Triển khai đồng bộ các giải pháp tạo quỹ đất xây nhà ở cho công nhân

Đề cập về quỹ đất cũng như tỷ lệ nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, ông Lâm Văn Đoan, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho biết, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã kiến nghị nhiều lần về việc cần giải quyết căn bản tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân, kèm theo đó là giải quyết cả nhu cầu về thuê, mua nhà cũng như các thiết chế văn hóa kèm theo.

Chú thích ảnh
Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang bàn giao “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên Võ Thị Bình, công đoàn cơ sở Bệnh viện Bình An. Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN

Đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và việc làm của các công nhân.

Trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tại một số nơi, điều kiện ăn ở của công nhân không được đảm bảo khiến họ phải di dời về quê khiến cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong tìm kiếm lao động khi quay trở lại với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vây, song song với quá trình phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần chú trọng đến đảm bảo an sinh xã hội, việc làm và quan tâm đến xây dựng nhà ở cho công nhân.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tập trung. Thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, tính đến cuối năm 2021, cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội ở khu vực đô thị và đang tiếp tục triển khai 278 dự án, trong đó hoàn thành xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp với quy mô khoảng 54 nghìn căn hộ và đang tiếp tục triển khai khoảng 100 dự án nhà ở cho công nhân với khoảng 134 nghìn căn hộ.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, đề cập chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng: Đồng hành cùng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, việc quan tâm đến xây dựng nhà ở cho công nhân là vấn đề rất cần thiết bởi ở giai đoạn bùng phát dịch vừa qua, một số nơi điều kiện ăn ở của công nhân không được đảm bảo khiến họ phải di dời về quê. Đây cũng là một nguyên nhân lây lan dịch bệnh từ trung tâm dịch ra nơi khác.

Ngoài ra, việc xây nhà cũng thể hiện được yếu tố an toàn và bình đẳng cho xã hội, giúp cho những người lao động tập trung sản xuất, tạo của cải vật chất cũng như cung cấp chuỗi cung ứng sản xuất hàng ngày. Nếu chúng ta quan tâm không đúng mức sẽ gây bất ổn trong sản xuất và xã hội. Để công nhân tiếp cận dễ dàng hơn với nhà ở rất cần hỗ trợ chính sách mua nhà cho họ.

Bà Trần Thị Thanh Lam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cho rằng: Hiện nay, các khu công nghiệp tại những vùng kinh tế trọng điểm như ở Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh có đông công nhân, lao động sẽ phát sinh về nhà ở và các dịch vụ thiết yếu đi kèm. Tuy nhiên, công nhân với thu nhập thấp không dễ gì mua được nhà. Vì vậy, để lực lượng lao động này tiếp cận dễ dàng hơn với việc mua nhà thì cần có chính sách cho vay ưu đãi từ ngân hàng. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xem xét lại các chính sách đã được ban hành rồi nhưng công nhân không tiếp cận được để mua được nhà.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, hiện nay nhà ở cho công nhân có rất nhiều chính sách và chi phối bởi nhiều luật như: Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Nghị định 49/CP, Quyết định 66… Song nhiều văn bản còn chồng chéo, chưa rõ ràng nên việc hướng dẫn nhà ở cho công nhân vẫn chưa đi đến thống nhất, số công nhân có thể mua được căn hộ rất ít, chủ yếu là đi thuê và thuê các nhà giá rẻ ở gần nơi làm việc, do vậy điều kiện không được tốt và đồng bộ. Từ năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 66/TTg về xây dựng nhà ở và yêu cầu nhà ở cho công nhân phải đồng bộ, gồm hạ tầng xã hội, giáo dục, các trường học và bệnh viện… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa đạt được.

Ông Nguyễn Quang Huân cho rằng, chế tài hay Nghị định ban hành có thể chưa đủ hoặc thực hiện chưa nghiêm... là những bất cập trong việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Đây là nội dung cần phải xem xét lại từ thể chế, tức là từ các văn bản cũng phải quy định, rà soát lại. Cụ thể là phải có đơn vị chủ trì đánh giá lại, thậm chí có thể phải thuê tư vấn độc lập đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Việc xây dựng nhà ở cho công nhân là vấn đề phải nghiên cứu kỹ lưỡng chứ không phải nhìn thấy một chính sách nào bất cập rồi lập tức ban hành ngay một chính sách khác, biết đâu chính sách mới được ban hành lại có bất cập khác, mà chúng ta tránh bất cập này bằng một bất cập khác thì rõ ràng không tốt.

Do vậy, phải có đánh giá toàn diện, tổng thể để xem thực trạng hiện nay công nhân đang ở đâu, thu nhập người ta như thế nào? Bao nhiêu phần trăm có nhà ở và kỳ vọng của công nhân là gì ngoài chuyện ở và mưu sinh thì còn việc học hành con cái, định cư lâu dài thì sẽ như thế nào? Các Bộ ngành cần đánh giá tổng thể, sau đó rà soát lại văn bản đã có để hợp nhất lại, rồi biên soạn văn bản mới mang tính thời sự hơn, đi vào đời sống tốt và có hiệu quả hơn.

Trong Kết luận số 20 lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về kinh tế - xã hội năm 2021- 2022 cũng nhấn mạnh sự cấp thiết về vấn đề nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa kèm theo. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều công nhân vẫn chưa tiếp cận được nhà ở kèm theo các dịch vụ liên quan khi sinh sống tại đó.

Theo ông Lâm Văn Đoan, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, để giải quyết nhà ở cho công nhân, ngoài các yếu tố đầu tư về tài khóa, tiền tệ thì rất cần Chính phủ phải có một giải pháp sửa đổi các thể chế kèm theo. Bởi vì hiện nay đang vướng mắc rất nhiều ở các luật pháp liên quan về phần xây dựng nhà ở công nhân. Ví dụ như Điều 149 của Luật Đất đai; khoản 9 Điều 17 của Luật Đầu tư và Nghị định số 82 đều liên quan đến bố trí quỹ đất cho xây dựng nhà ở cho công nhân ở khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế. Nếu không giải quyết được vấn đề về quỹ đất này thì rõ ràng là việc thực hiện chính sách tài chính, tiền tệ và tài khóa tiền tệ hỗ trợ nhà ở cho công nhân sẽ gặp rất nhiều hạn chế.

Ông Lâm Văn Đoan cũng nêu quan điểm là hiện nay, nhìn lại các khu nhà ở cho người có thu nhập thấp thì phần lớn vắng bóng hiện diện của người công nhân. Vì vậy, chính sách nhà ở cho công nhân cũng cần phải có một tỷ lệ rõ ràng, xứng đáng và đáp ứng được nhu cầu cấp thiết như Kết luận số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2021 đã đề ra. Bởi chính sách nhà ở cho công nhân khác với chính sách nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Để có quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân, bà Trần Thị Thanh Lam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre đề xuất Chính phủ cần có sự cân đối, hài hòa phát triển các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam, tránh việc tập trung đầu tư ở một số nơi nhưng lại thiếu quỹ đất để xây dựng nhà ở. Còn các khu công nghiệp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có quỹ đất nhưng chưa được đầu tư phát triển.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, đề cập chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đồng hành cùng quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, việc quan tâm xây dựng nhà ở cho công nhân là vấn đề cần thiết. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ việc tạo quỹ đất xây nhà và các dịch vụ đi kèm cho tới hỗ trợ chính sách để công nhân có thể tiếp cận với nhà ở.
V.T/Báo Tin tức
Cần 82.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025
Cần 82.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở công nhân giai đoạn 2021 - 2025

Theo số liệu tập hợp của Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu vốn cho nhà ở công nhân khu công nghiệp trên toàn quốc là 163.500 căn với tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN