Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Hà Tĩnh

Ngày 16/12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Hà Tĩnh về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao từ ngày 1/1/2016 - 5/12/2016.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo việc thực hiện những nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt là việc chi trả tiền cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường, việc áp giá đền bù và tiến hành tiêu hủy hải sản tại các kho đông lạnh, khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường, sau thiên tai lũ lụt. Đến nay, tỉnh đã chi trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường với số tiền trên 500 tỷ đồng; hoàn thành việc hỗ trợ trên 6.240 tấn gạo cho 19.247 hộ, hỗ trợ trên 23 tỷ đồng cho 5.012 chủ tàu, thuyền.

Tỉnh đã hỗ trợ 125 triệu đồng, lập 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn; 561,28 triệu đồng (50%) chi phí tiền điện cho 35 cơ sở đông lạnh tạm trữ hải sản từ tháng 4 đến tháng 9/2016; 100% lãi suất vay ngân hàng cho các tổ chức vay vốn để mua muối cho diêm dân từ tháng 6-9/2016; hỗ trợ đóng mới 36 tàu cá trên 90CV, cải hoán 6 tàu cá lên trên 90CV. Hà Tĩnh cũng tiến hành tiêu hủy 295 tấn hải sản không đảm bảo an toàn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng biểu dương tỉnh Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu về xây dựng nông thôn mới, có những cách làm hay trong tích tụ ruộng đất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sản xuất theo chuỗi giá trị. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quan tâm đầu tư chăn nuôi, trồng trọt. Bộ trưởng cũng khẳng định, là tỉnh chịu thiệt hại lớn sau sự cố môi trường nhưng Hà Tĩnh đã nhanh chóng triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện tốt việc khôi phục sản xuất, bồi thường thiệt hại sau sự cố môi trường, từng bước ổn định đời sống nhân dân.

Bộ trưởng cùng tổ công tác chứng kiến việc tiêu hủy hải sản tại huyện Lộc Hà. Ảnh Công Tường-TTXVN

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Hà Tĩnh lập hội đồng kiểm kê, phân loại đối với 1.142 tấn hải sản còn lại, số hải sản an toàn và đảm bảo chất lượng cho tiêu thụ, số hư hỏng phải tiêu hủy ngay. Riêng 339 tấn cá khô, tép, moi và 150 tấn sứa là lượng hải sản tồn đọng, không tiêu thụ được trước khi xảy ra sự cố môi trường, đoàn công tác sẽ báo cáo với Chính phủ để có phương án giải quyết hợp lý. Tỉnh cần tiếp tục bám sát tình hình chi trả bồi thường, đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là trong những tháng giáp Tết.

Nhờ có các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và tỉnh, hiện nay hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Hà Tĩnh đã trở lại bình thường, diện tích nuôi mặn, lợ đã thả nuôi 2.638 ha, đạt 95% kế hoạch. Số tàu khai thác ven bờ hoạt động đạt từ 70 - 80%, tàu khai thác xa bờ đạt từ 85 - 90%; sản lượng hải sản khai thác được thu mua và tiêu thụ ổn định.


Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn đề nghị Chính phủ sớm ban hành Đề án và chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển để Hà Tĩnh triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cần bổ sung đối tượng bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường để người dân yên tâm lao động, sản xuất.

Trước đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cùng Tổ công tác đã kiểm tra tình hình các kho đông lạnh ở huyện Lộc Hà và thị sát việc tổ chức tiêu hủy hải sản tại các kho đông lạnh.
Công Tường (TTXVN)
Quảng Bình tiêu hủy trên 606 tấn hải sản tồn kho
Quảng Bình tiêu hủy trên 606 tấn hải sản tồn kho

Dự kiến, công tác tiêu hủy số thủy hải sản không đảm bảo an toàn sẽ hoàn thành ngày 14/12/2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN