Tổng hợp COVID-19 tuần từ 1-7/11: Chủ động phòng chống dịch trong tình hình mới; đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 trong tuần từ 1-7/11 thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội là tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng tăng trở lại, đặt ra yêu cầu với các địa phương phải chủ động, linh hoạt phòng chống dịch trong tình hình mới, nâng cảnh báo cấp độ dịch; đồng thời, đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi.

Chủ động, linh hoạt phòng chống và nâng cấp cảnh báo cấp độ dịch

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc vùng nguy cơ cao tại TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN.

Tính từ 16 giờ ngày 6/11 đến 16 giờ ngày 7/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 7.646 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 7.631 ca ghi nhận trong nước (tăng 151 ca so với ngày trước đó) tại 56 tỉnh, thành phố (có 3.332 ca trong cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 968.684 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.833 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 963.757 ca, trong đó có 837.585 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 6 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP Hồ Chí Minh (438.624), Bình Dương (238.905), Đồng Nai (72.173), Long An (35.761), Tiền Giang (18.104).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 64 ca; tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.531 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm. So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 24 giờ qua đã thực hiện 100.461 xét nghiệm cho 314.755 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.960.218 mẫu cho 62.212.978 lượt người. Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 89.620.701 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 60.845.405 liều, tiêm mũi 2 là 28.775.296 liều.

Trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng tăng trở lại, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao, nhất là những người về từ các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.

Riêng tại TP Hồ Chí Minh, lập các đội phản ứng nhanh, kích hoạt 40 trạm y tế lưu động với y bác sĩ do các Trung tâm Y tế quận huyện và bệnh viện đảm trách. Các bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân lập danh sách bác sĩ, điều dưỡng dự bị tham gia trạm y tế lưu động trước ngày 8/11, sẵn sàng hỗ trợ quận, huyện chăm sóc và quản lý F0 tại nhà khi được điều động.

Các địa phương khác diễn tập hoạt động mô hình trạm y tế lưu động, nhằm sẵn sàng quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và cộng đồng, xét nghiệm COVID-19, tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19, truyền thông về COVID-19, điều trị và cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác; đồng thời, lên kế hoạch thiết lập vùng phong tỏa, cách ly y tế để thực hiện các biện pháp cần thiết phòng chống dịch COVID-19. 

Đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dưới 18 tuổi

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người từ 12-17 tuổi chính thức triển khai từ đầu tháng 11/2021 trên toàn quốc. Đến nay, đã có các địa phương tiến hành tiêm cho đối tượng này là: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Kiên Giang, Ninh Bình, Quảng Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Tây Ninh, Vĩnh Long...

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ảnh: TTXVN.

Theo thống kê của Bộ Y tế, các tỉnh hiện đã tiêm được hơn 800.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng từ 12 - 17 tuổi. Đến nay, công tác tiêm chủng đã được thực hiện đảm bảo an toàn.

Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, tính đến hết ngày 4/11/2021, Thành phố đã tiêm vaccine phòng COVID-19 được cho 629.604 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi; tỉnh Ninh Bình đã tiêm cho đồng loạt học sinh từ 15 đến dưới 18 tuổi đang học tại các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã hoàn thành công tác tiêm chủng; tỉnh Sóc Trăng cũng bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh từ lớp 10 đến lớp 12, với số lượng gần 31.600 em;  TP Đà Nẵng từ ngày 2/11 bắt đầu chiến dịch tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 Pfizer cho trẻ từ 15 đến dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng, sớm cho học sinh trở lại trường học. Một số tỉnh cũng mới bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi như: Tỉnh Tây Ninh tiêm vaccine phòng COVID-19 từ ngày 5- 31/11 cho 98.489 trẻ em; tỉnh Cà Mau triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi từ ngày 4/11 cho 86.600 trẻ em từ 12-17 tuổi; tỉnh Vĩnh Long triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn từ ngày 3/11 cho 88.500 trẻ trong độ tuổi này... Các tỉnh, thành phố cũng đã có kế hoạch triển khai tiêm cho đối tượng này khi có vaccine phân bổ phù hợp như: TP Hà Nội, Ninh Thuận, An Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long…

Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc, với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Bộ Y tế cũng khẳng định đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em. Hiện, nhiều địa phương cũng đã đề nghị Bộ Y tế phân bổ thêm vaccine để tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. 

Để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hiện nay, có hai hình thức tiêm vaccine là tiêm chủng mở rộng bằng việc đưa trẻ em đi tiêm vaccine theo quy định vào ngày 4, 5 hàng tháng; tiêm chủng trong công tác phòng chống dịch. Trong phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã và đang hướng dẫn các địa phương tổ chức tiêm vaccine để góp phần cùng với các giải pháp khác ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian qua, cũng như trong thời gian tới.  

"Cần phải có. kế hoạch cụ thể, thường xuyên tập huấn, cập nhật về kỹ thuật tiêm đối với từng loại vaccine khác nhau; tổ chức tốt công tác khám sàng lọc, để phân loại những trường hợp không đủ điều kiện tiêm; các cơ quan chức năng của Bộ Y tế phải có hướng dẫn cán bộ y tế ở các tỉnh, thành phố nắm chắc được kỹ thuật tiêm và kỹ thuật xử lý phản ứng sau tiêm; thẩm định kết quả tiêm chủng; thực hiện tốt quy trình vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản vaccine; tuyên truyền để người dân nắm được hiệu quả cũng như phản ứng phụ sau tiêm… Ngoài ra, cần phải làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong hoạt động tiêm chủng để đạt được các mục tiêu cao nhất đã đề ra", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Bộ Y tế cũng đã thành lập 4 đoàn kiểm tra về công tác tiêm vaccine phòng chống COVID-19 tại các khu vực miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên; giao cho lãnh đạo 4 viện: Pasteur TP Hồ Chí Mình, Pasteur Nha Trang, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương đến các địa phương hướng dẫn, chỉ đạo chi tiết, để đảm bảo an toàn trong công tác tiêm chủng nói chung, cũng như tiêm vaccine phòng COVID-19 nói riêng.

Liên quan đến công tác tiêm vaccine, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương thực hiện phân bổ, chỉ đạo tổ chức tiêm vaccine ở các địa phương khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, bảo đảm phủ hết mũi 1 trong vòng 5 ngày cho người trên 18 tuổi; trả mũi 2 kịp, đủ; tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi. Đó là nội dung trong Văn bản 304/TB-VPCP ngày 7/11/2021 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tổ chức lực lượng hỗ trợ tiêm nhanh nhất. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, bảo đảm nguồn thuốc để điều trị sớm ngay từ đầu các trường hợp F0 để giảm thấp nhất chuyển nặng, tử vong.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 6/11: Đồng Nai có số ca nhiễm cao nhất; 800.000 người dưới 18 tuổi đã tiêm vaccine
Tổng hợp COVID-19 ngày 6/11: Đồng Nai có số ca nhiễm cao nhất; 800.000 người dưới 18 tuổi đã tiêm vaccine

Ngày 6/11, Việt Nam ghi nhận 7.491 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó Đồng Nai đứng đầu các địa phương có số ca nhiễm cao nhất. Trước tình hình dịch đang tăng trở lại, nhiều địa phương đã chủ động linh hoạt phòng, chống dịch trong tình hình mới. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi cũng được đẩy mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN