Trưng cầu ý dân là thực hiện quyền quyết định của nhân dân

Trao đổi bên lề buổi thảo luận tại tổ chiều 3/6 về dự án Luật trưng cầu ý dân, các đại biểu cho rằng trưng cầu ý dân là phương thức thể hiện quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân trong xã hội hiện đại, dân chủ, thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Đây cũng là vấn đề được xác định ngay từ Hiến pháp 1946 song đến nay mới xác định được hành lang pháp lý để quy định về vấn đề này với thể thức cao nhất là luật.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm. Ảnh: An Đăng: TTXVN


Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cho rằng ban hành Luật trưng cầu dân ý là cấp thiết và quan trọng bởi hình thức dân chủ trực tiếp này có nhiều ưu thế hơn so với hình thức dân chủ qua đại diện, là minh chứng thể hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là của dân, do dân và vì dân.

Về chủ thể đề nghị trưng cầu ý dân, có ý kiến cho rằng cần mở rộng thêm chủ thể nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần tuân thủ theo Luật tổ chức Quốc hội. Theo đại biểu Đặng Văn Hiếu (Thanh Hóa), chỉ nên giữ phương án Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, không nên đưa thêm chủ thể là Thủ tướng Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc bởi với chủ thể là Chính phủ là đã có Thủ tướng Chính phủ.

Mặt trận Tổ quốc là tổ chức tập hợp rất nhiều đoàn thể, nếu đưa vào đối tượng được quyết định trưng cầu ý dân sẽ rộng, chỉ nên tập trung vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì đây là những vấn đề Quốc hội cần phải bàn, phải quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng Luật tổ chức Quốc hội 2014 đã quy định rõ chủ thể có quyền trưng cầu ý dân trước hết là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đến Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội.

Mặt trận Tổ quốc là tổ chức chính trị xã hội đại diện cho nhân dân, cũng là nơi tổ chức hội nghị cử tri, tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, thông qua đó cũng là cách Mặt trận phản ánh được tâm tư nguyện vọng cử tri bằng việc báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thông qua chính đại biểu Quốc hội để phản ánh nguyện vọng của người dân. Thẩm quyền quyết định cuối cùng có trưng cầu ý dân không, theo quy định của Hiến pháp, là do Quốc hội quyết định.

Tuy nhiên, với lý giải những vấn đề cần trưng cầu ý dân không chỉ là những vấn đề về Hiến pháp mà còn là vấn đề quốc kế dân sinh trọng đại thuộc quyền quyết định của Quốc hội, đại biểu Thích Bảo Nghiêm cho rằng cần mở rộng hơn cơ quan, tổ chức có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt tr ận Tổ quốc Việt Nam hoặc 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội.

Nói về tỷ lệ kết quả bầu cử, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng để thể hiện được quyền dân chủ trực tiếp của người dân và thể hiện được tính đại diện, nên tính lại tỷ lệ này thích đáng hơn, có thể là 2/3 trong tổng số cử tri đi bỏ phiếu, thay vì quy định “quá bán” như hiện nay.

Liên quan đến những lo ngại các phần tử xấu lợi dụng trưng cầu ý dân để phá hoại, ông Uông Chu Lưu cho biết chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền với tinh thần tự tôn pháp luật. Trong dự thảo Luật đã quy định những điều cấm không được làm, bất cứ người nào, cơ quan tổ chức nào vi phạm quy định cấm đó, tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm. Nếu lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi dụng quyền trưng cầu ý dân để vi phạm điều cấm của pháp luật, nhất là những điều cấm trong Luật trưng cầu ý dân thì phải xử lý.

Còn theo đại biểu Đặng Văn Hiếu, phát huy dân chủ, nhân dân phát biểu ý kiến nhưng đồng thời cũng phải có những cơ chế để hạn chế những tư tưởng, quan điểm sai trái lợi dụng trưng cầu ý dân để chống phá. Theo đại biểu, không cần quy định cụ thể nhưng phải có cơ chế để khi có vấn đề xảy ra, cơ quan có trách nhiệm có thể xử lý được, không vướng về luật lệ. Ông Hiếu cũng đề nghị đã trưng cầu ý dân là phải lấy theo đa số, còn một số kẻ lợi dụng chống phá thì phải xử lý theo pháp luật.

Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông) cho rằng, về chủ trương cần có Luật Trưng cầu ý dân bởi việc trưng cầu ý dân thực chất là ý kiến của dân mang tính quyết định, không cơ quan nào có thể sửa đổi được. Dự án luật cần khẳng định giá trị pháp lý tuyệt đối là những vấn đề đã trưng cầu ý dân thì phải thực hiện và chỉ có dân mới có quyền sửa đổi. Tránh trường hợp trước mắt thực hiện theo ý dân quyết nhưng mấy năm sau sửa lại mà không hỏi ý kiến dân.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật trưng cầu ý dân nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quốc sách của xã hội, nhưng, đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) băn khoăn về tính định hướng của dự án luật. Dự án luật cần đưa ra phạm vi trưng cầu ý dân những vấn đề có phạm vi ảnh hưởng rộng để đông đảo người dân quyết định. Bên cạnh đó, muốn thực hiện trưng cầu ý dân thực sự có hiệu quả, cần tuyên truyền giúp người dân thực sự hiểu ý nghĩa, từ đó có thể quyết định trên cơ sở nắm vững các nội dung để đạt được các mục tiêu như mong muốn.

Thanh Vân - Phúc Hằng (TTXVN)
Thảo luận tổ hai dự án Luật
Thảo luận tổ hai dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội thảo luận ở tổ về 2 dự án: Luật trưng cầu ý dân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN