Tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu

Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.

Tăng các vụ án về tham nhũng

Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho thấy năm 2017, các cơ quan điều tra đã khởi tố mới 195 vụ án với 393 bị can về các tội danh tham nhũng; so với năm 2016 tăng 53 vụ và 58 bị can.

Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 241 vụ với 595 bị can, so với năm 2016 giảm 22 vụ và 39 bị can; Tòa án xét xử sơ thẩm 194 vụ với 441 bị cáo, so với năm 2016 tăng 49 vụ và 103 bị cáo.
 
Dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, một số vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh như: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TPbank; Sacombank; BIDV và Ngân hàng Xây dựng; vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội tham ô tài sản; vụ Hà Văn Thắm và đồng phạm về nhiều tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản; vụ Bùi Tiến Dũng và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản trong dự án cầu Bãi Cháy; vụ Nguyễn Thị Ngọc Liên và đồng phạm buôn lậu, đưa và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Thiên Lợi Hòa. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. 

Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tuy nhiên, công tác giải quyết tố giác, tin báo, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với tình hình tham nhũng. Tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp. Thu hồi tài sản tham nhũng đạt 11,7%; thi hành án đối với tài sản trong các vụ án tham nhũng mới thụ lý đạt khoảng 20%.  

Đáng lưu ý, kết quả khảo sát của Ủy ban Tư pháp cũng như kết quả các Đoàn kiểm tra, giám sát ở địa phương của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thời gian qua cho thấy, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm do Cơ quan điều tra ở trung ương điều tra. 

Ở cấp tỉnh, việc phát hiện và xử lý các vụ án tham nhũng rất ít trong khi theo phản ánh của dư luận thì tình hình tham nhũng ở khu vực này vẫn còn nghiêm trọng, nhất là ở những tỉnh có nhiều dự án đầu tư công lớn, khai thác tài nguyên, khoáng sản, có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, thậm chí là các tỉnh nghèo, vùng sâu, vùng xa được hưởng các ưu đãi từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. 

Thực thi còn chưa nghiêm

Về những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân trong công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng, hiện nay việc thực thi pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng còn chưa nghiêm. 

Ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp vẫn còn xảy ra.

Đánh giá PAPI 2016 cho thấy, tỷ lệ người dân cho biết họ phải chi “lót tay” cho công chức để làm xong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho giáo viên tiểu học công lập để con em được quan tâm hơn vẫn tiếp tục tăng; khoảng 54% số người dân cho rằng cần phải đưa hối lộ mới xin được việc làm trong khu vực nhà nước, cao hơn tỉ lệ 51% của năm 2015 và 46% của năm 2011; tỷ lệ người dân cho rằng cán bộ chính quyền địa phương biển thủ công quỹ cũng tăng.

Bên cạnh đó, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu rất yếu. Số vụ, việc tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử còn ít, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng; tiến độ xử lý một số vụ, việc còn để kéo dài. Có dấu hiệu của việc “hành chính hóa” quan hệ hình sự, “hình sự hóa” quan hệ hành chính trong xử lý hành vi tham nhũng. 

Việc xử lý người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp chưa nghiêm dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng vẫn chưa đạt chỉ tiêu được Quốc hội giao. 

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội. 

Tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, tránh nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn. Quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng, có lộ trình, thời hạn cụ thể để hoàn thành mục tiêu thanh toán không sử dụng tiền mặt.

Bên cạnh đó, cần tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng...

Xuân Phong/Báo Tin Tức
Nội dung kết luận về những vi phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh
Nội dung kết luận về những vi phạm của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

Đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đã kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN