Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII:

Tinh thần đổi mới và sự đồng thuận của cử tri

Ghi dấu những đổi mới mang tính đột phá, Kỳ họp thứ 10 trở thành một điểm nhấn đặc biệt trong chặng đường hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất.


Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước dự phiên bế mạc. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN

Gần 40 ngày nghị trình sôi động, đầy cảm xúc của Kỳ họp thứ 10 – Kỳ họp cuối năm 2016 và cũng là Kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã khép lại trong tiếng nhạc Tiến quân ca hào sảng và sự đồng thuận cao của đồng bào, chiến sỹ, cử tri cả nước. Ghi dấu những đổi mới mang tính đột phá cả trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Kỳ họp thứ 10 trở thành một điểm nhấn đặc biệt trong chặng đường hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất – nơi mỗi phát ngôn, mỗi lần bấm nút của đại biểu Quốc hội đều đau đáu nỗi lòng và nguyện vọng của cử tri.

“Chặng nước rút” thi hành Hiến pháp

Hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Quốc hội đã dành thời gian xem xét, thông qua 16 luật, một số nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Việc hoàn thành sửa đổi, xây dựng mới các đạo luật cơ sở, có vị trí đầu bảng, chi phối các nhánh pháp luật hình sự, dân sự, hành chính trong hệ thống pháp luật nước nhà đánh dấu một “chặng nước rút” mang ý nghĩa to lớn trong tiến trình triển khai thi hành Hiến pháp 2013 – dấu ấn lớn nhất của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII.

Như đánh giá của đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 cho rằng, hầu như tất cả những nội dung còn lại trong chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đã được hoàn thành tại Kỳ họp thứ 10.

Dễ dàng nhận thấy những nét nổi bật là việc Bộ luật Hình sự sửa đổi vừa được thông qua đã bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Liên quan đến “quyền im lặng” trong tố tụng hình sự, đảm bảo tốt hơn quyền con người, Quốc hội đã luật hóa quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo mà không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội. Đó là những thay đổi rất mới, rất tiến bộ, là kết quả của quá trình đấu tranh về tư tưởng lập pháp, tiếp thu ý kiến và khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Quốc hội trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, tinh thần thượng tôn pháp luật trong Hiến pháp.

Hay như dự án Luật tạm giữ, tạm giam cũng với một quy định mới đáng chú ý và hết sức tiến bộ, thể hiện tinh thần bảo hiến một cách rõ ràng là việc đảm bảo quyền bầu cử; quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân đối với người bị tạm giam, tạm giữ.

Đặc biệt, cũng tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia gồm 21 thành viên, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vào ngày Chủ nhật 22/5/2016. Quốc hội đã bầu Tổng thư ký để thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội từ 1/1/2016. Đây là những kết quả mang tính nền tảng, hình thành bộ khung chỉ đạo toàn bộ hoạt động bầu cử - sự kiện chính trị trọng đại của đất nước trong năm 2016.

Nhìn vào gốc của sự phát triển

Như thông lệ, tâm điểm của những Kỳ họp Quốc hội cuối năm luôn là những vấn đề về kinh tế - xã hội qua những con số thống kê cả năm, cả nhiệm kỳ. Các phiên thảo luận về nội dung này tại Kỳ họp thứ 10 đã thu hút hàng triệu lượt cử tri, nhân dân theo dõi bởi những vấn đề thời sự nóng bóng từ cây lúa, bát cơm của người nông dân đến định hướng ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập quốc tế của Chính phủ.

Là Kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ, Kỳ họp thứ 10 ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu mang tính tổng kết của đại biểu Quốc hội đối với hiệu quả quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực, ngành nghề.

Song, một trong những vấn đề nổi trội giữa các luồng ý kiến là vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Với phần lớn dân số sinh sống nhiều đời gắn với cánh đồng, vườn rau, ruộng lúa, nội dung thảo luận về nông nghiệp nông thôn nhận được sự quan tâm lớn của cử tri nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Những mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nông - nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp; mô hình cánh đồng mẫu lớn, năng xuất cao, sản xuất quy mô hay gợi ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về nhà thứ 5 đó là nhà tài chính được các đại biểu và cử tri hưởng ứng mạnh mẽ và coi đây cũng là một mắt xích quan trọng bổ sung cho liên kết các nhà trong nông nghiệp, tạo ra hiệu quả cao hơn.

Đáng chú ý, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn của nền kinh tế và diễn biến phức tạp từ kinh tế thế giới, Quốc hội đã phối hợp, cân đối nguồn tài chính cùng Chính phủ và thống nhất, quyết định điều chỉnh tiền lương đối với các đối tượng trong xã hội theo từng mức, lộ trình cụ thể. Đây là một nỗ lực rất lớn của Quốc hội và Chính phủ trong đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho nhân dân song song với đẩy mạnh tăng cường phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Các buổi thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp qua đi, ghi nhận sự “truy vấn” quyết liệt của các đại biểu Quốc hội về trách nhiệm cũng như cách giải quyết những vấn đề thiết thực của cuộc sống.

“Phải đấu tranh quyết liệt với việc nhập khẩu chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi như đấu tranh với tội phạm ma túy”; “kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ, để tẩm ướp vào thực phẩm rau quả mang ra thị trường...”, đã có rất nhiều phát ngôn rất khẩn thiết, rất đời thường của các đại biểu Quốc hội vì cuộc sống của nhân dân, vì bức xúc của cử tri như vậy.

Cảm nhận sức nóng của Hiệp định TPP đang ‘phả vào gáy”, các đại biểu Quốc hội kêu gọi sự đồng lòng không chỉ ở Quốc hội, Chính phủ mà mọi người dân, doanh nghiệp và bộ máy công chức phải nhận thức đầy đủ cơ hội, thách thức để tận dụng được cơ hội, chủ động hội nhập thành công ngay trên sân nhà mà giải pháp quan trọng và cấp bách nhất chính là đột phá vào yếu tố con người.

Kỳ chất vấn chưa có tiền lệ

Chất vấn và trả lời chất vấn là dấu ấn sâu đậm nhất, đáng nhớ nhất tại Kỳ họp thứ 10. Cử tri, đồng bào cả nước đã được chứng kiến một Kỳ chất vấn với một cách thức tiến hành hoàn toàn mới, không chốt danh sách các thành viên Chính phủ cũng không theo nhóm vấn đề.
 
Đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động của cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó thủ tướng Chính phủ và 16 bộ trưởng, trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đều cùng trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội. Đánh giá về điều chưa từng có tiền lệ này, ông Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng: “Tôi nghĩ việc trả lời chất vấn của Chủ tịch Quốc hội rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong hệ thống của chúng ta để thấy rằng không có ai nằm ngoài việc phải trả lời chất vấn”. Như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đây cũng là dịp để kiểm nghiệm, đánh giá hiệu quả hoạt động giám sát, chất vấn nhiệm kỳ vừa qua, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này của Quốc hội.

Đổi mới chất vấn của Quốc hội còn là dịp để hệ thống lại những vấn đề đã chất vấn đối với Chính phủ và các thành viên của Chính phủ và nhận được sự tán thành của các đại biểu Quốc hội. Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), việc hệ thống lại toàn bộ lời hứa của các Bộ trưởng, Trưởng ngành tạo nên một điểm nhấn của các phiên chất vấn kỳ này là thời gian dành cho Đại biểu Quốc hội hỏi cũng được nhiều hơn và đại biểu đã hỏi được nhiều thành viên Chính phủ hơn. Còn đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) thì cho rằng, hình thức chất vấn này là cần thiết, hoàn toàn phù hợp với chức năng chính của Quốc hội là giám sát thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng là vấn đề rất được trông đợi từ phía cử tri.

Không trực tiếp điều khiển phiên chất vấn như những Kỳ trước bởi chính Chủ tịch Quốc hội cũng nằm trong danh sách trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội – một cách làm mới lần đầu tiên xuất hiện trong sinh hoạt nghị trường, song sự can dự đúng lúc, đúng thời điểm và đầy quyết đoán của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận được rất nhiều sự tán thành của cả đại biểu Quốc hội và cử tri.

Không hài lòng về phần trả lời có phần dài dòng, chưa rõ ý của Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình về quy định hàm của công chức, viên chức, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải 3 lần cất lời, chỉnh hướng, đề nghị vị Bộ trưởng trả lời dứt điểm, trả lời thẳng vào câu hỏi của đại biểu. Cuối cùng, câu trả lời ngắn gọn chỉ 3 chữ “Dạ, đúng rồi” của Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đã làm thỏa mãn cả cử tọa và cử tri.

Cũng buộc phải can thiệp để tiết kiệm thời gian cho buổi chất vấn, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đã phải 2 lần ngắt lời Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, yêu cầu Bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề khi Bộ trưởng còn đang loay hoay diễn giải vấn đề thu hồi nợ thuế.

Trao đổi về những dấu ấn của phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cảm xúc: “Tôi thấy, Chủ tịch đã điều hành rất hợp lý chứ không hề gây bức xúc". Nếu tôi bị Chủ tịch ngắt lời như thế tôi cũng sẽ rất hài lòng. Là bởi vì thời gian có hạn, những vấn đề gì cần thì phải đi thẳng vào trả lời đúng vấn đề. Đấy cũng là một điều rất cần của người chủ trì”.

Sự xuất hiện của Chủ tịch Quốc hội giữa cuộc chất vấn đã làm nên những nét kịch tính và hấp dẫn cho những câu hỏi và trả lời. Rõ ràng, cách chất vấn truy đến cùng vừa tránh được cách trả lời diễn giải, dài dòng đồng thời hướng thẳng đến trách nhiệm của các bộ trưởng đối với những vấn đề thuộc mình quản lý. 

“Chủ tịch can thiệp là cần thiết chứ, khi “câu giờ” cần phải can thiệp, vì quy định cũng đã có rõ ràng là người trả lời chất vấn phải đi vào trọng tâm. Thậm chí đại biểu hỏi dài, không đúng quy định thì chủ toạ cũng có điều chỉnh chứ, sự điều chỉnh từ hai phía là cần thiết”, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) bình luận.

Việc tổ chức hoạt động giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã ban hành cho thấy là một việc làm hết sức cần thiết, có tác động rất tích cực đến các cơ quan chịu sự giám sát, làm chuyển biến mạnh mẽ những lĩnh vực, những vấn đề được giám sát, nâng cao trách nhiệm thực hiện của các cơ quan chịu sự giám sát đối với những vấn đề Quốc hội đã yêu cầu tại các nghị quyết đã ban hành. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Kỳ chất vấn đăc biệt thực hiện theo hình thức mới lần này đã mở ra 1 cách thức mới không chỉ nâng cao hiệu quả chất vấn mà còn góp phần quan trọng vào việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác điều hành của Chính phủ.

175 câu hỏi của đại biểu Quốc hội và phần trả lời của các tư lệnh ngành đã thổi bùng sức nóng, sức cuốn hút cử tri, công luận bắt đầu từ đổi mới cách chất vấn của Quốc hội. Nhưng hiệu quả và hấp dấn hơn cả là những vấn đề đặt ra từ cuộc sống, nhỏ nhất từ gói phân bón, túi thuốc trừ sâu, từ bữa cơm, viên thuốc chữa bệnh đến chủ trương, chính sách phát triển đất nước, ý chí, phương sách bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn Tổ quốc đã được khuấy lên trên diễn đàn Quốc hội. Phiên chất vấn đã tái hiện bức tranh sống động về hiện tình đất nước với gam màu tươi sáng của ổn định chính trị, giữ vững an ninh, quốc phòng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Mỗi phiên chất vấn, người xem, người đọc, người nghe như cảm thấy cuộc sống của chính mình đang được thảo luận giữa Hội trường Diên Hồng. Cảm xúc để lại là những ấn tượng tốt đẹp, cảm giác hài lòng và đồng hành cùng những đại biểu do mình bầu ra. 

Nhìn lại một Kỳ họp với khối lượng công việc to lớn đã hoàn thành, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – người vừa được bầu giữ chức danh Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIII cho rằng, điều nổi bật nhất với ông là tinh thần làm việc hăng say, đầy tính xây dựng của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan liên quan trong suốt cả tháng nghị trình.

Chia sẻ về ấn tượng của mình sau Kỳ họp, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão nhắc đến 2 chữ cảm xúc. Với ông, Kỳ họp thứ 10 là Kỳ họp của rất nhiều cảm xúc. Người đại biểu Quốc hội kỳ cựu cảm động vì các đại biểu Quốc hội rất chân thành, thẳng thắn và ngày càng dạn dày, hiệu quả trong vận dụng kinh nghiệm nghị trường. Ông cũng cảm động bởi các cơ quan Chính phủ, cơ quan Tư pháp đã bày tỏ thái độ chân thành, lắng nghe, tiếp thu và đưa ra nhiều giải pháp hữu ích, đáp ứng mong mỏi của cử tri.

Cử tri hướng về Quốc hội, Quốc hội phục vụ cử tri. Chẳng phải chuyện thường mà trong số hàng trăm sự kiện mỗi ngày, suốt hơn 1 tháng qua, từng câu chữ nóng hổi phát ra từ Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội luôn trở thành tâm điểm trên trang nhất của hàng trăm tờ báo lớn nhỏ cả nước. Không chỉ mang tầm quan trọng đặc biệt, thông tin sinh hoạt nghị trường đã trở thành mối quan tâm thường ngày không thể thiếu của mỗi người dân.

Quang Vũ (TTXVN)
Toàn văn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 10 của Chủ tịch Quốc hội
Toàn văn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 10 của Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIII.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN