Việt Nam ghi nhận có 4.377 ca mắc mới trong cộng đồng
Tính từ 17 giờ ngày 24/9 đến 17 giờ ngày 25/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 9.706 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 9.682 ca ghi nhận trong nước, tăng 1.152 ca so với ngày trước đó. Đáng chú ý, có 4.377/9.706 ca mắc mới được phát hiện trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca mắc cao là TP Hồ Chí Minh với 4.046 ca, Bình Dương là 3.629 ca, Đồng Nai 996 ca, Long An 193 ca, Bình Phước 147 ca, An Giang 117 ca...
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Kiên Giang (-112), Đồng Tháp (-34), Tiền Giang (-31). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Dương (651 ca), TP Hồ Chí Minh (260 ca), Đồng Nai (193 ca).
Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 25/9 là 10.590 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 516.449 ca. Ngoài ra, trong ngày 25/9 cũng có 180 ca tử vong, gồm TP Hồ Chí Minh (123 ca), Bình Dương (34 ca), Đồng Nai (7 ca), An Giang (3 ca), Tiền Giang (3 ca), Tây Ninh (3 ca), Bến Tre (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Bình Thuận (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Cần Thơ (1 ca).
Như vậy, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 9.940 ca/ngày. Riêng từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 742.174 ca, trong đó có 511.270 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 16 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.
Trong ngày 25/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 180 ca tử vong tại TP Hồ Chí Minh (123 ca), Bình Dương (34 ca), Đồng Nai (7 ca), An Giang (3 ca), Tiền Giang (3 ca), Tây Ninh (3 ca), Bến Tre (2 ca), Đà Nẵng (2 ca), Bình Thuận (1 ca), Kiên Giang (1 ca), Cần Thơ (1 ca).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 220 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 18.400 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Trong 24 giờ qua, Việt Nam cũng đã thực hiện 189.606 xét nghiệm cho 400.433 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 17.805.333 mẫu cho 51.127.500 lượt người.
Trong ngày 24/9, có 786.421 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 37.583.248 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 30.027.703 liều, tiêm mũi 2 là 7.555.545 liều.
Để chủ động sẵn sàng triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng các hướng dẫn sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 mới ngay sau khi được Bộ Y tế phê duyệt (vaccine Hayat-Vax; vaccine Abdala...); cập nhật hướng dẫn đối với các loại vaccine đã và đang được sử dụng (nếu có) là: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Vero Cell và Johnson & Johnson. Lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức tập huấn, đào tạo hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trước ngày 5/10.
Ngày 25/9, khoảng 400.000 liều vaccine AstraZeneca đã được chuyển về Việt Nam. Như vậy, số vaccine lần này được tiếp nhận đã nâng tổng số vaccine Nhật Bản viện trợ lên khoảng 3,58 triệu liều.
Thủ tướng: Phấn đấu đến ngày 30/9 trở lại trạng thái bình thường mới
Với tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, một số địa phương đã nới lỏng giãn cách xã hội, tuy nhiên dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Theo đó, sáng ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (Ban Chỉ đạo) cho biết Ban Chỉ đạo thống nhất chuyển chủ trương từ “Không COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội; khoảng ngày 30/9/2021 trở lại trạng thái bình thường mới, tùy tình hình cụ thể của từng địa phương.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thời gian qua các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ đã huy động được cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp vào cuộc phòng, chống dịch; biểu dương, ghi nhận công sức của các lực lượng tuyến đầu, Tổ COVID-19 cộng đồng, các tổ chức, cá nhân tình nguyện đã phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, hy sinh vì sức khỏe người dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc…
Tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song công tác phòng, chống dịch COVID-19 những ngày qua vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như: Công tác tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu, chậm được khắc phục, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương. Một số địa phương chưa chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các quy định, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế nên hiệu quả phòng, chống dịch có nơi chưa cao. Tốc độ xét nghiệm vẫn chậm hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh. Việc khoanh vùng, dập dịch có nơi còn ở phong tỏa diện quá rộng, quá mức cần thiết. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội cơ bản tốt nhưng có lúc, có nơi vẫn chưa bao quát đủ đối tượng…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, tình hình dịch đang cơ bản được kiểm soát, nên các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, đồng thời thúc đẩy khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, theo các tiêu chí, hướng dẫn tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.
Các bộ, ngành, địa phương thành lập ngay các Tổ Công tác về phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội do người đứng đầu làm Tổ trưởng; đồng thời xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển kinh tế -xã hội phù hợp với đặc điểm, tình hình.
Về vấn đề vaccine, cùng với tổ chức tiêm chủng vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học, theo đối tượng ưu tiên, địa bàn ưu tiên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ động chuẩn bị vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch cho thời gian trước mắt và cả trong những năm tiếp theo...
Đề xuất nới lỏng vận tải hành khách, không bắt buộc tiêm vaccine
Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, trong dự thảo mới (lần 2) về tổ chức hoạt động vận tải trong tình hình mới, Bộ Giao thông vận tải đã bỏ quy định về tiêm vaccine đối với hành khách liên tỉnh cũng như nới lỏng một số quy định về vận tải hành khách…
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải cho hay đã có những tiếp thu mới về Tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không trong thời gian các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, tại dự thảo mới, Bộ Giao thông vận tải quy định không tổ chức vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại của người dân đang cư trú tại địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trừ các trường hợp được cấp có thẩm cho phép. Các cảng hàng không, ga đường sắt ở địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg được hoạt động và tiếp nhận hành khách để đi, đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Tổ chức vận tải hành khách theo mức độ hạn chế tỷ lệ phần trăm phương tiện kinh doanh vận tải, hành khách của từng phương thức vận tải.
Tại các địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện mức độ bình thường mới sẽ tổ chức vận tải hành khách hoạt động bình thường.
Dự thảo lần này, Bộ Giao thông vận tải bỏ 2 phương án quy định đối với hành khách và bỏ quy định về tiêm vaccine. Thay vào đó chỉ yêu cầu hành khách khi đi trên phương tiện vận tải đi, đến địa phương hoặc địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 19/CT-TTg phải thực hiện nghiêm Nguyên tắc 5K. Đồng thời, khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế, khai báo trên địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; thực hiện quy định về phòng, chống dịch COVID-19 đối với người tham gia giao thông theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với đơn vị kinh doanh vận tải, yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 định kỳ 14 ngày/lần cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.
Ngoài ra, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe phải đáp ứng một trong các tiêu chí: đã tiêm đủ liều vaccine; trong đó, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm đi trên phương tiện, có chứng nhận tiêm chủng trên sổ sức khỏe điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng đủ liều của cơ sở tiêm chủng. Người đã mắc và khỏi bệnh COVID-19, có giấy xác nhận khỏi bệnh không quá 6 tháng của ngành y tế.
Người có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên được thực hiện trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận kết quả.
Khẩn trương xây dựng hướng dẫn sử dụng vaccine COVID-19 Hayat-Vax, Abdala
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Dự án tiêm chủng mở rộng - Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương về việc xây dựng hướng dẫn tiêm chủng các loại vaccine phòng COVID-19.
Hiện nay đã có thêm một số vaccine COVID-19 được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng khẩn cấp. Để chủ động sẵn sàng triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, Cục Y tế dự phòng đề nghị Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẩn trương xây dựng các hướng dẫn sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 mới ngay sau khi được Bộ Y tế phê duyệt (vaccine Hayat-Vax, vaccine Abdala...).
Đồng thời cập nhật hướng dẫn đối với các loại vaccine đã và đang được sử dụng là: AstraZeneca, Sputnik V, Pfizer, Moderna, Vero Cell và Johnson & Johnson.
Bộ Y tế đề nghị Dự án tiêm chủng mở rộng phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực lập kế hoạch và khẩn trương tổ chức tập huấn, đào tạo hướng dẫn tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc trước ngày 5/10.
Trước đó ngày 20/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 109 về việc mua 10 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Abdala do Trung tâm Kỹ thuật di truyền và công nghệ sinh học Cuba sản xuất.
Đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận khoảng 53 triệu liều vaccine và đã phân bổ 47 đợt khoảng 50,2 triệu liều vaccine cho các địa phương; trong đó, ngày 19/9 là đợt phân bổ nhiều nhất với 8 triệu liều vaccine trong 1 đợt.