Trước thềm Hội nghị báo chí toàn quốc 2023 - Bài 1: Giữ cái tâm của người làm báo

Báo chí hiện đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng, quy mô và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Thanh Vân/TTXVN

Tuy vậy, hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Ở một số cơ quan báo chí, người làm báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, chạy theo thị hiếu tầm thường, tìm cách để thu lợi, làm sai lệch bản chất sự việc. Nhiều cấp Hội thiếu giám sát trong quản lý cộng tác viên, phóng viên thường trú ở địa phương, dẫn đến nhiều hành vi tiêu cực, lợi dụng nghề nghiệp để đe dọa, tống tiền doanh nghiệp, người dân. Hiện tượng nhà báo - hội viên khai thác, sử dụng mạng xã hội làm việc phi nghề nghiệp, hành xử, phát ngôn thiếu chuẩn mực, vi phạm quy chuẩn đạo đức, thậm chí là vi phạm pháp luật đang trở thành vấn đề báo giới, dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại...

Nhân Hội nghị báo chí toàn quốc 2023, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết, đưa ra các ý kiến từ các cấp Hội Nhà báo nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo. Việc này góp phần phát huy thành tựu, khắc phục, chấn chỉnh tồn tại, góp phần xây dựng đội ngũ người làm báo Việt Nam "tâm sáng, lòng trong, bút sắc"; nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, như tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bài 1: Giữ cái tâm của người làm báo

Cùng với quy định, quy tắc khác, 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã góp phần giúp hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ, Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo các cấp tham chiếu, làm cơ sở xử lý sai phạm trong thực tiễn. Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn tồn tại một số vấn đề, đòi hỏi các cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí tăng cường quản lý, bồi dưỡng phóng viên cả về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, mỗi người làm báo cần không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức báo chí, góp phần phát huy vai trò, vị trí của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Chú trọng quyền làm nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo

Tính đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam có 24.900 hội viên sinh hoạt tại 301 tổ chức hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội, 218 chi hội trực thuộc Trung ương. Có thể khẳng định, đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin tiếp bước các thế hệ làm báo đi trước làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ: Các cấp Hội đã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, chú trọng việc bảo vệ quyền làm nghề hợp pháp của hội viên, quyền lợi chính đáng của hội viên nhà báo, nêu cao đạo đức nghề nghiệp.

Đến nay, toàn quốc có 260/301 tổ chức Hội có Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo. 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên đã vi phạm; trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo, từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ, thu hồi thẻ hội viên. Hội đồng còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của nhà báo. Chín tháng của năm 2023, Ban Kiểm tra đã trực tiếp gửi công văn, tham mưu lãnh đạo Hội ký 10 công văn can thiệp đối với những vụ việc phức tạp. Khi Hội đồng chưa thành lập, nhiều trường hợp phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp (dù có đầy đủ giấy tờ và đúng quy trình) gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý, nay với việc ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã tạo ra được bộ khung để có căn cứ bảo vệ hiệu quả quyền hành nghề hợp pháp của hội viên - nhà báo.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn không ít hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo cũng như quy định về tác nghiệp báo chí. Ông Vũ Xuân Chường, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ nhận định: Vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí là một khái niệm kép chỉ những hành vi, vi phạm pháp luật, đạo đức báo chí của người làm báo. Nhà báo vi phạm pháp luật đồng nghĩa với vi phạm đạo đức người làm báo. Ngược lại, người làm báo vi phạm các quy tắc, chuẩn mực đạo đức người làm báo, về mặt nào đó có liên quan đến vi phạm pháp luật.

Các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo gần đây chủ yếu là vi phạm bản  quyền tác giả; đạo tin, đạo báo; sa vào thương mại hóa báo chí, lợi dụng nghề nghiệp, dọa dẫm doanh nghiệp để trục lợi, nhận hối lộ... Nhiều nguyên nhân dẫn tới các vi phạm pháp luật và đạo đức báo chí, cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận nhà báo; thiếu kiến thức cơ bản về báo chí, không nhận thức đúng vai trò, chức năng của báo chí với xã hội. Thậm chí, một bộ phận nhà báo chỉ đơn thuần coi báo chí là phương tiện kiếm sống, thậm chí làm giàu, ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức nghề nghiệp. 

Tuy nhiên, nhìn nhận những tiêu cực của một số nhà báo qua các vụ án gần đây cũng xuất phát từ nguyên nhân buông lỏng quản lý của cơ quan báo chí, thể hiện ở việc thiếu sự quan tâm giáo dục bồi dưỡng, rèn luyện của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan báo chí, của cấp ủy, chi hội nhà báo. Không ít cơ quan báo chí, chi bộ hoạt động mang tính hình thức, ít quan tâm nhắc nhở cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật và quy định đạo đức người làm báo; Chi hội Nhà báo hoạt động chiếu lệ… Cũng có nguyên nhân do ảnh hưởng, tác động của nền kinh tế thị trường trong điều kiện thu nhập của nhà báo còn thấp, không đủ sống, áp lực chạy quảng cáo, tài trợ..., đã đẩy một số nhà báo dấn sâu vào con đường tiêu cực - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Thọ Vũ Xuân Chường nêu rõ.

Hạn chế những "con sâu bỏ rầu nồi canh"

Để xây dựng đội ngũ người làm báo Việt Nam luôn đáp ứng các tiêu chí "chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại", hạn chế tối đa những "con sâu bỏ rầu nồi canh", Nhà báo Bùi Thúy Hằng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hòa Bình kiến nghị, thời gian tới, cơ quan báo chí cần tăng cường quản lý, bồi dưỡng, đào tạo phóng viên không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ, còn đặc biệt quan tâm đến đạo đức nghề nghiệp.

Các đơn vị quán triệt thường xuyên, đầy đủ Luật Báo chí, 10 điều Quy định Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam tới các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Đồng thời có các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng chức năng nghề nghiệp để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, hình ảnh và công việc của đại đa số những người làm báo chân chính. Một mặt, các đơn vị nghiên cứu bài bản để xây dựng, đầu tư phát triển thương hiệu cho cơ quan, tập thể báo chí nói chung và các nhà báo trong các cơ quan báo chí nói riêng.

Việc xây dựng, phát triển thương hiệu báo chí thành công sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng sa sút về đạo đức nghề báo, tạo dựng niềm tin của bạn đọc, khẳng định vị trí của cơ quan báo chí cũng như cá nhân nhà báo trong tâm trí, tình cảm của công chúng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm luật pháp về báo chí, nâng cao chất lượng, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ kịp thời cho cơ quan báo chí chính thống đang làm nhiệm vụ chính trị để đội ngũ những người làm báo chân chính yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao. Các cấp Hội Nhà báo cần tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo, sinh hoạt trao đổi về đạo đức nghề nghiệp; tăng cường kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội và Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy tắc ứng xử mạng xã hội của người làm báo ở các Chi hội, hội viên. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của Hội đồng xử lý vi phạm Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong việc phòng ngừa, xử lý sai phạm, can thiệp kịp thời để bảo vệ quyền hành nghề của hội viên. Mỗi nhà báo cần nêu cao tinh thần tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp. Xác định rõ nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội của người làm báo. Mỗi khi cầm bút, người làm báo phải tự đặt câu hỏi: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào? Để xứng đáng là “ Những chiến sỹ trên mặt tư tưởng văn hóa của Đảng" - Nhà báo Bùi Thúy Hằng nêu rõ.

Cùng quan điểm, Nhà báo Lê Trọng Lập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hà Giang cho rằng, những nội dung cụ thể cho việc học tập và làm theo Bác đối với nghề làm báo - đó chính là phương pháp, phong cách làm báo của Nhà báo Hồ Chí Minh: Trung thực, bám sát thực tiễn, sự hiểu biết, ngắn gọn, dễ hiểu và phải là tiếng nói của nhân dân, của Đảng, Nhà nước, của lẽ phải và thực sự mang hơi thở cuộc sống đang diễn ra. Yếu tố quyết định ở đây là Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng và thông qua hoạt động của chi hội, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan giúp cho mỗi nhà báo khi tác nghiệp tiếp xúc, làm việc với nhân dân, với các cơ quan đơn vị luôn giữ vững được cái tâm trong, sáng của người làm báo - cái tâm ở đây chính là tính trung thực, sự quả cảm, lòng nhân ái, dám đi tới cùng của sự kiện đúng như bản chất của sự việc, nếu chưa nói được đúng sự thật thì cũng đừng nói dối, nói sai. Đó còn là cái tình của người làm báo: dám căm giận, biết yêu thương, không vô cảm trước muôn mặt của đời sống con người. 

Theo Nhà báo Lê Trọng Lập, để giữ vững cái tâm cho người làm báo khi tác nghiệp, yếu tố quan trọng, quyết định nhất chính là mỗi người làm báo phải có đủ tầm cho nhận thức, tri thức của nghề làm báo. Cái tầm ở đây cần được trau dồi, rèn luyện, nâng cao ở các nội dung cụ thể. Đó là phấn đấu, rèn luyện, học tập để bản thân từng bước đạt đến cái chân - thiện - mỹ, tạo nên bản lĩnh, phong cách riêng cần có của mỗi nhà báo, giúp khai thác đến tận cùng của lợi thế, đồng thời biết vượt qua thách thức, khó khăn, hiểu đúng bản chất, sự cần thiết của cạnh tranh lành mạnh, tạo động lực cho cái hay, cái đúng, cái đẹp tồn tại và tôn vinh, tìm ra được những chi tiết đắt giá, cần thiết cho bài báo... Có tầm sẽ giúp mỗi nhà báo tự tin, trân trọng không bị choáng ngợp, mất tự tin khi tiếp cận dòng chảy xô bồ của cuộc sống đang diễn ra theo nhiều chiều...

Bài cuối: Tham gia mạng xã hội có trách nhiệm

Phúc Hằng (TTXVN)
Trước thềm Hội nghị báo chí toàn quốc 2023 - Bài cuối: Tham gia mạng xã hội có trách nhiệm
Trước thềm Hội nghị báo chí toàn quốc 2023 - Bài cuối: Tham gia mạng xã hội có trách nhiệm

Trong thời đại công nghệ số, cùng với việc rèn luyện, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, người làm báo cũng cần có trách nhiệm trên môi trường số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN