Trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII: Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề an sinh xã hội

Bắc Kạn: Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Kạn đã tiến hành tiếp xúc cử tri tại 7/8 huyện, thị xã trong tỉnh. Tại các buổi tiếp xúc, có 33 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương.


Các ý kiến tập trung đề cập những vấn đề như: Chính phủ có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tộc Kinh đi khai hoang theo chủ trương của Nhà nước đang sinh sống tại các xã chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn; áp dụng chế độ ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức cho người Kinh như đối với đồng bào dân tộc thiểu số cùng địa bàn sinh sống, để đảm bảo sự công bằng giữa các dân tộc trong vùng, các chế độ ưu tiên thực hiện căn cứ vào đặc thù vùng, miền, không phân biệt dân tộc… Hiện nay, nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn, trong khi nguồn vốn vay có hạn, mức cho vay quá thấp, không đủ cho việc mở rộng quy mô phát triển kinh tế, nên hiệu quả chưa cao. Chính phủ nên xem xét hạn chế việc cho vay nhỏ lẻ, nâng mức và thời hạn cho vay để phù hợp với quy mô phát triển sản xuất của người dân.


Chính sách hỗ trợ hộ nghèo cũng có những bất cập. Đặc biệt là việc người nghèo được hỗ trợ từ nhiều nguồn, lại hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, hiện vật có giá trị, thường gây tâm lý trông chờ, ỷ lại. Đối với các hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, cần được tiếp tục hỗ trợ để họ thoát nghèo bền vững. Trên thực tế, khoảng cách thu nhập giữa hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo chênh lệch không lớn.


Nhiều cử tri, đặc biệt là cử tri ngành giáo dục, y tế đóng góp ý kiến xung quanh vấn đề đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trên thực tế, y tế và giáo dục là hai ngành mà các đối tượng đều là công chức, viên chức. Chính phủ nên xem xét chỉ bắt buộc đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với những đối tượng có nguy cơ thất nghiệp cao. Những đối tượng đã nộp bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên thì không phải nộp bảo hiểm thất nghiệp.


Về xây dựng nông thôn mới, có một số tiêu chí chưa phù hợp với địa hình và mật độ dân số miền núi, như tiêu chí về bề rộng đường thôn, đường nối từ xóm ra đồng ruộng, đường nối các cánh đồng… rộng 3 mét là không nhất thiết, khi mà những thửa ruộng của miền núi là những ruộng bậc thang, độ rộng không lớn, nếu làm đường to thì sẽ chiếm hết diện tích canh tác…


Bến Tre: Qua tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, nhiều cử tri bày tỏ mong được Nhà nước xem xét cho hộ nông dân trồng dừa có đời sống gia đình khó khăn, do giá dừa xuống thấp, được vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội như những hộ nghèo khác để con em họ tiếp tục học hành.


Sở dĩ có đề nghị này là vì hiện nay chính sách cho học sinh – sinh viên vay vốn ưu đãi để học tập chỉ thực hiện với hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn do thiên tai, bệnh tật. Còn hộ có đất trồng dừa nhưng khó khăn, do giá dừa xuống thấp, không được tiếp cận nguồn vốn này, trong khi chi phí cho con em đi học ngày một tăng cao. Bến Tre hiện có hơn 500.000 người trong số 1,3 triệu dân, sống bằng nghề trồng và chế biến dừa, trong số này nhiều hộ chỉ có 2.000 - 3.000 m2 đất trồng dừa, thu nhập hàng tháng đã thấp nay lại càng thấp hơn, do giá dừa liên tục giảm từ cuối năm 2011 đến nay. Với giá dừa hiện ở mức 2.500 đồng/trái, giảm 4 lần so với trước, thì dù có 1 ha dừa, thu hoạch 1.000 trái/tháng cũng chỉ thu được 2,5 triệu đồng/tháng, trong khi số hộ nông dân sở hữu 1 ha dừa cũng không nhiều.

Nguyễn Trình - Văn Trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN