Từ thực tế kiểm tra của Tổ công tác tại các bộ, ngành, địa phương, chỉ rõ những chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, nhiều nhóm hàng phải chịu sự kiểm tra của nhiều bộ hoặc của nhiều đơn vị trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì, chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và do một đơn vị chức năng thuộc Bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý kiểm tra. Hiện nay, Bộ đã ban hành được 645 quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn Việt Nam, Bộ cần khẩn trương ban hành 13 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và 127 quy chuẩn Việt Nam còn lại, hoàn thành trong năm 2018.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, ban hành văn bản hợp nhất các danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành để thuận tiện cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan, ban hành danh mục phải có mã số HS phù hợp.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc bày tỏ ấn tượng với đề xuất tạo điều kiện để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động kiểm nghiệm, kiểm chứng phục vụ hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Theo ông Lộc, khó khăn lớn nhất trong kiểm tra chuyên ngành hiện nay là tình trạng độc quyền, vì độc quyền mà quá tải đã xảy ra ở một số khâu, cần đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo xóa bỏ độc quyền và tạo thuận lợi cho kiểm tra chuyên ngành.
Từ góc độ của tổ chức hội, băn khoăn về những bất cập, chồng chéo trong việc ban hành cũng như thực hiện cùng lúc nhiều văn bản pháp luật về kiểm soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là trong thực hiện Nghị định 38/2012/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tổng hợp, xem xét sớm ban hành nghị định sửa đổi cùng lúc các nghị định về kiểm tra chuyên ngành để phù hợp với tình hình thực tế. Theo đó cắt giảm thủ tục, giảm mặt hàng phải kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, thay đổi hình thức quản lý… để kéo giảm tỷ lệ hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Bà Chi cũng không khỏi băn khoăn trước quy định của Bộ Y tế về việc các doanh nghiệp sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường i-ốt.
Trước ý kiến của bà Lý Kim Chi, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc lại việc kiểm tra tại Bộ Y tế là nặng nề nhất. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã 3 lần tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và ngành hàng, hiệp hội liên quan đến sử dụng muối i-ốt để chế biến thực phẩm và đã kết luận một bộ phận doanh nghiệp sản xuất thực phẩm vẫn cần sử dụng muối dùng chế biến thực phẩm không chứa i-ốt. Cần có hướng dẫn cụ thể với những dòng sản phẩm thực phẩm không sử dụng muối i-ốt. Tuy nhiên, sau hội nghị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế lại thừa lệnh Bộ trưởng ký một văn bản ngược hoàn toàn kết luận của Phó Thủ tướng.
"Tôi đã đưa ra một văn bản thừa lệnh Thủ tướng Chính phủ thông báo về việc thực hiện không đúng theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Và chúng tôi tính rồi, yêu cầu phải sửa theo trình tự thủ tục rút gọn. Và ngay sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để nêu việc này ra. Xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ là sẽ mời các bộ, ngành để thống nhất xử lý một số việc, trong đó có việc liên quan đến muối i-ốt. Không thể để thế này được", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Ông cho biết đã yêu cầu sửa nhưng Bộ Y tế dứt khoát không sửa. “Việc nhỏ nhưng Bộ cũng không làm được, không thể để rào cản thế này được, Bộ không làm thì Chính phủ làm”, Bộ trưởng nêu rõ.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Tiếp tục rà soát sâu 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, trong năm 2017, Bộ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5 %), gồm: bãi bỏ 81 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 205 thủ tục hành chính. Để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 văn bản trong Quý I/2018. Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.
Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo quán triệt từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Về cơ bản, các thủ tục hành chính liên quan kiểm tra chuyên ngành từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế. Đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, việc chuyển sang phương thức kiểm tra ngay trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận khi doanh nghiệp có yêu cầu, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí…
Hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành gồm 32 thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 8 thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Bộ đề nghị cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo nguyên tắc cắt giảm tối đa đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các Công ước quốc tế một cách linh hoạt, phù hợp; quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.