Tổng hợp COVID-19 tuần 24-30/1 tại Việt Nam: Ghi nhận 184 ca mắc do biến thể Omicron; chuẩn bị mọi điều kiện cho học sinh quay lại trường

Thông tin thời sự về dịch COVID-19 tại Việt Nam trong tuần từ 24 - 30/1 thu hút sự quan tâm của dư luận: Cả nước đã ghi nhận 184 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron; các địa phương tập trung mọi điều kiện chuẩn bị cho học sinh quay trở lại trường và chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân 2022 bắt đầu.

Cả nước đã ghi nhận 184 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron

Tính từ 16 giờ ngày 29/1 đến 16 giờ ngày 30/1, Việt Nam ghi nhận 13.694 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong ngày có 121 ca tử vong. Trong số các ca nhiễm mới, có 38 ca nhập cảnh và 13.656 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.444 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 8.196 ca trong cộng đồng). Ngày 30/1/2022, Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 12.084 ca và Sở Y tế Bến Tre đăng ký bổ sung 3.988 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Bắc Ninh và Bến Tre.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là: Thanh Hóa (giảm 227 ca), Bắc Ninh (giảm 189 ca), Đắk Lắk (giảm 178 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là: Phú Yên (tăng 178 ca), Phú Thọ (tăng 148 ca), Hà Nội (tăng 118 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.030 ca/ngày.

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 184 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron tại TP Hồ Chí Minh (92), Quảng Nam (27), Hà Nội (14), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Long An (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (1), Lâm Đồng (1). Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.263.053 ca nhiễm, đứng thứ 31/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.929 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.256.071 ca, trong đó có 2.014.798 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (513.726), Bình Dương (292.858), Hà Nội (128.790), Đồng Nai (99.881), Tây Ninh (88.068).

Từ 17 giờ 30 ngày 29/1 đến 17 giờ 30 ngày 30/1, cả nước ghi nhận 121 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 136 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.668 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Nhằm tăng cường truyền thông về Chiến dịch vận động người dân tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 an toàn, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện: Truyền thông kế hoạch tổ chức Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân toàn quốc theo nội dung tại kế hoạch số 125/KH-BYT ngày 26/01/2022 của Bộ Y tế; Kế hoạch tổ chức chiến dịch tiêm chủng của địa phương để vận động người dân tích cực tham gia Chiến dịch, đi tiêm chủng khi đến lượt và tiêm chủng an toàn. Đồng thời, các địa phương tổ chức truyền thông hướng dẫn người dân thực hiện các quy định đảm bảo an toàn tiêm chủng khi đi tiêm chủng; hướng dẫn người đi tiêm chủng tự theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng theo các khuyến cáo của ngành y tế.

Các địa phương tập trung mọi điều kiện chuẩn bị cho học sinh quay lại trở trường

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm công tác phòng chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Theo Bộ Y tế, thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" trong đó có hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở cửa trường học trở lại, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào việc đánh giá cấp độ dịch của địa phương (đến tận địa bàn cấp xã) để chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy học trực tiếp.

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp khẩn trương xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết, cụ thể và tổ chức diễn tập xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức dạy, học trực tiếp; hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở giáo dục phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn, quy định về "Đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19" của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế khẩn trương triển khai các hoạt động tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học, hiệu trưởng và giáo viên về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp.

UBND tỉnh Tiền Giang đã đồng ý cho học sinh các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên từ lớp 7 đến khối lớp 12 trở lại trường học trực tiếp từ ngày 7/2 (ngày mùng 7 Tết Nhâm Dần). Các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh mở cửa đón học sinh trở lại phải đạt mức an toàn rất cao theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học và phải có kế hoạch, phương án chống dịch được Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 cấp huyện phê duyệt. Người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập tại các cơ sở giáo dục đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc là F0 đã khỏi bệnh, người không thể tiêm vaccine do chống chỉ định. Các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục và “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Trong những ngày giáp Tết và đến trước ngày 7/2, các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư y tế… để có thể đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết một cách an toàn và thuận lợi nhất.

Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Tây Ninh đã có kế hoạch cho tất cả học sinh trở lại trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Cụ thể, từ ngày 7/2, học sinh các lớp 7, 8, 9 và THPT (kể cả hệ giáo dục thường xuyên) sẽ trở lại trường học trực tiếp. Đến ngày 14/2 các cháu mẫu giáo và học sinh lớp 1 đến lớp 6 cũng sẽ đến trường. Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Tây Ninh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị, trường học phát huy tính chủ động sáng tạo, đặt sức khỏe, tính mạng giáo viên, học sinh lên trên hết. Các biện pháp phòng, chống dịch được đưa ra phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương...

Chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân 2022 bắt đầu

Theo phát động của Thủ tướng Phạm Minh Chính, từ 29/1/2022, Chiến dịch tiêm chủng thần tốc mùa Xuân 2022 bắt đầu, ngành Y tế và các cấp, các ngành liên quan sẽ làm việc xuyên Tết, "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người" để đảm bảo hoàn thành mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ các đối tượng được chỉ định, nhất là với những người cao tuổi, người có bệnh nền. Để đảm bảo người dân đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm vaccine trong thời gian Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Hà Nội đến tại nhà tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người già. Ảnh: Ngọc Ánh/Báo Tin tức.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương việc tiếp tục tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc hơn nữa để hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên trong tháng 1/2022, tiêm mũi 3 (liều nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022, không để sót đối tượng, đặc biệt là người có nguy cơ cao. Các địa phương lập kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 trong dịp Tết Nguyên Đán để đảm bảo nhu cầu tiêm chủng của người dân không bị gián đoạn; tổ chức tiêm đúng đối tượng, đúng chỉ định và theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Nhà sản xuất đảm bảo tiết kiệm, khoa học, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí vaccine; thông báo cho người dân biết và tham gia tiêm chủng; bố trí công tác tiêm chủng bao gồm việc tổ chức buổi tiêm, xử trí, theo dõi phản ứng sau tiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ ngành y tế trong công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong dịp Tết Nguyên đán để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu bao phủ vaccine, góp phần kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo quy định. Đến ngày 26/1/2022, tỷ lệ bao phủ 2 liều vaccine cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đã đạt trên 95% và đối tượng từ 12 đến 17 tuổi đã đạt trên 87%.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng hợp COVID-19 ngày 29/1: Thêm 15.150 ca nhiễm mới; Chính phủ chỉ đạo không lơ là phòng, chống dịch trong dịp Tết
Tổng hợp COVID-19 ngày 29/1: Thêm 15.150 ca nhiễm mới; Chính phủ chỉ đạo không lơ là phòng, chống dịch trong dịp Tết

Ngày 29/1, Việt Nam thêm 15.150 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội vẫn dẫn đầu số ca mắc. Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, mặc dù dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi toàn quốc, số ca bệnh nặng và đặc biệt là số ca tử vong giảm sâu; tuy nhiên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp cần tổ chức ứng trực 24/24 để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch thông suốt, kịp thời trong dịp Tết Nhâm Dần.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN