Tổng Bí thư thăm và làm việc tại Thanh Hóa

Trong 2 ngày 31/7 và 1/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xem Qui hoạch sử dụng đất Cảng Nghi Sơn đến năm 2030. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

 

Tham gia đoàn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành cơ quan Trung ương.

 

Sau khi kiểm tra tình hình thực tế tại địa phương, cơ sở, chiều 1/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đã làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh.

 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Bí thư nêu rõ: Thanh Hóa là một tỉnh lớn, dân đông, có vị trí quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, một tỉnh giàu truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng, đang trên đà đổi mới đi lên. Tổng Bí thư nhất trí với báo cáo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc tự phê bình và phê bình, phân tích khá rõ những kết quả đạt được, cũng như tồn tại hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và xác định phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.

 

Tổng Bí thư hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, trong điều kiện khó khăn chung, nhưng đã nỗ lực cố gắng, với tinh thần quyết tâm cao, quyết liệt, ráo riết, phong cách làm việc có nhiều đổi mới, sáng tạo và đã đạt được những kết quả khả quan trên các lĩnh vực công tác.

 

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Thanh Hóa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, bình quân đạt 11,3%/năm; quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,54 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người ước đạt 1320 USD/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2014 tỷ trọng công nghiệp – xây dựng ước đạt 42%, dịch vụ đạt 39,6%, nông nghiệp còn 18,4%. Thu ngân sách nhà nước năm 2014 ước đạt 7000 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2010. Thu hút đầu tư, huy động vốn đầu tư phát triển đạt kết quả cao; nhiều dự án lớn đã được triển khai thực hiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế cũng như nâng cao vị thế của tỉnh. Năm 2013 Thanh Hóa đứng thứ 8 cả nước về thu hút vốn FDI, đứng thứ 6 về chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương, đứng thứ 8 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện sáng tạo, đến năm 2013 đã có 19 xã được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh đạt 10,32 tiêu chí/xã...

 

Tổng Bí thư đánh giá cao những cách làm mới, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng tại Thanh Hóa. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng được triển khai thực hiện bài bản, nghiêm túc, qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình đã chỉ ra những thiếu sót khuyết điểm, xử lý kỷ luật nghiêm những đồng chí sai phạm. Nhờ đó, tình hình có chuyển biến rõ nét, từng đồng chí có điều chỉnh, nội bộ đoàn kết hơn và quyết tâm khắc phục sai phạm.
Công tác tổ chức cán bộ được triển khai thực hiện đồng bộ, công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ được chú trọng, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thu hút nhà đầu tư.

 

Tuy nhiên, Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo, thu vẫn chưa đủ chi, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (22%), đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn và tỉnh còn nhiều việc bồn bề cần tiếp tục giải quyết, Tổng Bí thư chỉ rõ.

 

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Bí thư lưu ý Thanh Hóa cần nhận rõ bối cảnh tình hình hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng còn rất nhiều khó khăn, tình hình diễn biến phức tạp khó lường; trên cơ sở đó tỉnh đề ra các quy hoạch, kế hoạch phát triển cho phù hợp, khả thi.

 

Thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ còn rất ít, trong khi tỉnh còn 5 chỉ tiêu quan trọng chưa đạt được, lại phải chuẩn bị chu đáo cho Đại hội Đảng các cấp. Bởi vậy, Thanh Hóa phải rất quyết liệt, cố gắng cao nhất, tập trung, huy động các nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đã đề ra.

 

Cùng với thực hiện tốt các nhiệm kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, Thanh Hóa cần tập trung chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chuẩn bị cả về văn kiện và nhân sự. Đại hội là dịp để làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, củng cố tổ chức, kiện toàn cán bộ, đổi mới phương công tác, lề lối làm việc, giữ gìn cho được phẩm chất đạo đức lối sống trong sáng, chống cho được tham nhũng tiêu cực. Nếu không làm tốt công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, coi đây là nhiệm vụ then chốt của then chốt, thì không làm tốt được các nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư mong muốn Thanh Hóa làm tốt hơn nữa công tác xây dựng chính trị nội bộ, công tác dân vận.

 

Về phương hướng nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội XI, các Nghị quyết của Trung ương là: Phát triển nhanh nhưng phải bền vững, rộng nhưng phải theo chiều sâu, kinh tế phải gắn với xã hội và bảo vệ môi trường, không ham chiều rộng, làm đâu chắc đấy, từng bước vững chắc. Tăng trưởng nhanh là tốt nhưng vấn đề môi trường thế nào, văn hóa xã hội, con người thế nào?... phải bảo đảm bền vững.

 

Tổng Bí thư cho rằng, Thanh Hóa cần tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện phát triển tốt khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, coi đây là khâu đột phá, là hướng đi đúng, đưa tỉnh bứt phá đi lên. Bên cạnh đó, Thanh Hóa vẫn phải chú trọng kinh tế nông lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của tỉnh, chất lượng cao gắn với chế biến. Đặc biệt, Thanh Hóa cần chú ý đúng mức phát triển kinh tế biển, hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, gắn với bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, đây là chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước.

 

Tổng Bí thư ghi nhận các kiến nghị xác đáng, xuất phát từ thực tiễn của tỉnh và yêu cầu các bộ, ban, ngành hỗ trợ cao nhất để Thanh Hóa tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, phải tính toán kỹ, sao cho khả thi, tập trung vào những việc thật sự cần thiết; phải huy động tối đa các nguồn lực đầu tư, nguồn lực trong dân cho đầu tư phát triển.

 

Theo báo cáo của tỉnh, trong tổng số 24 chỉ tiêu chủ yếu, Thanh Hóa đã hoàn hành vượt kế hoạch 6 chỉ tiêu, có khả năng hoàn thành 13 chỉ tiêu, còn lại 5 chỉ tiêu khó hoàn thành nhưng ước đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

 

Trong giai đoạn tới, Thanh Hóa kiến nghị Trung ương cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn từ 18.000 ha hiện nay lên 60.000 ha và nghiên cứu hình thành đô thị công nghiệp Nghi Sơn; mở rộng quy mô Khu công nghiệp Lam Sơn – Sao Vàng; xem xét triển khai dự án xây dựng đường bộ cao tốc Ninh Bình – Nghi Sơn; hỗ trợ hoàn thành dự án nạo vét luồng tàu cho tàu tải trọng 50.000 DWT; sớm xây dựng đề án liên kết vùng để phát huy hiệu quả Khu kinh tế Nghi Sơn và Cảng nước sâu Nghi Sơn...

 

* Sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn; thị sát tình hình thi công trên công trường Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, động viên cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc tại Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn và thăm Cảng Nghi Sơn.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vui mừng nhận thấy Khu kinh tế Nghi Sơn đang từng bước được hình thành. Với diện tích hơn 18.000 ha bao gồm 12 xã ở huyện Tĩnh Gia, được thành lập từ năm 2006, Khu Kinh tế Nghi Sơn là động lực phát triển kinh tế hướng biển của t ỉ nh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ, là 1 trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước . Nhờ thực hiện các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, cả về cải cách thủ tục hành chính, quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết, đến nay Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được nhiều dự án lớn, mang tầm quốc gia và có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

 

Riêng Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn/năm; tháng 7/2013, tỉnh đã bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng, dự kiến năm 2016 đi vào hoạt động và năm 2017 bắt đầu có sản phẩm thương mại. Tổng Bí thư khẳng định, đây là hướng đi đúng đắn, đưa Thanh Hóa phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn kết nhiều ngành nghề khác nhau. Tổng Bí thư tin tưởng, với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và địa phương, sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, công nhân viên, người lao động, nhà đầu tư, các công trình, dự án sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng đúng tiến độ. Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ phát triển từng bước vững chắc, có hiệu quả cao, góp phần đưa Thanh Hóa bứt phá nhanh trong thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển chung của khu vực và cả nước.

 

* Trước đó, chiều 31/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa và trồng cây lưu niệm tại Đền thờ các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng Liệt sỹ, tại phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa; tri ân công lao đóng góp và những hy sinh to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng liệt sỹ trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc.

 

* Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cũng đã đến dâng hương, dâng hoa tại Khu văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với vị cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

 

Nguyễn Sự - Đức Phương

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Ngân hàng Thế giới

Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả và những đóng góp tích cực của Ngân hàng Thế giới đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN