Trả lại yên bình cho biển miền Trung

Gần 1 năm đã trôi qua sau sự cố môi trường biển miền Trung, giờ đây cuộc sống của người dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã dần trở lại bình thường. Môi trường biển trong vùng bị ảnh hưởng đang hồi sinh trở lại.

Quyết tâm cao nhất vì quyền lợi của người dân

Có thể nói, sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung do Formosa gây ra là thảm họa môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam từ trước đến nay. Môi trường biển bị ô nhiễm trên diện rộng, gây ra hậu quả lớn về kinh tế, xã hội, môi trường trước mắt và lâu dài. Sự cố môi trường đã gây tác hại xấu, trực tiếp đến các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, làm muối, dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch; làm xáo trộn an ninh trật tự, gây tâm lý bức xúc, bất an trong một bộ phận nhân dân.

Với quyết tâm và nỗ lực cao độ, các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, chuyên gia môi trường đã xác định chính xác sự cố ô nhiễm môi trường biển là do hành vi xả thải của Công ty TNHH Hưng nghiệp Gang thép Formosa Hà Tĩnh. Đại diện công ty này đã cúi đầu nhận lỗi trước Chính phủ và toàn thể nhân dân Việt Nam, đồng thời cam kết bồi thường 500 triệu USD (tương đương hơn 11.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả, đặc biệt là khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý các chất thải độc hại trước thải ra môi trường và không để xảy ra sự cố tương tự…

Từ số tiền bồi thường, ngư dân thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang đầu tư đóng mới tàu cá vươn khơi xa. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Vì mục tiêu hàng đầu là khắc phục hậu quả môi trường, đảm bảo quyền lợi cho người dân, Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã ngay lập tức xắn tay triển khai bồi thường, sớm ổn định cuộc sống và lao động của bà con ngư dân ở các tỉnh miền Trung.

Không chỉ có vậy, nghiêm túc trong chỉ đạo, điều hành, đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm trước nhân dân, Đảng, Chính phủ và các địa phương tích cực tiến hành công tác xem xét, xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan đến sự cố, kể cả những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp, xem xét, kết luận Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các giai đoạn liên quan đến sự cố và kết luận các vi phạm, khuyết điểm của các tổ chức, đơn vị này là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Cùng với đó, nhiều cán bộ lãnh đạo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, tỉnh Hà Tĩnh, Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng liên quan đến sự cố môi trường biển miền Trung cũng bị xem xét, xử lý kỷ luật.

Biển đã “hồi sinh”

Dưới sự giám sát chặt chẽ của các nhà chức trách Việt Nam và người dân sở tại, đến thời điểm này, theo đánh giá của cơ quan chức năng và các nhà khoa học, Formosa đã thực hiện xong khoảng 96 % khối lượng công việc cần làm như đã cam kết với Chính phủ và người dân Việt Nam.

Hiện tại, 4 tỉnh miền Trung đã chi trả được gần 3.700 tỷ đồng trong tổng số gần 4.700 tỷ đồng được tạm cấp. Dự kiến đến hết tháng 6/2017 sẽ hoàn thành dứt điểm công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân. Cuối năm 2016, qua quá trình đo đạc, trắc nghiệm kỹ lưỡng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức công bố trước toàn dân, biển miền Trung đã an toàn. Hàm lượng các chất ô nhiễm trong môi trường biển từ sự cố môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã giảm dần theo thời gian.

Theo các ngư dân, biển đang dần hồi sinh, đặc biệt thời gian gần đây, ngư dân đánh được rất nhiều cá trích, cá bạc má…, đây chính là động lực để ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản trở lại.

Bức tranh đời sống, sinh kế ngư dân đã từng bước phục hồi. Theo số liệu thống kê, hiện nay, các hoạt động nuôi trồng, khai thác, kinh doanh thủy hải sản trên địa bàn đã cơ bản trở lại bình thường. Số tàu khai thác ven bờ công suất dưới 90 CV hoặc không lắp máy hoạt động đạt tỷ lệ 70 - 80%, tàu công suất trên 90 CV từ 85 - 90%. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, trên 4.500 tấn hải sản đã cơ bản được thu mua hết và tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, nuôi trồng thủy sản cũng có bước phát triển đáng mừng khi diện tích nuôi trồng thủy sản mặn lợ cuối năm 2016 đạt 100% kế hoạch với 2.777 ha; hiện nay, các địa phương đang tập trung cải tạo ao hồ, chuẩn bị thả giống vụ nuôi năm 2017.

Từ số tiền bồi thường thiệt hại, ngư dân xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc đầu tư mua ngư lưới, tiếp tục với nghề truyền thống. Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN

Những bước chân chệch hướng

Câu chuyện về sự hồi sinh thần kỳ một năm sau thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima Dai-i-chi (Nhật Bản) như một hình mẫu cho tinh thần sẻ chia, chung tay, cùng cách nghĩ, chung cách làm giữa những người dân, nạn nhân của sự cố với chính quyền. Hai thảm họa này đã làm ít nhất 22.000 người thiệt mạng và hàng ngàn người khác mất gia đình hoặc di tản. Nhưng chỉ sao một năm, với ý chí vươn lên từ khó khăn, bước ra từ đau khổ, Nhật Bản đã hồi sinh bằng những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và của chính những người dân, nạn nhân của thảm họa. Đó cũng là lời lý giải, tại sao nước Nhật, người dân Nhật Bản lại có thể làm cho cả thế giới phải khâm phục như vậy.

Thật đáng tiếc là trong những ngày vừa qua, một số đối tượng cực đoan, lợi dụng chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước với “những bàn tay đen” của các thế lực phản động bên ngoài đã kêu gọi, kích động giáo dân tụ tập đông người, biểu tình, tuần hành, gây rối trật tự công cộng, thậm chí ngang nhiên tấn công người thi hành công vụ, gây mất trật tự an toàn giao thông, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của khu vực miền Trung.

Những “cái loa thâm độc này” cố tình biến vụ việc Formosa làm điểm nhấn để tăng cường khoét sâu mâu thuẫn giữa giáo dân nói riêng và nhân dân nói chung với chính quyền địa phương. Bằng những thủ đoạn được toan tính, sắp đặt, chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước để thực hiện âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân, các đối tượng xấu thông qua những nhân vật tôn giáo thường xuyên kích động, nuôi dưỡng sự phản kháng, mâu thuẫn của những giáo dân và người dân nhẹ dạ, cả tin với chính quyền. Chúng kêu gọi người dân tụ tập vào các ngày nghỉ, ngày chính quyền tổ chức cấp phát tiền đền bù để đòi yêu sách vô lý, thay đổi quy trình thực thi pháp luật của chính quyền.

Không khó để nhìn thấy, những hành vi đen tối, thông qua sự rao giảng về cái gọi là “đạo đức”, “sự công bằng”, “bảo vệ nhân quyền” này chỉ cốt nhằm xuyên tạc, áp đặt quan điểm sai trái lên nhận thức của người dân về một sự thật hiển nhiên, hòng phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân.

Cần khẳng định rõ, những hành vi kích động, xúi giục biểu tình, tụ tập đông người những ngày qua ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã đánh đồng giữa vấn đề ô nhiễm môi trường biển với vấn đề chính trị. Những kẻ xấu đã mang danh bảo vệ môi trường biển để chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết lương-giáo, phá hoại cuộc sống bình yên của mảnh đất miền Trung được đắp xây từ xương máu của biết bao Anh hùng liệt sỹ.

Sự cố môi trường biển miền Trung là một bài học lớn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời cũng là một kinh nghiệm đắt giá trong xử lý những “điểm nóng” về môi trường. Đây cũng chính là điểm mâu thuẫn lâu nay trong mối tương quan giữa đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội mà vẫn bảo đảm giữ gìn, bảo vệ được môi trường trong lành.

Một tư duy mới, một cách nghĩ mới trong phát triển đã được Đảng, Nhà nước nhận định và coi đây là quan điểm bắt buộc trong tầm nhìn lâu dài. Đúng như Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định trước quốc dân đồng bào: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân!”.

Cảnh giác, sáng suốt vì cộng đồng, vì quê hương. Hơn lúc nào hết, những người dân miền Trung không kể lương giáo cần quyết tâm, nỗ lực gìn giữ tình làng, nghĩa xóm, tình đoàn kết giữa nhân dân với chính quyền. Đặc biệt, người dân miền Trung cần kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với hành vi kích động, lôi kéo biểu tình; không thể có “những bước chân chệnh hướng” xâm hại đến thành quả cách mạng của cha anh, phá hoại sự ổn định của hệ thống chính trị, phá vỡ cuộc sống bình yên.

Bảo Trung/TTXVN
Giám sát Formosa thực hiện đúng cam kết xử lý môi trường
Giám sát Formosa thực hiện đúng cam kết xử lý môi trường

Ngày 8/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN