Trình Quốc hội 4 dự án luật và chương trình xây dựng pháp luật

Sáng 2/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe các tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội về các dự án Luật Giáo dục đại học, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học

Là luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tổ chức, hoạt động giáo dục đại học, dự án Luật Giáo dục đại học đã cụ thể hóa các quy định khung của Luật Giáo dục về giáo dục đại học.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, Trịnh Thị Thanh Bình phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận ở tổ. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng các đại học đa lĩnh vực tổ chức theo hai cấp phải có quyền tự chủ cao để thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Điều 28 dự thảo Luật quy định nội dung cơ bản và nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học và giao cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan quy định cụ thể về điều kiện, mức độ trao quyền tự chủ và xử lý các hành vi vi phạm. Về điều này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nhận thấy đây là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển giáo dục đại học, nhất là trong tình trạng cơ chế xin – cho còn khá phổ biến như hiện nay.

Ủy ban cho rằng các cơ sở giáo dục đại học cần được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo đã có trong danh mục đào tạo của Nhà nước; được quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ Giáo dục – Đào tạo quy định; được lựa chọn phương thức, thời gian tổ chức tuyển sinh và chỉ phải báo cáo về Bộ Giáo dục – Đào tạo để quản lý. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài mạnh đối với những vi phạm trong việc mở ngành, chuyên ngành đào tạo, tuyển sinh không đúng với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.

Công khai, minh bạch các chính sách

Theo tờ trình, việc ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần bảo đảm sự công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho thấy mục tiêu ban hành Luật đã được thể hiện nhưng chưa thật rõ nét trong dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh của Luật vẫn chủ yếu quy định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật mà chưa đưa ra được các quy định về cách thức để người dân thực hiện quyền được tiếp cận pháp luật khi có nhu cầu. Dự thảo Luật vẫn còn tập trung nhiều vào các biện pháp một chiều nhằm đưa kiến thức pháp luật tới người dân, chưa đưa ra được các chính sách pháp luật có tính đột phá để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thực sự đem lại hiệu quả hữu hiệu.

Tán thành với dự thảo Luật, lấy ngày 9/11 hàng năm là ngày pháp luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định này nhằm kỷ niệm, tôn vinh tinh thần pháp luật, nhắc nhở động viên toàn xã hội chấp hành pháp luật.

Bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ

Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trình bày khẳng định Luật được xây dựng sẽ hoàn thiện hơn nữa các quy định về nghiệp vụ bảo hiểm tiền gửi, nâng cao giá trị pháp lý của các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; đồng thời xác định rõ vị trí của tổ chức bảo hiểm tiền gửi Việt Nam nhằm tránh chồng chéo nhiệm vụ với các cơ quan khác.

Ủy ban Kinh tế cho rằng chính sách bảo hiểm tiền gửi nên hướng tới bảo vệ số đông người gửi tiền nhỏ lẻ, trường hợp tổ chức tín dụng gặp rủi ro thì vẫn nhận được một khoản tiền gửi tối thiểu; tiếp tục giữ mô hình bảo hiểm tiền gửi như hiện nay và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý. Đây là loại hình doanh nghiệp được thành lập và hoạt động nhằm giải quyết đổ vỡ dây chuyền của hệ thống tín dụng, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Đối với dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quy định đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lắp hoặc xung đột với các luật, pháp lệnh có liên quan. Luật cũng cần điều chỉnh nước biển ven bờ, đây là vùng nước có liên quan chặt chẽ và có tác động đến nguồn nước trên đất liền, chịu ảnh hưởng từ hoạt động của con người.

Tán thành với quy định về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước phải đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp, đối tượng phải nộp tiền khi khai thác tài nguyên nước.

Đổi mới cách phân chia lĩnh vực của các dự án luật

Theo tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII gồm 96 dự án thuộc Chương trình chính thức và 38 dự án thuộc Chương trình chuẩn bị.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc đổi mới cách phân chia lĩnh vực của các dự án trong Chương trình. Theo đó, các dự án trong danh mục nhiệm kỳ khóa XIII được phân chia thành 5 lĩnh vực: Tổ chức và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị; Quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân; Dân sự, kinh tế; Giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, y tế, văn hóa – thông tin, thể thao, dân tộc, tôn giáo, dân số, gia đình, trẻ em và chính sách xã hội; Quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội. Cách phân chia này bao quát và phân biệt các lĩnh vực rõ hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xác định thứ tự ưu tiên, sắp xếp vị trí của các dự án trong từng lĩnh vực.

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Đánh giá tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII, các đại biểu nhất trí với nhận định: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII (2007-2011), Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục ban hành số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội chưa đạt được kết quả như Chương trình đề ra; chất lượng và tính khả thi của một số văn bản luật, pháp lệnh chưa cao; một số luật, pháp lệnh chậm đi vào cuộc sống. Nguyên nhân được cho là việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn mang tính bị động, tính khả thi không cao nên phải điều chỉnh nhiều lần; sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan thiếu chặt chẽ; chất lượng chuẩn bị một số dự án luật, pháp lệnh còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo tiến độ như đã dự kiến; nội dung một số luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể, phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mới có thể thực hiện được nhưng việc ban hành các văn bản này không bảo đảm tiến độ.

Để khắc phục tình trạng luật phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành mới thực sự đi vào cuộc sống, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị ngay từ khi xây dựng luật, cần xây dựng ngay hướng dẫn thi hành, tránh tình trạng luật chờ nghị định, thông tư... Đại biểu Nguyễn Hữu Quang cũng cho rằng tình trạng luật "khung", luật "ống" vẫn còn nhiều, luật chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành dẫn đến tình trạng luật chậm đi vào cuộc sống; cần khắc phục ngay tình trạng này bằng những giải pháp cụ thể.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN