Tin nổi bật trong ngày 1/12

Chiều 1/12, Việt Nam thêm 4 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 ca lây nhiễm từ BN1347 tại TP Hồ Chí Minh; Tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài; Khởi tố chủ quán bánh xèo hành hạ nhân viên tại Bắc Ninh; Mưa lũ kéo dài làm nhiều tuyến đường bộ ở Quảng Nam bị sạt lở, ngập sâu… là những thông tin nổi bật được bạn đọc quan tâm trong ngày.

Chú thích ảnh
Công tác phòng chống dịch COVID-19 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình được tăng cường. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Thêm 2 ca lây nhiễm COVID-19 từ BN1347 tại TP Hồ Chí Minh

Tính đến 18 giờ ngày 1/12, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 2 ca lây nhiễm từ BN1347 tại TP. Hồ Chí Minh. Ca bệnh 1348 (BN1348) là nam, 1 tuổi, có địa chỉ tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với BN1347.

Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11/2020 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh. Ca bệnh 1349 (BN1349) là nữ, 28 tuổi, có địa chỉ tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với BN1347. Lấy mẫu ngày 30/11/2020, kết quả xét nghiệm ngày 1/12/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi. Ca bệnh 1350 (BN1350) là nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Ca bệnh 1351 (BN1351) là nam, 57 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ngày 16/11/2020, BN1350-1351 từ Canada nhập cảnh Sân bay Vân Đồn, được cách ly tại tỉnh Hải Dương ngay sau khi nhập cảnh.

Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 17/11/2020 âm tính; lấy mẫu lần 2 ngày 30/11/2020, kết quả xét nghiệm ngày 1/12/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương các bệnh nhân đều dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh các nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 1/12, Việt Nam có tổng cộng 1.351 ca mắc COVID-19; trong đó có 693 ca mắc do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 553 ca.

Chú thích ảnh
Khu cách ly đoàn tiếp viên Vietnam Airlines. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN

Liên quan đến hai ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận, Sở Y tế đã tạm ngưng hoạt động Khu cách ly đoàn tiếp viên Vietnam Airlines ở quận Tân Bình sau khi có một trường hợp lây mắc COVID-19 tại đây. Sau khi khu cách ly này tạm ngưng hoạt động, tất cả phi hành đoàn đang cách ly tại đây được chuyển đến Khu cách ly tập trung của thành phố ở huyện Củ Chi.

Khu cách ly đoàn tiếp viên Vietnam Airlines là cơ sở cách ly được Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn và được Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố chấp thuận thành lập. Cơ sở cách ly này phục vụ trung bình 50 người/ngày gồm tiếp viên, phi công của Hãng và phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế địa phương, theo dõi quá trình cách ly của cán bộ nhân viên.

Trước đó, ngày 28/11, bệnh nhân số 1342 là tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines được xác định mắc COVID-19. Theo nhận định của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình cách ly tại Khu cách ly đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, bệnh nhân này có tiếp xúc một tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về. Đây là chuyến bay có nhiều hành khách dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ngay sau khi phát hiện trường hợp nêu trên, Sở Y tế Thành phố đã phong tỏa, đưa những người có tiếp xúc gần về các khu cách ly của thành phố, đồng thời khử khuẩn và đóng cửa khu cách ly này. Liên quan đến bệnh nhân số 1347, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo rộng rãi đến người dân các địa điểm bệnh nhân này từng lui tới.

Tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài

Chiều nay, 1/12, kết luận họp Thường trực Chính phủ về COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần “phải bình tĩnh và quyết liệt hơn”, cả hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ hơn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác ở mọi địa bàn, trước hết là các thành phố lớn, các khu tập trung đông người.

Chú thích ảnh
Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tham dự cuộc họp. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Thực hiện nghiêm túc “Thông điệp 5K”, trước hết là 2K: Đeo khẩu trang và khử khuẩn. “Tiếp tục thực hiện chiến lược từng mang lại hiệu quả trong 2 đợt dịch trước đây là kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ. TP Hồ Chí Minh thực hiện cấp bách, thần tốc việc điều tra, truy vết, cách ly mọi đối tượng F1, F2 đối với số lượng người đã phát hiện, “không để vòng tuần hoàn thứ 3 nguy hiểm ra cộng đồng”.

Với trường hợp lây nhiễm vừa qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xác định đây là vi phạm nghiêm trọng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan vì vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan. Các tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, các khu tập trung chú ý vấn đề đeo khẩu trang.

Tăng trường kiểm tra các chủ trương đã nêu, đặc biệt là đeo khẩu trang và khử khuẩn, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát những nơi có nguy cơ dễ xảy ra lây nhiễm như siêu thị, bệnh viện, phương tiện công cộng, trường học, nhà máy… Những vụ việc đã xảy ra cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là ngành y tế.

“Các cấp, các ngành, các địa phương khi tiếp khách nước ngoài, người từ nước ngoài về, hay từ vùng có khả năng lây nhiễm cao thì phải hỏi ý kiến ngành y tế trước khi quyết định”, Thủ tướng nói. Quản lý biên giới, xuất nhập cảnh chặt chẽ. Tạm dừng các chuyến bay thương mại từ nước ngoài, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết). Hành khách trên mọi chuyến bay về nước thì đều phải được cách ly 14 ngày.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo cụ thể cùng với Bộ Y tế về việc cách ly các tổ bay, các tiếp viên của các hãng hàng không một cách nghiêm túc, đúng quy định, không để tình trạng lỏng lẻo như vừa qua. Tiếp tục dừng các hoạt động không cần thiết; các hoạt động tập trung đông người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Thực hiện giãn cách xã hội với khu vực có nguy cơ cao và có chủ trương khoanh vùng hợp lý, không giãn cách xã hội tràn lan ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh.

Về công tác thông tin truyền thông, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phổ cập tinh thần không chủ quan trong phòng chống dịch vì dịch còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới; hướng dẫn người dân đề phòng bệnh tật. Ngăn chặn thông tin tiêu cực, bịa đặt, “tinh thần chủ động, tích cực, không mất cảnh giác chứ không phải tinh thần hoang mang, run sợ khi một ca lây nhiễm trong cộng đồng xảy ra ở TP Hồ Chí Minh”, Thủ tướng nói TP Gồ Chí Minh triển khai mọi biện pháp, xử lý các trường hợp F1, F2 kiên quyết, kịp thời, thần tốc.

Cần bảo đảm năng lực cho hệ thống, kể cả tinh thần sẵn sàng đi đầu trong phòng chống dịch. Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề vaccine ngừa COVID-19, sớm có phương án báo cáo Thường trực Chính phủ.

Khởi tố chủ quán bánh xèo hành hạ nhân viên tại Bắc Ninh

Ngày 1/12, Công an huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Ánh Tuyết, sinh năm 1986, ở huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), là chủ quán Bánh xèo miền Trung ở xã Yên Trung, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) để điều tra về hành vi "Hành hạ người khác" theo Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chú thích ảnh
Đối tượng Nguyễn Thị Ánh Tuyết (bên phải) tại cơ quan điều tra. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Quyết định này đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Trước đó, ngày 21/11, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Yên Phong phát hiện cháu T. Q. D (15 tuổi), ở thôn Thuận Hòa, xã Thành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đang đi lạc tại khu vực xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong với nhiều vết thương trên người. Công an huyện Yên Phong đã điều tra làm rõ T.Q.D là nhân viên của quán Bánh xèo miền Trung ở xã Yên Trung do Nguyễn Thị Ánh Tuyết làm chủ quán.

Trong quá trình làm việc tại quán, cháu D bị Tuyết đánh đập, hành hạ và bị bỏ đói nên đã bỏ trốn khỏi quán. Tại cơ quan Công an, Nguyễn Thị Ánh Tuyết đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Theo đó, không chỉ có D, Tuyết còn hành hạ nhân viên của quán là V. V. Đ (21 tuổi) ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Để tránh bị phát hiện và giữ chân hai nhân viên, Tuyết đã bắt D và Đ làm việc từ 7 giờ sáng hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, không trả lương, không được gặp gỡ, giao tiếp với người ngoài. Mỗi khi tức giận, Tuyết lại lôi nhân viên ra phía sau nhà đánh đập bằng những dụng cụ làm bếp như bàn chải sắt đánh vảy cá, dao, chày giã tiêu, xẻng xúc bánh xèo…

Mưa lũ kéo dài làm nhiều tuyến đường bộ ở Quảng Nam bị sạt lở, ngập sâu

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông, từ ngày 29/11 đến 1/12, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa bình quân từ 37 - 359 mm. Mưa lớn kéo dài đã làm cho nhiều tuyến đường bộ quan trọng tại các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang bị sạt lở và ngập sâu, nhiều đoạn ách tắc giao thông.  

Chú thích ảnh
Ngành điện Quảng Nam nỗ lực cấp điện cho các xã vùng cao bị cô lập sau bão lũ. Ảnh: Trần Tĩnh/TTXVN

Cụ thể, tuyến đường Đông Trường Sơn bị sạt lở tại các vị trí ở km 125, km 41; trên các tuyến Quốc lộ 14H, Quốc lộ 40B, Tỉnh lộ 611, 617… nhiều đoạn bị ngập sâu từ 0,5 - 1m, gây ách tắc giao thông. Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng 1/12, mưa lớn gây ngập sâu khoảng 0,5m tại một số đoạn trên các tuyến phố trong thành phố Tam Kỳ.

Để đảm bảo giao thông được thông suốt, chính quyền các địa phương đã và đang huy động nhân lực, vật lực khẩn trương triển khai các giải pháp khắc phục thiệt hại trên các tuyến đường, nỗ lực sớm thông tuyến cho người dân đi lại. Ngoài ra, do mưa lớn, hiện các lực lượng thực hiện công tác tìm kiếm người và khắc phục hậu quả thiên tai các vụ sạt lở đất ở xã Trà Leng (huyện Nam Trà My) và xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) phải tạm dừng công việc, chờ đến khi hết mưa sẽ tiếp tục hoạt động trở lại.  

Mưa lớn, nước sông lên cao cũng làm cho mực nước các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh dâng cao báo động.

Đến sáng 1/12, tất cả 17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn của tỉnh đã đầy nước. Tương tự, mực nước ở các hồ chứa thủy điện trong tỉnh hiện cũng đầy và gần đầy: mực nước của hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 là 175m; mực nước hồ chứa thủy điện A Vương là 377,21 - 380m, mực nước hồ chứa thủy điện Đak Mi 4 là 257,3m - 258m; mực nước hồ chứa thủy điện Sông Bung là 218,54 m - 222,5m.  

Trước tình hình mực nước ở các hồ chứa thủy lợi và thủy điện liên tục dâng cao, để đảm bảo an toàn cho nhân dân và các hồ chứa, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành điều tiết mực nước ở các hồ, xả nước từ từ để không gây bất ngờ và ảnh hưởng đối với đời sống của các hộ dân vùng hạ du.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống tại những vùng có nguy cơ bị chia cắt do lũ lụt, bị sạt lở đất, huyện miền núi Bắc Trà My đã tổ chức di dời 441 hộ dân với 1.993 người sơ tán đến nơi an toàn. Trong đó, di dời xen ghép 423 hộ với 1.928 người, di dời tập trung 18 trên tổng số 65 người.

V.T/Báo Tin tức
Tin nổi bật ngày 30/11
Tin nổi bật ngày 30/11

Phát hiện trường hợp lây nhiễm COVID-19 từ người cách ly; Xét xử kín vụ án bị cáo Nguyễn Đức Chung chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước; Bộ GD-ĐT sẽ thu hồi bằng tiến sĩ nếu liên quan tới sai phạm tại ĐH Đông Đô…là những thông tin ‘nóng” được dư luận đặc biệt quan tâm trong ngày 30/11

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN