng là người thầy, vị tướng nhưng lại là con người sống bình dị, sống gần gũi với tất cả mọi người, không hách dịch).

Phát bệnh tâm thư lạc thái bình (khi viết bức tâm thư này gửi tặng Đại tướng, NSND Tào Mạt đang sống những ngày tháng cuối đời, bởi ông đã bị ung thư giai đoạn cuối. Ông viết bức thư này gửi vào cõi thái bình tặng Tướng Giáp).

 

* Tại tư gia Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội: Người dân vẫn đến nhà riêng của Đại tướng bái vọng vào trọng và nhờ cảnh vệ xếp hoa trong khuôn viên. Ông Hà Văn Lũng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Đội Cấn cho biết: "Hình ảnh Đại tướng đã ghi đậm trong tâm trí người dân Việt Nam. Ông là vị tướng mà nhân dân kính trọng với sự trung thành với Đảng, đức độ và luôn trọng chữ Nhẫn. Sáng mai tôi và nhân dân sẽ ra đường Hoàng Diệu để tiễn Đại tướng về với quê hương Quảng Bình".

 

 * Đảng ủy, Ủy ban nhân dân phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao phường.
Theo Ban tổ chức, đã có hàng ngàn lượt người dân trong phường đến viếng. Cụ Nguyễn Văn Sáu (82 tuổi) chia sẻ: “Đời đời nhớ ơn anh Văn và vô cùng thương tiếc anh. Em, người chiến sỹ Điện Biên Phủ năm xưa, cảm ơn dân tộc ta đã sinh ra anh – ‘Người Anh Cả’ của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng của nhân dân”. Ông Phạm Ngọc Trạc (69 tuổi), nói: “Tôi là thanh niên xung phong tháng 5/1959. Tôi và gia đình rất buồn khi người chiến sỹ cách mạng kiên trung của đất nước đã ra đi”.
Bà Lê Thanh An (63 tuổi), hội viên Hội người mù quận Cầu Giấy: “Buổi sáng, tôi không thể đến viếng do không thể nhờ được ai dẫn đi. Chiều nay mới có người hàng xóm đưa tôi đi viếng Đại tướng. Tự đáy lòng, tôi cảm ơn Đại tướng đã dìu dắt thế hệ thanh niên, cũng như toàn dân tộc Việt Nam đi đến ngày hôm nay. Mong người yên nghỉ nơi chín suối”.


Ông Phạm Ngọc Trạc kính cẩn trước bàn thờ Đại tướng. Ảnh Trung Sơn


* 15 giờ 49 phút: Theo thông tin chúng tôi vừa nhận được, do lượng người về viếng quá đông, nên Ban Tổ chức tang lễ quyết định kéo dài thời gian viếng Đại tướng tại Nhà tang lễ quốc gia đến hết đêm nay. Mọi người phải xếp hàng theo hình dích dắc tràn sang các tuyến phố bên cạnh như Phạm Đình Hổ, Hàng Chuối..., đồng thời phải chia thành từng nhóm nhỏ 40 người/nhóm lần lượt vào viếng.


* Phóng viên Hoàng Tuyết: Lưu bút trong sổ tang viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Dinh Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh), ông Phan Như Hùng, cán bộ Cục 2, Bộ Tổng Tham mưu, viết: “Tôi vinh dự được đi cùng Bộ Tổng tư lệnh chỉ huy các chiến dịch từ Biên giới 1950 cho đến Điện Biên Phủ 1954 nên có nhiều kỷ niệm không thể nào quên về người Anh Cả kính mến.


Ông Phan Như Hùng viết sổ tang.


* 15 giờ 35 phút: Trên các tuyến đường Lò Đúc, Tăng Bạt Hổ, Hàng Chuối, Hàn Thuyên... nhân dân vẫn đang xếp hàng dài với tấm lòng thành kính vào viếng Đại tướng.


* 15 giờ 30 phút: Phóng viên Quỳnh Như có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia cho biết: Do thời gian không cho phép và hiện nay các đoàn viếng quá đông nên Ban tổ chức không đọc tên đoàn viếng; các đoàn không đi qua linh cữu mà chỉ thắp hương trước hương án Đại tướng.


* 15 giờ 00: Mấy hôm nay sức khoẻ trong người không được tốt nhưng tôi vẫn quyết tâm đến đây viếng Đại tướng. Thứ nhất là vì lòng thương tiếc, thứ hai vì lòng kính trọng của mình đối với Đại tướng. Tôi cũng đã đến nhà riêng của ông ở Hoàng Diệu để viếng 2 lần. Công lao của Đại tướng là vô bờ bến và không thể kể hết. Đại tướng mất đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn và khiến toàn thể nhân dân đau buồn & càng thấy tôn trọng nhân cách của ông. May mắn là sáng nay tôi đã được ưu tiên vào viếng ông, như vậy là quá mãn nguyện rồi. Viếng Đại tướng xong tôi không về luôn mà ở đây xem lễ viếng Đại tướng qua màn hình. Những hình ảnh này thật sự giá trị hơn giấc ngủ hay sự nghỉ ngơi hôm nay" - bác Lê Nhung, 70 tuổi (Đống Đa - HN) chia sẻ.


Bác Lê Nhung. Ảnh Quỳnh Như


* 14 giờ 30 phút: Dòng người vẫn xếp hàng dài dằng dặc chờ vào viếng Đại tướng ở Nhà tang lễ Quốc gia.


Ảnh chụp trên đường Hàn Thuyên (Hà Nội) lúc 14h 30 phút. Ảnh Lộc Phương Lan.


* Từ Liêm (Hà Nội): Trong không khí trang nghiêm và ấm cúng, tại Ban chỉ huy quân sự huyện Từ Liêm (Hà Nội), Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, chiến sỹ các lực lượng vũ trang huyện đã tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách thành kính và xúc động. Trong số đại diện của khoảng 300 đoàn đến viếng Đại tướng tại huyện Từ Liêm, có những bậc lão thành cách mạng năm nay đã ngoài 80 tuổi và cũng có những bạn trẻ đang là sinh viên các trường Đại học trên địa bàn.


Nhân dân huyện Từ Liêm lòng thành kính viếng Đại tướng. Ảnh Trung Sơn.


Cụ bà Nguyễn Thị Điểm, 83 tuổi (thôn Phùng Khoang, xã Trung Văn), cựu TNXP và là nhân chứng lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ, chia sẻ: “Cách đây 2 ngày, bà đã tới viếng Đại tướng tại nhà riêng. Hôm nay, huyện tổ chức lễ viếng, vì lòng kính trọng và tiếc thương đối với Đại tướng, nên bà lại ra đây. Sự ra đi của Đại tướng là một mất mát lớn của dân tộc, không thể nào bù đắp nổi”.

* 14.00 giờ: Từ TP. Hồ Chí Minh, phóng viên Hoàng Tuyết cho biết: Mặc dù trời rất nắng nóng và oi bức, nhưng dòng người vẫn tiếp tục đổ về hội trường Dinh Thống Nhất chờ vào lễ viếng Đại tướng. Trong dòng người ấy, chúng tôi gặp đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Long An. "Trong niềm tiếc thương vô hạn, chúng tôi nguyện phấn đấu suốt đời nêu cao tinh thần xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, nguyện phấn đấu suốt đời theo gương của Đại tướng", ông Phương nói.

Đông đảo cán bộ, chiến và nhân dân TP. Hồ Chí Minh viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN


* 13 giờ 30 phút: Các đoàn đại biểu của các bộ, ngành trung ương bắt đầu vào viếng Đại tướng. Trong khi đó, dòng người vẫn xếp hàng dài từ đầu phố Tăng Bạt Hổ đến cổng Nhà tang lễ quốc gia chờ vào viếng.

Anh hùng Lao động, Giáo sư Vũ Khiêu chia buồn với tang quyến Đại tướng. Ảnh: TTXVN


* Tại phố Hàng Chuối, Hà Nội, gần khu vực đang diễn ra Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bà Nguyễn Thị Hoàn, 50 tuổi - địa chỉ số nhà 136 Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, Quận Long Biên- Hà Nội với đôi mắt đẫm lệ, hai tay ôm bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khung ảnh được bọc lớp kính với viền gỗ nâu trang trọng, đặc biệt hơn cả là có bút son màu đỏ tựa như màu máu với 8 chữ: “Bảo vệ Việt Bắc, Tháng hè Quyết liệt”.


Bà Hoàn và bức ảnh của Đại tướng. Ảnh Minh Phương


Chia sẻ với phóng viên Tin Tức về nguồn gốc bức ảnh, trong nước mắt, bà Hoàn nói: “Cha bà là Cụ Nguyễn Gia Tham từng hoạt động kháng chiến dưới thời chỉ huy của Tướng Giáp từ những năm 50. Bức ảnh với 2 hàng chữ này là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Người đã tặng cho cha tôi với thông điệp: Phải quyết liệt để bảo vệ Việt Bắc”.


Theo bà Hoàn, gia đình bà đã giữ kỷ vật vô giá này được 59 năm. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gia đình bà Hoàn đã có 2 người hy sinh là bác ruột: Cụ Nguyễn Gia Thiêm và chú ruột là Cụ Nguyễn Gia Chức. “Chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình tôi đã có quá nhiều kỷ niệm, đóng góp phần xương máu, sự hy sinh lớn lao. Vì vậy, mỗi lần nhìn lại bức ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng gia đình tôi, tôi lại nhớ và như nhìn thấy hình ảnh của bác ruột và chú ruột của mình đang ở đây”.

* 11 giờ 50 phút: Tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, dòng người vào viếng Đại tướng mỗi lúc một đông. Nhiều người dân xúc động bật khóc khi đứng trước hương án Đại tướng.

Người dân xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Trọng Thủy.


* 11 giờ 15 phút: Tại Quảng Bình, khoảng 500 sinh viên, học sinh và đoàn viên thanh niên tỉnh trên tay là những di ảnh của Đại tướng xếp hàng ngăn nắp tiến vào viếng khu vực làm lễ. Riêng các em học sinh nhỏ tuổi đeo dải băng trên ngực với dòng chữ "Vô cùng thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp". Ở khu vực Nhà tưởng niệm Đại tướng hiện có rất đông đồng bào xếp hàng vào viếng.

Sinh viên Quảng Bình cầm di ảnh Đại tướng. Ảnh Lê Sơn.


* 11 giờ 3 phút: Trong dòng người đứng xem lễ tang Đại tướng qua màn hình trực tiếp tại đường Lê Thánh Tông (Hà Nội), có 2 cụ già gần 60 tuổi lặng lẽ đứng xem chăm chú. Đó là vợ chồng ông Lê Văn Bạo đến từ Bình Phước. Cả 2 ông bà đều từng tham gia kháng chiến, ông tham gia chiến trường Đông Nam Bộ, bà từng là du kích chống Mỹ.


Ông Bạo cho biết, 2 giờ chiều qua (11/10) 2 vợ chồng ông bắt xe xuống TP. Hồ Chí Minh và đi máy bay ra Hà Nội lúc 10 giờ đêm rồi ở nhờ nhà người em ở Mỹ Đình. Rời nhà từ 7 giờ sáng nhưng không biết đường, nên ông bà đi xe buýt và đi bộ lòng vòng đến 10 giờ thì có mặt tại đây. 


Ông Lê Văn Bạo.


“Cả 2 vợ chồng tôi từng tham gia chiến đấu, với chúng tôi Đại tướng là một thủ lĩnh, một người anh cả. Biết tin Đại tướng qua đời, tâm nguyện của chúng tôi là được đến dâng lên Đại tướng nén hương tỏ lòng thành kính và thương tiếc. Chúng tôi sẽ đợi, hi vọng đến chiều sẽ được vào viếng Người, được vậy coi như tâm nguyện của 2 vợ chồng tôi đã hoàn thành”. Nói rồi hai vợ chồng ông bà Bạo lại chăm chú lên màn hình theo dõi, chốc chốc ông lại cúi xuống xoa xoa bàn chân vẫn còn nguyên mảnh đạn cối vì mỏi.


* 10 giờ 50 phút: Ban Tổ chức lễ tang tại Nhà tang lễ Quốc gia bắt đầu mở cửa để nhân dân vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hàng trăm người dân lần lượt vào viếng Đại tướng, trên khuôn mặt không giấu được những giọt nước mắt tiếc thương.


Một thanh niên tình nguyện xúc động nghẹn ngào sau khi vào viếng Đại tướng. Ảnh: Nam Hoàng


Đông đảo nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc chờ bên ngoài Nhà Tang lễ để vào viếng. Ảnh Viết Tôn.


* Thành phố Điện Biên Phủ: 10 giờ 30 phút, tại Nhà Lưu niệm Bác Hồ trên Đồi E2, nhân dân và đồng bào các dân tộc địa bàn vẫn đang tiếp tục hành hương về viếng Đại tướng. Từ sáng sớm đã có hàng trăm lượt đồng bào vào thắp hương viếng Đại tướng.

Tại cứ điểm Mường Phăng, bà con các dân tộc trên địa bàn sau khi thắp hương viếng Đại tướng đã đi tham quan cứ điểm Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng và xem những hình ảnh tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ghi sổ tang tại Sở chỉ huy chiến dịch.

Nhân dân xếp hàng chờ vào viếng Đại tướng. Ảnh Xuân Tiến.


* Em Nghiêm Doãn - Sv năm thứ 3 - Đại học Kiến trúc HN

“Hôm nay có rất nhiều các bạn trường em đến đây. Em cảm thấy rất đau buồn trước sự ra đi của Đại tướng, một con người vĩ đại mà bây giờ vĩnh viễn không còn tồn tại nữa. Mấy hôm vừa rồi em không có điều kiện đến viếng Đại tướng tại nhà riêng ở 30, Hoàng Diệu nhưng ngày hôm nay em sẽ ở đây. Ngày mai nếu trong trường hợp nhân dân được đi thì em sẽ đi theo sau đoàn đưa tiễn Bác ra sân bay”.


“Tuy sinh ra ở thời điểm rất lâu sau chiến tranh nhưng thông qua những bài học lịch sử hay những dịp lễ trọng đại của đất nước em đều lên mạng đọc những bài báo, tư liệu viết về Đại tướng và trận đánh lịch sử Điện Biên Phủ. Vì thế, em phần nào hiểu được công lao to lớn và nhân cách vĩ đại của Đại tướng”.


Nghiêm Doãn gục đầu vào vai bạn giấu đi những giọt nước mắt, sau khi xem lễ tang Đại tướng qua màn hình bên ngoài Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Ảnh: Quỳnh Như


* 10 giờ 10 phút: Tại Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Campuchia vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


* Từ Thái Nguyên,
phóng viên Hoàng Thảo Nguyên cho biết: Cùng với nhân dân cả nước tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sáng 12/10, tại thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên), Ban quản lý Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa - Thái Nguyên phối hợp cùng Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đã khai mạc triển lãm ảnh "Những hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên - Việt Bắc".

Triển lãm "Những hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Thái Nguyên - Việt Bắc". Ảnh: Hoàng Thảo Nguyên.


Trước giờ khai mạc triển lãm, các đại biểu cùng đông đảo nhân dân trên địa bàn thành phố Thái Nguyên đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong thời gian diễn ra triển lãm (từ ngày 12 đến 15/10), Ban tổ chức bố trí bàn thờ Đại tướng để nhân dân địa phương có thể đến thắp hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

* Từ Điện Biên, theo phóng viên Xuân Tiến, tính đến 9 giờ 55 phút, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Mường Phăng (Điện Biên) đã có 80 đoàn đại biểu bao gồm cán bộ công nhân viên, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, cựu chiến binh... đến từ các tỉnh trong khu vực đến viếng Đại tướng.

* Chi hội cựu chiến binh tổ 11, phường Nghĩa Đô đã quy tụ tại nhà ông Trần Quang Chương làm lễ tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp và theo dõi đài phát thanh trực tiếp lễ viếng đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tập trung tại nhà cựu chiến binh Trần Quang Chương lúc hơn 7 giờ sáng, các thành viên cựu chiến binh tổ 11 bật đài lên nghe tường thuật trực tiếp. Lúc 7 giờ 30 phút, khi đài phát thanh thông báo lễ viếng đại tướng bắt đầu, các thành viên đã dành 1 phút mặc niệm và thắp nén nhang, kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh đại tướng.


Các cựu chiến binh Tổ 11, phường Nghĩa Đô cùng ôn lại kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh Xuân Cường.


Ông Trần Quang Chương, cựu chiến binh, bí thư chi bộ tổ 11, phường Nghĩa Đô cho biết: Khi nghe tin đại tướng mất, tôi rất xúc động cảm giác như người cha mình vừa qua đời”, ngày 6/10, khi hay tin gia đình cho vào viếng, tôi đã xếp hàng từ trưa để được viếng đại tướng tại nhà riêng 30 Hoàng Diệu, sau đó lấy ảnh đại tướng lập bàn thờ gia đình. (Phóng viên Xuân Cường gửi về).


* 9 giờ 50 phút: Tại tỉnh Điện Biên, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đang đổ về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh để dự lễ viếng Đại tướng.

* 9 giờ 45 phút: Tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông: Đoàn đại biểu chính phủ nước Cộng hòa Alger vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước đó là đoàn đại biểu CH Mozambique vào viếng Đại tướng.

* 8 giờ 45 phút: Tại vườn hoa Pasteur, Hà Nội: Rất đông đồng bào Thủ đô, trong đó có nhiều người dân đến từ các tỉnh phía Bắc, đang tập trung để bày tỏ lòng thành kính với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số nhà sư tụng kinh cầu siêu cho Đại tướng.

* Tại TP. Hồ Chí Minh: Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể tại Hội trường Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh).

Đồng chí Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Lễ viếng. Ảnh: TTXVN

Cùng cả nước kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi về cõi vĩnh hằng, bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày 12/10, tại thành phố Hồ Chí Minh , lễ viếng theo nghi thức Quốc tang đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cùng với Thủ đô Hà Nội và quê hương Quảng Bình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thành phố Hồ Chí Minh là một trong những điểm viếng chính trong Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân thành phố và các tỉnh, thành phố phía Nam đã hướng về Hội trường Thống nhất, vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dòng người di chuyển trong tĩnh lặng, thành kính tiễn đưa vị anh hùng dân tộc đã mãi mãi ra đi.

Bắt đầu buổi lễ, Đoàn đại biểu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh do đồng chí Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu vào viếng. Tiếp đó, các đoàn của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, các đoàn của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; đoàn đại biểu Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Bộ Tư lệnh Hải quân; đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam; Bộ Tư lệnh thành phố, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Hội Cựu chiến binh và thanh, thiếu nhi thành phố đã vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

* Đúng 7 giờ 30 phút, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể trong nền nhạc trầm buồn “Hồn tử sĩ”.

Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Ảnh : TTXVN


Mở đầu lễ viếng, Đoàn Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu; Đoàn Chủ tịch nước do đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước dẫn đầu; Đoàn Quốc hội do đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu; Đoàn Chính phủ do đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu; Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do đồng chí Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn đầu; Đoàn Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã đặt vòng hoa viếng và nghiêng mình, xúc động tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.


Tới viếng và chia buồn cùng gia quyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm cùng các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.


Vòng hoa viếng của các đoàn mang dòng chữ vàng nổi bật trên nền băng đỏ: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Sau phút mặc niệm, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, Quân ủy Trung ương, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu, vĩnh biệt đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chiến sỹ Cộng sản kiên trung, mẫu mực đã có nhiều công lao to lớn, cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; ân cần thăm hỏi, chia buồn cùng gia quyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ghi lời chia buồn sâu sắc vào Sổ tang.


* 7 giờ sáng: Ngoài đường Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt nhân dân cả nước về viếng Đại tướng đứng kín hai bên đường.


* Từ 5 giờ sáng, những ánh mắt thân thương đẫm lệ đã hướng về Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Trời thu Hà Nội bao trùm một nỗi buồn, ai ai cũng cùng tâm trạng tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

 

Từ sáng sớm, rất đông đồng bào đã chờ bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia. Ảnh Viết Tôn.


Nước mắt tuôn rơi, Đại tá Nguyễn Trần Thiết đến từ Điện Biên cho biết: Ông đã về Hà Nội từ hôm 10/10 và chỉ chờ ngày hôm nay được vào viếng Đại tướng. Cầm trên tay tập bài viết về Đại tướng, ông nghẹn lòng khi nhắc tới “Anh Văn”.


Không ngồi chờ xem tivi truyền hình trực tiếp, bà Trần Thị Minh phố Đội Cấn đã lên khu vực ngã 5 Trần Thánh Tông-Trần Hương Đạo để xem qua màn hình lớn lễ viếng Đại tướng.

 

Đôi mắt đỏ hoe còn ướt lệ, cháu Hoàng Thái Tuấn 12 tuổi nhà ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đi viếng Đại tướng cùng bố mẹ. Cháu Tuấn cho hay: Hôm nay con được nghỉ học, tối qua bố đã chuẩn bị cho con bộ quần áo đồng phục hàng ngày con vẫn đến trường và cài cho con chiếc băng tang trên tay. Sáng nay bố đưa con về đây từ sớm để viếng Cụ Giáp. Con chưa được gặp Cụ Giáp ngày nào nhưng qua ông nội kể, Cụ Giáp là bậc hiền tài. Con nguyện noi gương học tập theo lời di huấn của cụ”.

 

Dọc tuyến đường Lê Thánh Tông, chúng tôi còn bắt gặp bao ánh mắt đượm buồn, ai cũng nhớ thương Đại tướng, xa xa trên màn hình lớn khu ngã 5 Trần Hưng Đạo vẫn ngân vang bài “Hồn tử sĩ’ càng làm cho không khí lễ viếng Đại tướng đượm buồn, triệu trái tim thương nhớ người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.


Một số hình ảnh bên ngoài nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông sáng sớm ngày 12/10:

 


 

Nhóm P/v báo Tin Tức

Cử hành Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Cử hành Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Sáng 12/10/2013, tại Nhà Tang lễ quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương đã tổ chức trọng thể Lễ viếng theo nghi thức Quốc tang đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN