Tượng đài trên núi Sóc

“Việc xây dựng tượng đài Thánh Gióng cũng là để tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, nguồn cội đã có công dựng nước và giữ nước”, đó là phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tại lễ khánh thành tượng đài, ngày 5/10/2010.

Khởi đầu của một dự án

Trong lịch sử dân tộc, Thánh Gióng là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử). Đó là Tản viên Sơn thánh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Tháng Gióng sinh ra ở làng Phù Đổng, là người có công đánh đuổi giặc Ân từ phương Bắc tràn xuống xâm lược nước ta vào đời vua Hùng Vương thứ 6, khi chỉ là cậu bé lên ba.


Hàng nghìn năm trôi qua, Thánh Gióng đã trở thành một hình tượng lịch sử cao đẹp, hùng tráng và bất tử, là bài học sâu sắc về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, kiên cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc.


Việc xây dựng tượng đài Thánh Gióng không những đáp ứng nhu cầu tình cảm về mặt tâm linh của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô và của cả nước, mà còn có ý nghĩa lớn lao trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ công dân Việt Nam trong thời đại mới.

Còn nhớ, hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2003, cuộc thi sáng tác tượng đài Thánh Gióng do TP Hà Nội phát động đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của các nhà điêu khắc.


Trải qua các vòng tuyển chọn bởi một Hội đồng nghệ thuật gồm các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, và triển lãm lấy ý kiến nhân dân; phác thảo tượng đài Thánh Gióng của nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân đã vượt qua 27 tác phẩm dự thi, được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên phê duyệt. Sau đó, để có được hình dáng tượng đài như ngày hôm nay, tác giả đã phải qua 7 lần chỉnh sửa.


Trò chuyện với tôi, Nguyễn Kim Xuân cho biết: “Khi biết phác thảo tượng đài của mình được chọn, tôi mừng không ngủ được. Tôi suy nghĩ nhiều về những ý kiến góp ý của Hội đồng nghệ thuật và của Chủ tịch thành phố.


Tượng Thánh Gióng đặt trên đỉnh Đá Chồng, đỉnh cao nhất của núi Sóc, phải thể hiện được sự uy nghi, hùng tráng, nhưng lại giản dị, gần gũi, vì Thánh Gióng vốn là chú bé nông dân. Thánh Gióng ngồi trên mình ngựa sắt với thân hình để trần, vạm vỡ của chàng trai Phù Đổng, nhưng lại có khuôn mặt trẻ thơ, tay cầm tre đằng ngà làm vũ khí đánh giặc sau khi roi sắt bị gãy.


Toàn bộ tượng có thế vươn cao, ngựa sắt hý vang, hai chân trước bốc khỏi mặt đất trong dáng hùng dũng bay lên. Đây là hình ảnh đẹp nhất, bi hùng nhất trong truyền thuyết, là lúc Thánh Gióng cởi bỏ giáp sắt, từ biệt mẹ, quê hương để bay về trời sau khi đánh tan giặc ngoại xâm cứu nước”.

Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh núi Sóc. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN


Nguyễn Kim Xuân là một điêu khắc gia có bề dầy tác phẩm. Ông tốt nghiệp Khoa Điêu khắc của Trường đại học Văn hóa quần chúng năm 1978 và từng là học trò của nhà điêu khắc nổi tiếng Phạm Gia Giang.


Năm 2001, Nguyễn Kim Xuân sáng tác tượng đài lãnh tụ Cayxỏn Phônvihẳn cao 3,7 m bằng đồng, đặt tại đại sảnh của Bảo tàng Cayxỏn Phônvihẳn ở thủ đô Viêng Chăn - Lào.


Năm 2006, tượng đài Công nhân cao 4,5 m bằng đồng (không kể phần bệ đài cao 3 m) đặt tại Cảng Hải Phòng do ông sáng tác được xây dựng. Tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh Đá Chồng vừa khánh thành đúng ngày Đại lễ là một thành công mới của ông trên con đường lao động nghệ thuật.

Sự kết hợp thành công giữa điêu khắc và kiến trúc

Nhà điêu khắc Nguyễn Kim Xuân, KTS Vũ Bình và kỹ sư Nguyễn Văn Thành-một chuyên gia kết cấu vào loại hàng đầu của ngành xây dựng đã có sự hợp tác rất ăn ý.


Theo nhà điêu khắc, chính phần quy hoạch tổng thể, thiết kế kiến trúc, cảnh quan của KTS Vũ Bình cũng như thiết kế kết cấu và giải pháp thi công lắp dựng tượng đài nặng 85 tấn của kỹ sư Thành đã góp phần quan trọng làm nên thành công của dự án, đảm bảo được tính nguyên gốc của tác phẩm điêu khắc, cũng như tôn thêm giá trị nghệ thuật của tượng đài và quần thể khu vực.

Tượng đài Thánh Gióng được đúc bằng đồng, cao 10,8 m (không kể bệ tượng 2,4 m), dài 14,4 m, rộng 7,3 m, đứng sừng sững, uy nghiêm trên đỉnh núi Đá Chồng cao 297 m so với mực nước biển, thuộc khu di tích đền Sóc tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội - nơi gắn liền với sự tích Thánh Gióng.


Từ vị trí đặt tượng đài, ta có thể nhìn thấy các đỉnh Vây Rồng, Mũi Cày, Đại Thích, Đá Đen và Đồng Sóc ở bên tả; đỉnh Non Tròn, chùa Non và núi Nhà Bia ở bên hữu, tạo nên thế tả Thanh Long-hữu Bạch Hổ.


Các tác giả đã chọn giải pháp hợp lý, tạo hiệu quả nhất về tầm nhìn khi lấy tượng làm “bệ”, “đài” là núi Đá Chồng. Do khu đất xây dựng tượng đài chạy dài theo hướng Nam-Bắc, vuông góc với đền Sóc, nên từ đây nhìn về đỉnh Đá Chồng ta sẽ thấy tượng Thánh Gióng như từ dưới đất bay vút lên, hoành tráng dưới nắng mặt trời. Con đường chính dẫn lên núi hướng vào mặt chính của tượng đài là hướng Nam, hướng mà Thánh Gióng bái lạy từ biệt mẹ, từ biệt quê hương Phù Đổng để về trời.

KTS Vũ Bình chủ trì thiết kế quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan là người rất tâm huyết với dự án. Ông tâm sự, ông không phải là người đầu tiên đến với dự án tượng đài Thánh Gióng. Trước ông là KTS Hoàng Ngọc Hoa.


Nhưng do nhiều lý do, năm 2006, Hoàng Ngọc Hoa rút khỏi dự án và mời ông tham gia. Vũ Bình cho rằng đó là cơ duyên của ông. Khi tham gia dự án này, KTS Vũ Bình đã nghiên cứu rất kỹ cảnh quan địa hình khu vực đặt tượng để có giải pháp quy hoạch tốt nhất.


Do tượng nằm trong tổng thể khu di tích đền Sóc, nên nhu cầu chiêm bái, hành lễ của nhân dân là rất lớn. Từ quốc lộ 3A lên đến chân núi Đá Chồng dài hơn 4 km, đường uốn lượn quanh co, lại có độ chênh lớn (từ cốt 90 m lên cốt 297 m).


Vì thế, dọc đường sẽ có những chòi nghỉ nhỏ để du khách dừng chân. Nhà Phương Đình, một công trình kiến trúc theo phong cách truyền thống, với mái chồng diêm hình bát giác lợp ngói đỏ nằm trong khuôn viên rộng 550 m2 trên ngọn Non Tròn, đối diện với tượng đài, là điểm dừng thú vị và hấp dẫn.


Từ đây du khách có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn cảnh quan xung quanh khu vực di tích và chiêm ngưỡng tượng đài Thánh Gióng. Từ nhà Phương Đình đi xuống là đường bậc thang dài hơn 80 m với từng đoạn 5 hay 9 bậc lát đá tảng dẫn lên sân hành lễ trước tượng đài.


Sân có hình êlíp, rộng 1.360 m2 được chia thành 3 cấp, cấp cao nhất là nơi đặt tượng. Xung quanh sân có lan can đá và mặt sân lát đá tự nhiên kích thước lớn. Sau khi hành lễ và chiêm bái tượng, du khách sẽ xuống núi bằng con đường phía sau tượng đài, qua di tích Thánh Gióng cởi bỏ giáp sắt để đến quốc lộ 3A, kết thúc một chuyến du lịch, hành lễ đầy ấn tượng và giàu cảm xúc.


Có thể nói rằng, KTS Vũ Bình đã rất thành công trong quy hoạch toàn thể khu di tích tượng đài Thánh Gióng. Ông trân trọng cảnh quan thiên nhiên sẵn có bằng việc bố cục có chủ đích và cẩn trọng từng kiến trúc nhỏ như nhà Phương Đình, các chòi nghỉ dọc đường lên xuống hài hòa, lẩn khuất dưới những vòm cây lá tràm xanh mướt, chú ý từ kiểu dáng mỗi cây đèn chiếu sáng dọc đường đi, xung quanh sân hành lễ giản dị và cổ kính… đến vị trí đặt nhà vệ sinh kín đáo nhưng thuận tiện cho du khách, hệ thống thu gom nước mưa để tái sử dụng.


Tượng đài đã được khánh thành, nhưng Vũ Bình vẫn còn băn khoăn trăn trở, vì nhiều hạng mục thiết kế của ông trong dự án vẫn còn đang thi công dở dang, hay làm chưa đúng, như chưa ốp đá hoa cương toàn bộ phần bệ tượng, trồng cây hai bên lan can đường dẫn đến sân hành lễ, làm lại đoạn đường dẫn từ nhà Phương Đình lên tượng đài hiện đang bị cắt ngang bởi giao thông cơ giới…

Thay lời kết

Khi tôi khép lại bài viết này thì Vũ Bình và Nguyễn Văn Thành đã có mặt tại Gia Lai để kiểm tra việc chuẩn bị thi công tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, một quần thể công viên tượng đài, quảng trường rộng tới 16 ha, mà Vũ Bình là tác giả thiết kế quy hoạch kiến trúc, kỹ sư Thành đảm nhiệm phần kết cấu.


Bằng tài năng và kinh nghiệm qua nhiều công trình xây dựng lớn của đất nước, hai ông và Công ty Cổ phần Kiến trúc-Đô thị Việt Nam (Hội KTS Việt Nam) đã tạo được sự tin cậy với nhiều nhà đầu tư. Dự án tượng đài Thánh Gióng trên đỉnh Đá Chồng là một thành công không chỉ về mặt nghệ thuật kiến trúc-điêu khắc, mà với các ông, nó còn mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt mà trong cuộc đời làm nghề không phải kiến trúc sư nào cũng may mắn có được.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thoa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư AS - người cung tiến toàn bộ số đồng và công đúc tượng đài - đã bày tỏ tình cảm của mình tại buổi lễ khánh thành: “Công trình tượng đài Thánh Gióng sẽ góp phần mang lại sự linh thiêng cho toàn dân tộc.


Tượng đài của Ngài sẽ Tụ tâm-Tụ đức-Tụ khí-Tụ phúc, tạo nên một tinh thần đại đoàn kết dân tộc vững chãi như minh chứng cho truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam”.

Hôm ấy, nhìn tượng đài Thánh Gióng như từ đất Mẹ vút bay lên trời xanh, rực rỡ trong nắng vàng của mùa thu tháng mười lịch sử, tôi đã thực sự xúc động và cũng tin như thế.

KTS. Phạm Thanh Tùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN