Kỷ niệm 58 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2012):

Trang sử vẻ vang trong lịch sử nghìn năm

Trong dòng chảy lịch sử hơn 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày 10/10/1954 là một dấu mốc chói lọi, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của chế độ thực dân cũ. Đây cũng là thắng lợi trọng đại của nhân dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và mở ra một trang sử phát triển mới của Thủ đô và đất nước.

“Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”


Kể từ năm 1010, với quyết định sáng suốt của vị vua anh minh Lý Thái Tổ, thành Đại La đã trở thành kinh đô Thăng Long, Thủ đô của nước Đại Việt, “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Với khát vọng và khí phách “Rồng bay lên”, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là niềm kiêu hãnh của dân tộc, nơi sản sinh và hội tụ nhiều anh hùng dân tộc và danh nhân văn hóa; là nơi minh chứng cho các cuộc chiến đấu và chiến thắng giặc ngoại xâm, mãi mãi chói sáng trong lịch sử dân tộc.


Nhân dân Hà Nội mừng đón đoàn quân giải phóng ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN


Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, Hà Nội cùng cả nước đứng lên chống xâm lược. Ngày 19/8/1945, Cách mạng tháng Tám giành thắng lợi trọn vẹn ở Hà Nội. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.


Sau Cách mạng tháng Tám, Hà Nội đã cùng với cả nước kiên cường đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, xây dựng lực lượng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.


Tháng 10/1946, giặc Pháp nổ súng chiếm Hải Phòng, rồi tiến công Lạng Sơn, khiêu khích ở Hà Nội… Đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Hà Nội đã nhất tề đứng lên chống địch, giành thế chủ động cho cuộc kháng chiến.


Phát súng đầu tiên từ Pháo đài Láng bắn vào trại địch (lúc 20 giờ 30 phút ngày 19/12/1946) đã trở thành hiệu lệnh mở đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân Hà Nội đã chiến đấu rất kiên cường và quả cảm, biến mỗi góc phố, mỗi căn nhà thành một pháo đài, mỗi người dân thành một chiến sĩ, bám trụ, quần nhau với giặc trong suốt 60 ngày đêm khói lửa.


Nhiều đội cảm tử quân được thành lập, “Trung đoàn Thủ đô” ra đời. Hàng nghìn người con của Liên khu I đã anh dũng chiến đấu, nhiều người đã ngã xuống để bảo vệ Thủ đô, để kìm chân, tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện cho các lực lượng kháng chiến rút về căn cứ địa an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Trung ương giao.


Sau gần 9 năm ròng rã, không chịu đựng nổi sức chiến đấu ngoan cường, trí dũng của quân dân ta, nhất là sau trận đánh quyết định của ta tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Giơnevơ (ngày 20/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận phải rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.


Những ngày tháng vẻ vang, thiêng liêng


Tháng 10/1954, Hiệp định Giơnevơ bắt đầu có hiệu lực. Trong Hiệp định có điều khoản: Hai nước Việt Nam và Pháp ký thoả thuận ngừng bắn và chuyển giao hoà bình nguyên vẹn các thành phố cho nhau.


Từ 1/10, quân và dân ta đã chuẩn bị tốt các bước cho việc tiếp quản Hà Nội. Công việc được chuẩn bị hối hả cả ngày và đêm, chạy đua với thời gian để kịp chuẩn bị cho ngày tiếp quản. Đêm 9/10, trước ngày tiếp quản một ngày, nhân dân cả Thủ đô dường như không ngủ. Mặc dù quá giờ giới nghiêm, song vẫn có những bóng người đi men dưới những hàng hiên dọc phố, băng nhanh qua đường, đến những điểm hẹn để hoàn tất những công việc cuối tiếp quản thành phố. Sáng sớm ngày 10/10, nhân dân Thủ đô quần áo chỉnh tề, mang cờ, ảnh Bác Hồ và những bó hoa tươi thắm..., tưng bừng đổ ra đường đón chào đoàn quân giải phóng. Đoàn xe đầu tiên tiến vào thành phố do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban quân chính và bác sĩ Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban quân chính Hà Nội dẫn đầu. Rồi tiếp đó là cánh quân phía Tây, cánh quân phía Nam, Đoàn cơ giới và pháo binh... tiến vào thành phố.


Đúng 15 giờ ngày 10/10, còi Nhà hát thành phố nổi lên một hồi dài, hàng chục vạn người dân đổ về Sân vận động Cột Cờ để nghe Chủ tịch Uỷ ban Quân chính thành phố Vương Thừa Vũ đọc “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” của Bác Hồ: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hoà bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”. Sau đó, ngày 16/10, trong buổi tiếp đồng bào Hà Nội, Bác Hồ còn căn dặn: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển, để làm gương mẫu, để dẫn đầu cho nhân dân cả nước ta trong công cuộc củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.


Nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa đất nước


Ngay sau khi Thủ đô được giải phóng, quân và dân Hà Nội phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực đóng góp xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vượt qua những khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, Hà Nội đã phát huy những tiềm lực vốn có của mình để khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ năm 1986, thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (12/1986), Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ X đã xác định nhiệm vụ đổi mới của Thủ đô, đề ra những chủ trương và kế hoạch thực hiện. Sau đó, các Đại hội lần thứ XI, lần thứ XII, tiếp tục hoàn thiện các chủ trương và kế hoạch, đưa thành phố ngày một tiến lên.


58 năm sau giải phóng, từ một thành phố nghèo nàn lạc hậu lúc mới giải phóng, Hà Nội ngày nay đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả nước, Thủ đô anh hùng, thành phố vì hòa bình, đang vươn lên tầm cao đẹp về văn hóa, về trí tuệ. 26 năm đổi mới và phát triển, kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục với tốc độ khá cao, theo hướng bền vững. Nếu như giai đoạn 1986-1990, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hà Nội chỉ tăng bình quân 4,48% thì từ năm 1991 đến nay, GDP liên tục tăng trưởng ở mức 2 con số, trên 10%/năm. Với quá trình phát triển đầy ấn tượng, năm 1999, Hà Nội đã được UNESCO công nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”; được bạn bè quốc tế khâm phục và đặt cho cái tên thân yêu “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.


Suốt hơn 1000 năm, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua và chứng kiến biết bao sự biến thiên của lịch sử, song vẫn là “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”. Hà Nội luôn gương mẫu, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thăng Long - Hà Nội, kinh đô của nước Đại Việt xưa, Thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam ngày nay đang và sẽ phát triển thành một thành phố văn minh - thanh lịch - hiện đại, có khoa học và công nghệ tiên tiến, có nền kinh tế - văn hóa và xã hội phát triển.



Trần Tiến Duẩn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN